Tìm thấy bản dịch báo Bãi Sậy qua hồ sơ chính trị của Tòa sứ Pháp tại Hưng Yên năm 1943

LTS: Qua hai cuộc kháng chiến ác liệt, rất tiếc đến nay không còn tìm lại được số báo Bãi Sậy nào. Trong khi đi tìm tài liệu cũ về Hưng Yên để viết truyện, nhà văn Học Phi tình cờ phát hiện trong tập hồ sơ chính trị (Dossier Politicque) của Tòa sứ Pháp tại Hưng Yên mà ông còn giữ được từ khi làm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến lâm thời tỉnh (năm 1945), bản dịch 3 số báo Bãi Sậy mà địch gửi lên Phủ Thống sứ và Sở Mật thám Bắc Kỳ để báo cáo. Xin giới thiệu với bạn đọc mấy bài của báo Bãi Sậy do địch dịch ra tiếng Pháp, nhà văn Học Phi dịch và hiệu đính từ tiếng Pháp ra tiếng Việt.

Bãi Sậy, cơ quan tuyên truyền của Tỉnh bộ Việt Minh Hưng Yên

Số 1 ra ngày mồng mười tháng sáu (năm 1943)

Hỡi đồng bào! Người Việt Nam chúng ta chắc chưa ai quên cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy oanh liệt ở Hưng Yên. Đó là trang sử vẻ vang của nước ta được viết bằng máu của những anh hùng yêu nước chống lại giặc Pháp khi chúng mới đến xâm lược nước ta. Trong vòng 15 năm, từ 1883 đến 1897(1), cuộc khởi nghĩa, dưới sự lãnh đạo của cụ Tán Thuật, đã làm cho giặc Pháp phải nhiều phen điêu đứng. Nhưng rồi do thời cơ chưa đến, do tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch, nhất là chênh lệch về vũ khí, cuộc khởi nghĩa đã thất bại.

Để noi gương vẻ vang của ông cha, chúng tôi đặt tên cho tờ báo này là “Bãi Sậy”. Hằng tháng “Bãi Sậy” mang tin tức, chủ yếu là tin về phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở khắp nơi trong nước và cả tin thế giới đến với đồng bào. Hỡi đồng bào! Hãy ủng hộ tờ báo của chúng ta bằng mọi cách để nó làm tròn sứ mạng của mình.

Chùa Văn Xá (xã Liêu Xá, Yên Mỹ) - một trong những cơ sở in báo Bãi Sậy năm 1943

** *

...
Bãi Sậy số 2 ngày rằm tháng bảy

Kỷ niệm ngày 1/8 (Ngày chống chiến tranh)

Cuộc chiến tranh thế giới lần thứ nhất nổ ra ngày 1/8/1914 và kết thúc ngày 11/11/1918 với 10 triệu người chết và 20 triệu người tàn phế, không kể những vợ góa, con côi. Kỷ niệm ấy còn chưa phai mờ trong trí nhớ mọi người thì năm 1939 bọn phát xít lại gây ra cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai. Mới tính đến nay, đã có hơn 20 triệu người bị ngã xuống, đã có biết bao nhiêu thành phố bị đổ nát. Ngay đến nước ta cũng không được yên hàn. Nếu tỉnh ta còn chưa bị ném bom thì cũng đã phải chịu đựng muôn vàn khổ cực: Thóc lúa bị trưng thu, lương thực thiếu thốn, bị bắt phá màu để trồng đay cho giặc Nhật. Hỡi bà con! Hãy tì vai sát cánh để bảo vệ lấy nhau. Hãy gia nhập Mặt trận dân tộc chống phát xít!. Chỉ có một cuộc cách mạng như cuộc cách mạng ở Liên Xô năm 1917 mới chấm dứt được cuộc chiến tranh hiện nay. Theo gương các nước Ý, Pháp, Đức, Trung Hoa

Tiệp Khắc... hãy kỷ niệm ngày 1/8 bằng cách:

1) Chống lại việc trưng thu thóc lúa của giặc.

2) Phản đối các thứ thuế mới của giặc.

Đả đảo đế quốc chiến tranh!

Cách mạng Việt Nam thành công muôn năm!

Thơ ca

Lời của một nông dân từ biệt vợ để đi nơi khác tìm kế sinh nhai, vì cửa nhà có ít hoa màu thì đã bị giặc Nhật phá sạch để chúng trồng đay. Để thoát khỏi tình trạng khốn khổ này thì phải cùng nhau đoàn kết chống lại kẻ thù (2).

Tin trong tỉnh

Rải truyền đơn kỷ niệm ngày 1/5 để phản đối thu thóc tạ của Nhật đã xảy ra nhiều cuộc xung đột giữa Nhân dân và giặc Nhật về việc này. Tên công sứ Jeamin hứa sẽ can thiệp nếu ai bị Nhật đánh đập, nhưng khi viên chưởng bạ xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ đến tòa sứ khiếu nại thì Jeamin bảo cứ về rồi bỏ mặc. Hỡi bà con, không nên tin ở lời hứa của bọn Pháp, mà chỉ tin ở sức mạnh đoàn kết của Nhân dân để có cơm ăn áo mặc.

** *...Bãi Sậy số 3 ra ngày rằm tháng Tám (4/9/1943)

Các đảng viên và Báo "Bãi Sậy”

Nếu báo ra chậm thì các đảng viên đều lo lắng, nhưng khi có báo thì chỉ đọc lướt qua, hoặc đọc các đầu bài. Cho nên không lấy gì làm lạ trình độ của họ không nâng lên được. Hiện nay còn nhiều người chưa biết chữ. Phải thành lập các tổ đọc báo chung để mọi người cùng nghe rồi thảo luận, bàn bạc. Đây là nhiệm vụ của các đảng viên.

Nhân dân Hưng Yên và Tết Trung thu

Tết này gọi là Tết của trẻ em, nhưng cũng là Tết của người lớn. Vì nó được cử hành vào giữa mùa thu là mùa của công việc đồng áng đã xong, người nông dân chỉ còn chờ thu hoạch. Ngày xưa, đêm trung thu nào, trên những con đường làng đầy ánh trăng, cũng có những đám múa sư tử, những đám hát đúm vui vẻ. Nhưng năm nay thì không còn những cảnh ấy nữa, vì người nông dân biết trước rằng những cây lúa đang lên ở ngoài đồng kia sẽ không thuộc về họ, biết trước rằng mùa màng của họ sẽ bị giặc Pháp và giặc Nhật cướp sạch, còn có gì thì không đủ để nộp các khoản thuế khóa mỗi ngày một tăng của Pháp.

Hỡi bà con, chỉ khi nào đuổi được hết giặc Nhật và giặc Pháp ra khỏi bờ cõi, chúng ta không còn phải làm nô lệ cho chúng nữa, thì mới có những cái Tết Trung thu vui vẻ như xưa. Hãy cùng nhau đoàn kết dưới sự lãnh đạo của Mặt trận Việt Minh để đánh Pháp đuổi Nhật, giành lại độc lập, tự do cho nước nhà.

...

...............................................................
(1). Theo tài liệu chính thức của cả địch và ta để lại, khi nhà văn, nhà viết kịch Học Phi nghiên cứu viết cuốn tiểu thuyết “Bà Đốc Huệ” thì cuộc khởi nghĩa Bãi Sậy chỉ tồn tại được mười năm, từ 1883 đến 1892.
(2) Đây là bài thơ đăng ở “Bãi Sậy” số 2 mà chúng lược dịch:
Mặt trời đã rạng đằng đông,
mình ơi trở dậy mà trông lấy nhà,
tôi đi tìm việc phương xa,
lấy tiền đong gạo để mà nuôi nhau,
cửa nhà có ít hoa màu,
giặc lùn phá sạch đã rầu lòng chưa...

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/van-hoa/202306/tim-thay-ban-dich-bao-bai-say-qua-ho-so-chinh-tricua-toa-su-phap-tai-hung-yen-nam-1943-460031a/