Tìm lối 'mở' thị trường giữa 'bão' thương mại

Ngày 21-5, Báo Sài Gòn Giải Phóng phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cùng Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Diễn đàn CEO 2025 với chủ đề 'Giải pháp mở rộng thị phần cho doanh nghiệp trong bối cảnh chiến tranh thương mại'.

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Yến Như

Quang cảnh diễn đàn. Ảnh: Yến Như

Sự kiện quy tụ hơn 200 CEO và lãnh đạo doanh nghiệp từ nhiều ngành nghề cùng các chuyên gia kinh tế, đại diện Bộ Công Thương và các địa phương như thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Cần Thơ.

Phát biểu khai mạc diễn đàn, Phó Tổng Biên tập Phụ trách Báo Sài Gòn Giải Phóng Nguyễn Khắc Văn cho biết, diễn đàn sẽ là nơi khơi mở các góc nhìn đa chiều, góp phần hình thành giải pháp cụ thể, phù hợp từng ngành, từng lĩnh vực. Từ đó, các doanh nghiệp lựa chọn hướng đi phù hợp nhất để sản phẩm của mình đến với người tiêu dùng nhanh nhất, chi phí hợp lý nhất.

Tại diễn đàn, Giám đốc Sở Công thương thành phố Hồ Chí Minh Bùi Tá Hoàng Vũ cho biết, dù các doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh chỉ xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ khoảng 10% trong tổng kim ngạch xuất khẩu, nhưng thành phố luôn xác định đây là thị trường quan trọng do tính dẫn dắt hành vi tiêu dùng và chuỗi cung ứng toàn cầu. Do đó rất cần những điều chỉnh mang tính chiến lược, lâu dài.

Các diễn giả tham gia diễn đàn. Ảnh: Yến Như

Các diễn giả tham gia diễn đàn. Ảnh: Yến Như

Ông Phạm Bình An, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố Hồ Chí Minh cho biết, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung làm cho cấu trúc thị trường toàn cầu đang bị phân mảnh, thay thế cho trật tự toàn cầu hóa gắn kết chặt chẽ như trước đây và thúc đẩy làn sóng dịch chuyển sản xuất khỏi Trung Quốc. Việt Nam nổi lên là điểm đến thay thế, song việc trở thành điểm trung chuyển khiến Việt Nam cũng bị gắn nhãn “lẩn tránh thuế” trong một số vụ kiện phòng vệ thương mại gần đây.

Thống kê cho thấy, từ tháng 4-2025, Việt Nam ghi nhận 32 vụ điều tra phòng vệ thương mại từ 12 thị trường khác nhau, gần gấp đôi so với năm 2023. Đặc biệt, Hoa Kỳ là quốc gia điều tra nhiều nhất với 11 vụ, tập trung vào các sản phẩm như sắt thép, xơ sợi. Trong khi đó, EU đã triển khai cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM), buộc doanh nghiệp phải minh bạch hóa quy trình sản xuất và chứng minh lượng khí thải CO₂.

Dù vậy, trong thách thức vẫn có cơ hội. Việc Việt Nam tham gia nhiều FTA đã mở ra cánh cửa tiếp cận hơn 50 thị trường toàn cầu. Để khai thác hiệu quả, doanh nghiệp cần đầu tư nghiêm túc vào logistics, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý và chuyển đổi số.

Ông Phạm Bình An cho rằng doanh nghiệp cần chủ động nâng cao năng lực tuân thủ và truy xuất nguồn gốc để đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt tại thị trường Hoa Kỳ, EU. Doanh nghiệp cần phân loại, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm, không chỉ tập trung vào các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, mà còn cần đẩy mạnh khai thác thị trường ngách.

Đồng thời, cần tận dụng hiệu quả các hiệp định FTA và chính sách hỗ trợ từ Chính phủ để hội nhập sâu chuỗi giá trị toàn cầu. Doanh nghiệp cũng nên chuyển từ gia công sang xây dựng thương hiệu riêng, phát triển sản phẩm “Make by Vietnam”, nhằm nâng cao giá trị, giảm rủi ro và mở rộng thị phần bền vững.

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Yến Như

Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia trình bày tham luận tại diễn đàn. Ảnh: Yến Như

Đề cập đến tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân trong bối cảnh hiện nay, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đề nghị Chính phủ sớm ban hành nghị định về cơ chế hỗ trợ hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp, tiến tới xây dựng Luật Kinh tế tư nhân. Đặc biệt, cần phát triển cân bằng thị trường tài chính, thành lập các quỹ hỗ trợ như quỹ tái bảo lãnh tín dụng, quỹ chuyển đổi xanh, quỹ đầu tư mạo hiểm… hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân lớn lên ngay chính sân nhà, từ đó vươn ra thị trường nước ngoài.

Trong phần giao lưu, các doanh nghiệp đã chia sẻ nhiều giải pháp thực tiễn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực - Thực phẩm thành phố Hồ Chi Minh nhấn mạnh việc tái định vị thị trường là yếu tố sống còn, thay vì chỉ phụ thuộc vào 1-2 thị trường truyền thống. Bà đề xuất doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường ngách, thị trường Halal, tăng cường yếu tố khác biệt của sản phẩm, đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi xanh và số để nâng cao năng lực cạnh tranh.

Còn bà Võ Thị Liên Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Secoin chia sẻ kinh nghiệm ứng phó với rào cản thuế quan bằng cách liên kết trong chuỗi cung ứng, đa dạng hóa thị trường, chuẩn hóa tiêu chuẩn xanh theo hướng quốc tế và tăng cường ứng dụng thương mại điện tử B2C. Các ý kiến đều thống nhất rằng, để doanh nghiệp Việt vươn xa, cần thay đổi tư duy thị trường, ứng dụng công nghệ, liên kết mạnh mẽ, phát triển bền vững hơn trong chuỗi và không ngừng đổi mới sáng tạo.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Yến Như

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: Yến Như

Phát biểu tổng kết diễn đàn, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Năng lực quản trị rủi ro, công nghệ, nhân lực của doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn yếu so với yêu cầu hội nhập mới… Nếu không thay đổi, rất nhiều doanh nghiệp sẽ bị đào thải ngay trên sân nhà, chưa cần ra biển lớn. Thị trường hiện tại không dành cho sự trì trệ hay bảo thủ. Doanh nghiệp Việt Nam muốn tồn tại và vươn ra thế giới cần thay đổi tư duy, làm chủ công nghệ, tăng tính minh bạch và liên kết cùng nhau để phát triển bền vững.

Yến Như - Hồng Nhung

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tim-loi-mo-thi-truong-giua-bao-thuong-mai-703002.html