Tìm thấy bồn cầu xả nước 2.400 năm tuổi ở Trung Quốc
Các nhà khảo cổ học vừa tìm thấy phần còn lại của chiếc bồn cầu xả nước có thể lâu đời nhất thế giới.
Những mảnh vỡ của chiếc toilet 2.400 năm và ống xả nước bị cong vênh được tìm thấy vào mùa hè năm trước tại khu vực khảo cổ ở thành phố Tây An, Trung Quốc. Thế nhưng, chi tiết về cổ vật này mới được công bố hồi tuần trước, thu hút sự quan tâm của dư luận Trung Quốc và hé lộ cuộc sống tương đối hiện đại của giới tinh hoa thời cổ đại ở nước này.
Các nhà nghiên cứu gọi đây là "món đồ xa xỉ", cho rằng chúng được đặt trong một cung điện, với đường ống dẫn ra bên ngoài, China Daily đưa tin.
Liu Rui, nhà nghiên cứu thuộc Viện khảo cổ học, Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc, người tham gia dự án khai quật này, cho biết, chiếc toilet này có vẻ như được dành cho quan lại thời Xuân Thu - Chiến Quốc (năm 475 đến 221 trước Công nguyên) và triều đại nhà Hán (năm 206 trước công nguyên đến 220 sau công nguyên).
Ông cho biết thêm, thời đó, người hầu phải bê nước đổ vào bồn toilet sau mỗi khi quan lại sử dụng. Liu Rui cho rằng, bồn cầu xả nước này là một bằng chứng cho thấy người Trung Hoa cổ đại coi trọng vấn đề vệ sinh.
Trước đó, phát minh về chiếc bồn cầu xả nước đầu tiên trên thế giới được cho là thuộc về cận thần người Anh John Harrington, người đã lắp đặt nó cho Nữ hoàng Anh Elizabeth sử dụng vào thế kỷ 16.
Việc tìm thấy chiếc toilet gần đây là một nỗ lực của các nhà khảo cổ để hiểu rõ về các triều đại xa xưa của Trung Quốc, bao gồm cách người Trung Quốc xưa sống như thế nào và các thành phố cổ được xây dựng ra sao.
Các nhà khảo cổ học đang tiến hành phân tích mẫu thu thập từ bồn cầu để xác định những người sử dụng chúng trước đây ăn các loại thực phẩm gì.