Tìm người 'cầm cân, nảy mực' cho âm nhạc
Năm 2019 được coi là năm 'nở hoa' của thị trường âm nhạc. Tuy nhiên, thực tế cho thấy nhạc Việt vẫn đang thiếu những nhà phê bình, lý luận có tâm, có tầm.
Âm nhạc và bản quyền
Một trong những “vấn nạn” của âm nhạc Việt Nam trong những năm trở lại đây là câu chuyện bản quyền. Ở mức độ nào đó đạo nhạc, vi phạm bản quyền tác giả đang bị lạm dụng một cách quá đà, thậm chí ngoài tầm kiểm soát…
Theo nhà lý luận, phê bình âm nhạc, Phó Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Châu, những lùm xùm trong năm 2019 về tranh chấp quyền sở hữu trí tuệ chủ yếu vẫn do giới nhạc thiếu hiểu biết, thiếu ý thức về bản quyền tác giả và quyền liên quan. Giải quyết tận gốc vấn nạn này phải bắt đầu từ việc coi trọng giáo dục nhân cách song song với truyền dạy kiến thức chuyên môn, để người làm nhạc được trang bị dù chỉ tay nghề mà cả đạo đức làm nghề. Ở đây vai trò của các nhà lý luận phê bình có thể rất hiệu quả, chỉ có điều làm sao họ nhập cuộc đây?
Cũng theo bà Châu, người làm âm nhạc vốn đang thiếu diễn đàn và chỉ có số lượng bạn đọc quá hạn hẹp, bây giờ có thể chủ động và thường xuyên đưa tới đông đảo công chúng, đặc biệt là giới trẻ những bài viết hấp dẫn hơn nhờ kèm dẫn chứng âm thanh hoặc video. Trang mạng không chỉ là nơi chia sẻ mà còn kết nối, tương tác giữa những người hoạt động âm nhạc với nhau hay giữa giới làm nhạc với giới yêu nhạc và không phải nhà lý luận âm nhạc nào cũng tận dụng được những ưu việt của công nghệ tin học. Thế hệ cao niên, không ít nhà quản lý thậm chí còn thấy dị ứng với thế giới ảo. Rõ ràng, bên cạnh lợi ích to lớn, thành tựu của khoa học công nghệ có những tác hại không nhỏ như sự nhiễu loạn thông tin dẫn đến loạn chuẩn mực, cơ hội đạo nhạc và đạo văn trong âm nhạc càng dễ dàng nên hiện tượng vi phạm bản quyền gia tăng, tốc độ tin cây về tính bảo mật thông tin suy giảm, tính tự phát và khó kiểm soát tăng thêm nguy cơ phát triển lệch lạc, mất cân đối.
Cần người “cầm cân, nảy mực”
Có thể thấy, chỉ riêng câu chuyện bản quyền thì những nhà lý luận, phê bình âm nhạc ở cả khía cạnh chủ quan lẫn khách quan vẫn chưa thật sự có sự vào cuộc mạnh mẽ. Trong khi đó, thị trường âm nhạc Việt đang có một sự phát triển rất đa dạng. Với sự phát triển của công nghệ, âm nhạc giải trí thị trường đang chiếm lĩnh thị hiếu đặc biệt là của giới trẻ. Sự nổi tiếng trong âm nhạc giờ đây được xác định bằng các danh xưng ông hoàng, hoàng tử, công chúa, nữ hoàng… Nhiều sản phẩm âm nhạc dễ dàng trở thành “siêu phẩm”, “MV triệu view”... đơn giản bởi người nghệ sĩ đó có một lực lượng người hâm mộ hùng hậu. Thậm chí có những ca khúc lọt vào top bài hát hay, thu hút công chúng chỉ bằng dăm ba lời xáo rỗng, “hợp tai” những người trẻ. Để rồi sau mỗi ca khúc mạng xã hội tràn ngập những tương tác bình luận, thậm chí tranh cãi thể hiện sự yêu thích sản phẩm âm nhạc. Để rồi giá trị của tác phẩm âm nhạc trẻ không đo bằng thước đo thẩm định của các nhà nghiên cứu, phê bình mà bằng sức hút của người nghe, người xem qua mạng xã hội.
Theo Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam Đỗ Hồng Quân, lý luận phê bình âm nhạc đang tồn tại nhiều nghịch lý. Đối tượng được phê bình trong âm nhạc chủ trong âm nhạc chủ yếu nhằm vào các thể loại ca khúc có lời. Chính vì có lời, ca từ nên các nhà phê bình dễ bám vào nội dung khen và chế. Mà chủ yếu là khen. Thậm chí đã trở thành công thức khen là chính, chê là phụ. Ít người đi sâu vào phân tích giai điệu, phối khí, cấu trúc tác phẩm, hoặc so sánh phát hiện ra những nét nhạc cũ, phong cách “bắt chước” nhạc sĩ A, nhạc sĩ B... Cũng theo ông Quân, chính vì lý do này mảnh đất phê bình dường như luôn không có sự sẵn sàng của các nhà chuyên môn, thậm chí nhiều người quên đi sự gắn mình với đời sống thực tế. Kết quả là đời sống âm nhạc Việt Nam được phản ánh không toàn diện, đầy đủ, thiên lệch làm thị hiếu khán thính giả cũng mất chuẩn. Công chúng chỉ biết đến nhạc trẻ, nhạc Pop, tên các ngôi sao mà không biết tới những lĩnh vực khác của đời sống âm nhạc.
Có thể nói, những nhà lý luận, phê bình được xem là “cầm cân, nảy mực” cho sự phát triển của âm nhạc Việt đang yếu và thiếu. Nguyên nhân thì có nhiều, từ nhận thức đến công tác đào tạo, từ truyền thống cho đến loạn chuẩn… Trong đó, có một nguyên nhân chủ quan là về tâm lý, do không an tâm với nghê vì nhiều thị phi, thu nhập thấp, bị thù ghét cá nhân mà né tránh những vấn đề gay cấn, “dĩ hòa vi quý”, ngại va chạm. Để rồi, công việc phê bình lại khó khăn, do văn hóa truyền thống duy tình.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/van-hoa/tim-nguoi-cam-can-nay-muc-cho-am-nhac-tintuc455655