Tìm ra cơ hội từ suy thoái kinh tế
Kinh tế toàn cầu vẫn đang trong vòng xoáy suy giảm và mức độ phục hồi yếu. Nhiều doanh nghiệp (DN) tại Việt Nam cũng như các nước rơi vào khủng hoảng phải thu hẹp sản xuất vì không tìm được đầu ra. Người tiêu dùng ở trong nước và nước ngoài đều thắt chặt chi tiêu dẫn đến hàng hóa sản xuất ra tồn kho số lượng lớn. Tuy nhiên, từ trong 'cơn bão' suy thoái vẫn có những DN tìm ra được cơ hội để ổn định sản xuất và xuất khẩu.
Theo các hiệp hội DN tại Việt Nam, có hơn 80% DN khi được khảo sát đều cho biết đang gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh. Như vậy, vẫn còn gần 20% DN trụ được và tiếp tục lên kế hoạch mở rộng sản xuất, kinh doanh. Thực tế, khi xảy ra dịch bệnh, chiến tranh, thiên tai, ưu tiên hàng đầu của người tiêu dùng là những sản phẩm thiết yếu cho cuộc sống như: thực phẩm, nông sản, thuốc. Trong đó, các dòng sản phẩm tăng cường sức khỏe cũng được người tiêu dùng chọn mua nhiều. Do đó, DN hoạt động ở những lĩnh vực trên sẽ có cơ hội nhận thêm các đơn hàng mới, tăng số lượng tiêu thụ.
Qua tìm hiểu ở Đồng Nai, những DN sản xuất thực phẩm, chế biến các nông sản theo chuỗi, đảm bảo yêu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm, sản phẩm thân thiện với môi trường vẫn phát triển khá tốt. Đơn cử như: Công ty CP Thực phẩm GC ở Khu công nghiệp Hố Nai (H.Trảng Bom), Công ty TNHH Nestlé Việt Nam có 3 nhà máy sản xuất tại Đồng Nai, Công ty CP Chăn nuôi C.P Việt Nam ở Khu công nghiệp Biên Hòa 2, Công ty TNHH Koyu & Unitek ở Khu công nghiệp Loteco (TP.Biên Hòa)…
Dù may mắn hơn các DN ở những ngành hàng khác là có đơn hàng và sản phẩm làm ra được nhiều người tiêu dùng sử dụng nhưng các DN trong ngành thực phẩm, chế biến nông sản cũng phải chịu những khó khăn và rủi ro, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, chi phí vận chuyển, lưu kho bãi cao. Đặc biệt, nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và nước ngoài ngày càng đòi hỏi cao về chất lượng, mẫu mã, tiện lợi. Mỗi thị trường đều đặt ra hàng rào kỹ thuật riêng nên DN buộc phải nắm bắt kịp thời để điều chỉnh kế hoạch sản xuất cho phù hợp. Hầu hết các nước nhập khẩu hàng hóa lớn đều ưu tiên lựa chọn sản phẩm xanh. Do đó, DN muốn “lội ngược dòng” trong giai đoạn này phải nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, có đầu tư lớn về khoa học công nghệ để tăng khả năng cạnh tranh.