Tìm thêm lối đi cho các đội tuyển bóng bàn
Những ngày này, đội tuyển bóng bàn trẻ thành phố Busan (Hàn Quốc) đang thi đấu giao hữu liên tục với các tuyển thủ bóng bàn trẻ quốc gia và thời gian tới là cả với đội tuyển quốc gia. Đó là ví dụ cho thấy sự chuyển mình trong lối đi của các cấp độ đội tuyển bóng bàn quốc gia.
Phụ thuộc một nguồn
Nhiều năm nay, làng bóng bàn Việt Nam vẫn coi Trung Quốc là địa điểm tập huấn lý tưởng. Không chỉ vì Trung Quốc là nền bóng bàn hàng đầu thế giới mà ở đây, việc di chuyển, chi phí ăn ở, thuê địa điểm tập huấn và “quân xanh” hoàn toàn phù hợp với nguồn lực của các đội tuyển, câu lạc bộ của Việt Nam. Và quan trọng nhất là đáp ứng được việc nâng tầm cho các tay vợt Việt Nam.
Cũng phải kể thêm, từ hơn 20 năm trước, các tay vợt Hà Nội đã được gửi đi tập huấn dài hạn ở Trung Quốc và từ đây nhiều VĐV phát huy được hết khả năng, đóng góp cho bóng bàn Thủ đô cũng như đội tuyển quốc gia. Trong đó có những Lê Huy, Trần Tuấn Quỳnh (vô địch đơn nam tại SEA Games năm 2003), Nguyễn Anh Tú (vô địch đồng đội nam ở SEA Games năm 2017, vô địch đôi nam ở SEA Games năm 2019)… Cũng như Hà Nội, nhiều tỉnh, thành, ngành như Hải Dương, Quân đội… đều cử VĐV đi tập huấn tại Trung Quốc, đặc biệt trước những kỳ Đại hội Thể thao toàn quốc và đều gặt hái những thành công nhất định.
Ở cấp độ đội tuyển quốc gia, bộ môn bóng bàn (Tổng cục TDTT) cũng thường xuyên coi Trung Quốc là lựa chọn đầu tiên khi đưa đội tuyển đi tập huấn nước ngoài. Trong khi đó, sau nhiều năm chỉ tập huấn trong nước, cách đây vài năm, đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia cũng đã đến tập huấn tại Trung Quốc. HLV đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia Bùi Xuân Hà từng kể rằng, hệ thống cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên gia tại Học viện Bóng bàn Thượng Hải (Trung Quốc) thực sự đã đem đến nhiều trải nghiệm, bài học quý cho các HLV và VĐV trong đội.
Tại đây, đội tuyển được tạo điều kiện tập luyện trong mơ so với khi tập luyện trong nước. Đáng tiếc, nguồn kinh phí đi tập huấn có hạn do chủ yếu từ nguồn xã hội hóa nên các chuyến tập huấn chỉ diễn ra trong ít tháng. Nếu không, các VĐV đội tuyển trẻ quốc gia sẽ còn được nâng tầm hơn.
Dù vậy, dịch COVID-19 đã chỉ ra sự cần thiết của việc đa dạng hóa các nguồn tập huấn quốc tế - một trong những điều kiện tiên quyết để các đội tuyển thể thao Việt Nam, trong đó có bóng bàn, đạt được mục tiêu trong nhiều năm qua. Khi dịch COVID-19 còn phức tạp cùng những biện pháp phòng, chống nghiêm ngặt tại Trung Quốc thì các đội tuyển bóng bàn đã không thể đến đây tập huấn. Trong khi đó, mối quan hệ quốc tế để tạo ra các chuyến tập huấn đến các nước khác với chi phí phù hợp với điều kiện của bóng bàn Việt Nam lại hạn chế. Cũng vì thế, trong hơn 3 năm qua, đội tuyển bóng bàn quốc gia và đội trẻ quốc gia không thể có được chuyến tập huấn nước ngoài thực sự hiệu quả.
Đội tuyển quốc gia chỉ có một chuyến tập huấn ở Hungary thông qua mối quan hệ giữa Ủy ban Olympic của hai nước. Dù vậy, chuyến tập huấn này cũng chỉ mang lại hiệu quả nhất định khi trong thời gian tập huấn, nhiều VĐV mắc COVID-19. Đến SEA Games 31 tại Việt Nam vào năm 2022, đội tuyển cũng từng kỳ vọng sẽ đi tập huấn nước ngoài song không thể, đành tập huấn trong nước.
Thêm lựa chọn
Câu chuyện đội tuyển bóng bàn trẻ thành phố Busan (Hàn Quốc) đến Việt Nam, thi đấu giao hữu với các đội tuyển quốc gia được xem là nét mới của các đội tuyển bóng bàn quốc gia. Trước đây, khi dịch COVID-19 đã tạm được khống chế trên thế giới, việc mời các đội nước ngoài đến tập huấn để giúp các tay vợt Việt Nam có điều kiện cọ xát quốc tế, duy trì sự hưng phấn trong quá trình tập trung cũng được đặt ra. Điều này cũng được xem là cách để khắc phục phần nào cho khó khăn trong lo thủ tục, kinh phí đi tập huấn nước ngoài của các đội tuyển bóng bàn quốc gia.
Cũng vì vậy, khi Tổng cục TDTT đứng ra làm cầu nối thì mới có chuyến tập huấn của đội bóng bàn trẻ Busan tại Việt Nam. HLV Bùi Xuân Hà của đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia cũng nhân dịp này cho các VĐV đội tuyển thi đấu liên tục với các tay vợt trẻ của Hàn Quốc, để tận dụng tối đa quãng thời gian thi đấu tại Việt Nam của đội trẻ Busan. Trong khi đó, như chính HLV Đinh Quang Linh của đội tuyển bóng bàn quốc gia nhìn nhận, dù chỉ là thi đấu giao hữu với các tay vợt trẻ Hàn Quốc song đội tuyển quốc gia vẫn đưa lực lượng mạnh nhất tham dự để phía bạn có thể nhìn nhận chính xác, qua đó đưa “quân xanh” thích hợp hỗ trợ đội tuyển Việt Nam nếu đội tới tập huấn tại Busan.
Không chỉ là việc thi đấu tập huấn mà thông tin bên lề còn cho thấy những dấu hiệu tích cực khác. Trong đó, rõ nhất là phía đội Busan sẵn sàng đón các tay vợt Việt Nam đến tập huấn và miễn phí ăn ở, tập huấn. Tóm lại, phía Việt Nam chỉ lo kinh phí di chuyển tới Busan, còn sau đó phía bạn sẽ hỗ trợ tối đa. Đó đương nhiên là lựa chọn tốt cho bóng bàn Việt Nam khi Hàn Quốc cũng là một trong những trung tâm bóng bàn hàng đầu châu lục. Ngay từ bây giờ, Ban huấn luyện đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia cũng đang lên kế hoạch cho việc tập huấn tại Hàn Quốc.
Không chỉ có địa điểm tập huấn ở Hàn Quốc, Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam cũng mới thông báo về việc có thể đội tuyển bóng bàn quốc gia sẽ đi tập huấn tại Mỹ trong 1 tháng, vào sau SEA Games 32 thông qua cầu nối từ một thành viên của Liên đoàn. Tất nhiên, nguồn kinh phí sẽ được cân đối dù dự kiến, đội tuyển sẽ được hỗ trợ tối đa từ nguồn xã hội hóa. Tổng thư ký Liên đoàn Bóng bàn Việt Nam Phan Anh Tuấn nhìn nhận, đến lúc này, càng cho thấy sự cần thiết trong đa dạng hóa các phương án về địa điểm tập huấn cho các đội tuyển bóng bàn quốc gia, để bảo đảm cho việc thực hiện các mục tiêu chuyên môn.
Thực tế, câu chuyện về tập huấn nước ngoài của bóng bàn cũng là câu chuyện với nhiều bộ môn, đội tuyển khác. Ở đó, luôn cần đến việc duy trì, mở rộng các mối quan hệ quốc tế, trong đó có vai trò Ủy ban Olympic quốc gia, của ngành Thể thao, Liên đoàn thể thao quốc gia.
Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-thao/tim-them-loi-di-cho-cac-doi-tuyen-bong-ban-i684395/