Tìm 'lối vào' chuỗi phân phối nước ngoài
Những năm gần đây, với sự hỗ trợ của các tập đoàn phân phối bán lẻ hàng đầu thế giới, các sản phẩm chất lượng cao của Việt Nam đã tới tay hàng triệu người tiêu dùng toàn cầu. Năm 2024, thành phố Hà Nội tiếp tục triển khai nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, tạo cơ hội cho doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác với các mạng lưới phân phối nước ngoài.
Đòi hỏi khắt khe về chất lượng
Sau khi tiếp cận thành công hai hệ thống bán lẻ lớn nhất tại Pháp là Carrefour và E.Leclerc, Tuần hàng Việt Nam tiếp tục mở rộng tới hệ thống bán lẻ Système U với gần 1.700 cơ sở trên toàn nước Pháp.
Theo Chủ tịch - Tổng Giám đốc hệ thống Système U Dominique Schelcher, hàng Việt Nam đã hiện diện từ hơn 10 năm qua trên hệ thống Système U thông qua đối tác T&T Foods. Sản phẩm Việt Nam ở chuỗi siêu thị này bao gồm rất nhiều mặt hàng và đang ngày càng mở rộng, không chỉ ở vùng Paris mà cả ở các siêu thị tại Alsace.
Còn Chủ tịch, Tổng Giám đốc chuỗi siêu thị Carrefour Bruno Lebon cho hay, khách hàng Pháp đang ngày càng ưa chuộng hàng hóa và ẩm thực Việt Nam. Vì vậy, với mong muốn đa dạng hóa hơn nữa hàng hóa Việt Nam trong chuỗi siêu thị của mình, ngoài các sản phẩm lương thực, thực phẩm hay hoa quả, Carrefour muốn tiếp nhận các mặt hàng khác như dệt may, giày dép…, đặc biệt là các sản phẩm linh kiện điện thoại và công nghệ thông tin sản xuất tại Việt Nam.
Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang cho rằng: “Việc đưa hàng Việt trực tiếp thâm nhập vào mạng lưới bán lẻ nước ngoài không chỉ thúc đẩy kim ngạch hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, mà còn góp phần xây dựng một hệ thống các doanh nghiệp cung cấp hàng Việt bảo đảm chất lượng, nguồn gốc xuất xứ, đáp ứng những yêu cầu, tiêu chuẩn khắt khe, hướng tới sự phát triển bền vững”.
Theo Bộ Công Thương, Việt Nam hiện có hơn 170 cơ sở bán lẻ thuộc các loại hình có vốn đầu tư nước ngoài; trong đó, có khoảng 110 cơ sở bán lẻ vốn đầu tư nước ngoài có diện tích 500m2 trở lên thuộc loại hình siêu thị, trung tâm thương mại của nhiều thương hiệu nổi tiếng như Big C, Lotte Mart, Aeon, Emart… Không chỉ ưu tiên phân phối các sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt trong hệ thống tại thị trường nội địa, các nhà bán lẻ ngoại còn tham gia xuất khẩu hàng hóa Việt Nam thông qua hệ thống phân phối tại thị trường nước ngoài.
Đứng ở góc độ doanh nghiệp, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An Võ Xuân Hòa chia sẻ, thời gian qua, đơn vị đã chủ động nghiên cứu, nắm bắt thị hiếu của thị trường quốc tế một cách kịp thời, phát triển được các sản phẩm mới phù hợp với xu hướng tiêu dùng trong các chuỗi cung ứng, bảo đảm chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Bằng việc thâm nhập vào mạng phân phối nước ngoài, công ty đã xuất khẩu sản phẩm chuối tươi ổn định tới thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia... với sản lượng ngày càng lớn.
Tuy nhiên, do các nhà phân phối nước ngoài đặt ra yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn nên việc xuất khẩu qua kênh bán lẻ hiện đại không dễ dàng. Nói về vấn đề này, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang cho rằng, thị trường thế giới luôn có những đòi hỏi khắt khe về chất lượng sản phẩm, tiêu chuẩn, nguồn gốc và tính phát triển bền vững. Trong khi đó, phần lớn doanh nghiệp của ta có quy mô nhỏ và vừa, thường thiếu, yếu về chuyên môn, kỹ năng, cũng như khả năng tài chính.
Triển khai có trọng tâm, trọng điểm
Để hỗ trợ doanh nghiệp đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài, UBND thành phố Hà Nội vừa ban hành kế hoạch triển khai Đề án “Thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”.
Theo đó, trong năm 2024, UBND thành phố triển khai đồng bộ 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp như tổ chức các hội thảo kết nối giao thương giữa doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu với các nhà phân phối nước ngoài. Thành phố cũng tích cực đưa doanh nghiệp khảo sát thị trường các nước; tổ chức hoạt động kết nối giao thương giữa doanh nghiệp Việt Nam với mạng lưới phân phối do doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài làm chủ; tổ chức các hoạt động quảng bá, tiếp thị...
Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nhận định, nhiều doanh nghiệp đã có khả năng nắm bắt tốt hơn nhu cầu, thị hiếu người tiêu dùng, học được cách quản lý chất lượng tiên tiến trong chuỗi cung ứng, kiểm soát tốt hơn chất lượng hàng hóa, nhất là đối với các mặt hàng nông, lâm, thủy sản... cần truy xuất nguồn gốc, qua đó bảo đảm tiêu chuẩn xuất khẩu cho các hãng hàng đầu thế giới.
Tuy nhiên, đó vẫn là con số nhỏ hơn rất nhiều so với mong muốn, khi còn nhiều doanh nghiệp chưa tiếp cận được hệ thống phân phối nước ngoài.
“Để hàng hóa Việt Nam có chỗ đứng vững chắc tại các siêu thị quốc tế, đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện đồng bộ các giải pháp từ sản xuất đến phân phối, tiêu thụ và trọng tâm là bảo đảm chất lượng. Quan trọng hơn, rất cần sự tham gia của các tổ chức tài chính, ngân hàng lớn hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn để nâng cấp máy móc thiết bị, nhà xưởng, đổi mới khoa học công nghệ...”, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Bùi Duy Quang thông tin.
Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công Thương) Tạ Hoàng Linh:
Thúc đẩy sự kết nối
Các nhà phân phối bán lẻ nước ngoài đã coi Việt Nam là một địa điểm chiến lược trong chiến lược thu mua trên thị trường toàn cầu. Vấn đề doanh nghiệp cần hiện nay chính là thông tin, phải làm thế nào để đáp ứng được yêu cầu của các nhà phân phối, hệ thống bán lẻ quốc tế.
Trong năm 2024, các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài sẽ tiếp tục hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm cơ hội kinh doanh mới, thúc đẩy sự kết nối với các chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhờ đó, doanh nghiệp hiểu rõ hơn và tận dụng tối đa các Hiệp định thương mại tự do trong chiến lược kinh doanh. Dự kiến khoảng 30 thương vụ sẽ đưa các đoàn mua hàng lớn về Việt Nam tham dự sự kiện Kết nối chuỗi cung ứng hàng hóa quốc tế - Viet Nam International Sourcing Expo diễn ra từ ngày 6 đến 8-6 sắp tới tại thành phố Hồ Chí Minh để gặp gỡ các doanh nghiệp, giao thương, tìm kiếm cơ hội kinh doanh.
Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại, Du lịch Hà Nội Nguyễn Ánh Dương:
Cần đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật
Là một trong những nhà bán lẻ lâu đời nhất tại Nhật Bản với nhiều công ty thành viên đang hoạt động cả trong và ngoài nước Nhật Bản, nên việc đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối của Tập đoàn AEON nói riêng và các hệ thống phân phối nước ngoài là một quá trình rất dài, đòi hỏi sự đầu tư chỉn chu, nghiêm túc từ phía doanh nghiệp. Nhưng bù lại, doanh nghiệp sẽ có một thị trường rộng mở, thường xuyên và nâng cao được uy tín thương hiệu cũng như năng lực cạnh tranh.
Để có thể đưa hàng vào hệ thống siêu thị AEON Việt Nam, nhà cung ứng cần đáp ứng các điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật với yêu cầu cơ bản: Có đủ giấy phép, giấy chứng nhận theo quy định của Việt Nam; chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất bảo đảm theo đúng tiêu chuẩn của Tập đoàn AEON; truy xuất được nguồn gốc; kiểm soát được nguồn gây ô nhiễm tiềm ẩn về vi sinh vật, kim loại nặng…
Phó Chủ tịch Tập đoàn Central Retail Việt Nam Paul Lê:
Chú ý đến câu chuyện của sản phẩm
Nhiều năm qua, Central Retail đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức “Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan” nhằm giúp doanh nghiệp quảng bá thương hiệu, gia tăng cơ hội bán hàng vào kênh phân phối của Thái Lan. Khi tham dự các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối xuất khẩu, doanh nghiệp nên đem đến câu chuyện sản phẩm thay vì những sản phẩm thông thường.
Để vươn ra kệ siêu thị Central Retail tại Thái Lan và từ đó vươn ra thế giới, doanh nghiệp cần đứng vững tại kệ siêu thị của Central Retail tại thị trường nội địa. Trong đó, doanh nghiệp cần chú trọng chế biến, đóng gói, xây dựng thương hiệu. Đặc biệt về vấn đề bao bì sản phẩm, cần phải thực sự dễ đọc, dễ nhớ và chú ý đến cả màu sắc, câu chuyện của sản phẩm. Thị hiếu tiêu dùng của người Việt Nam và người Thái Lan không có quá nhiều khác biệt, nhưng người Thái Lan ăn cay hơn người Việt Nam…
Quang Minh ghi
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tim-loi-vao-chuoi-phan-phoi-nuoc-ngoai-659178.html