Tìm về bến sông quê
Đất Cửu Long chín nhánh phù sa, khắp miền Tây Nam bộ đâu đâu cũng có dòng sông, con rạch, dân miệt này phải biết bơi từ thuở lên ba, lên năm. Đám con nít vẫn thường hay truyền nhau bí kíp, để con chuồn chuồn cắn rốn là biết bơi liền.
Câu chuyện 3 phần thiệt, tới 7 phần giỡn chơi, vậy mà đứa nào mới lớn nghe chuyện học bơi cũng tin sái cổ. Chuồn chuồn cắn đỏ cả rốn, đau mấy ngày liền rồi cũng phải ôm bập dừa theo tía hay mấy anh trai trong nhà mà tập lội, tập bơi… Chuyện chuồn chuồn cắn rốn cứ vậy mà rỉ tai nhau như một bí kíp để đời, mà ai biết bơi hay không cũng từng nghe qua.
Sông rạch chằng chịt khắp đất Cửu Long, tuổi thơ nào lớn lên nơi miệt vườn sông nước cũng có riêng cho mình một nhánh bần, nhánh đước, một khúc sông quê, để leo trèo rồi tắm mình mỗi buổi trưa hè. Hay chiều chiều, đám con nít trong xóm lại tụm ba tụm bảy rủ nhau tắm sông, hái bần, những giấc mơ trong đời cũng có khi bắt nguồn từ khúc sông quê.
Lội sông, hái bần đã thèm, đám nhỏ đứa trên bờ, đứa ngồi vắt vẻo trên mấy nhánh cây cười khúc khích, đứa này lại hỏi đứa kia chuyện tương lai. Có đứa mơ thành kỹ sư đóng tàu, để tha hồ ra sông Cái, ra biển rộng; cũng có đứa mơ một cuộc sống nơi phố thị rực rỡ, rồi có người cứ thế lớn lên, biền biệt phương xa… mang trong mình hoài niệm con sông quê nhà.
Rạch thì nhỏ hơn sông, nhưng dòng nước nào thì cũng hòa mình ra biển. Nhà sát rạch, kế bờ sông kể ra thì cũng đỡ lắm. Con nước ra vô mỗi ngày, trở thành chỗ sinh hoạt cho gia đình, rửa tay rửa chân hay giặt quần áo đi ruộng cho bớt lấm lem rồi đem vô nhà giặt lại. Mỗi buổi chiều về, hôm nào trời có ráng chiều, nắng vàng trôi theo con nước. Rồi anh Hai, chị Ba thầm mến nhau cũng mấy bận chiều chiều, có người lại trông người ra giặt áo ở bờ sông.
Có những con rạch nhỏ, len lỏi từ đầu thôn tới cuối xóm, muốn sang nhà cô Năm, chú Bảy là nhảy xuống xuồng bơi tới ngay trước cửa nhà. Mấy chiếc ghe nhỏ mua bán, cũng chở đầy hàng hóa tới trước cửa nhà, í ới vài tiếng là người mua chạy ra. Phần nhiều trên ghe là đồ tạp hóa có thể để lâu như gia vị mắm muối, xà bông, thau rổ bằng nhôm, bằng nhựa…
Chiếc ghe tạp hóa dừng lại thì cũng phải neo cả tiếng, để mấy dì trong xóm lựa đồ, rồi sẵn dịp vài ba câu hỏi thăm chuyện nhà chuyện cửa. Hễ bữa nào ghe tạp hóa ghé trễ là mấy dì lại trông, nhiều khi không mua gì, chỉ trông đi qua để hỏi thăm coi lóng rày buôn bán được không.
Ghe tạp hóa cũng có thịt cá, bánh trái, nhưng nó như hàng giới hạn, chỉ lấy vừa đủ bán, nhà nào cuối xóm thì kể như cầm chắc là mất phần mua. Dân mua bán thương hồ đi chợ mỗi ngày, nhà nào không tiện đường đi chợ nhưng muốn mua đồ ngon thì gửi chủ ghe, dặn mua món nào là hôm sau có đủ món tới ngay trước cửa. Tất nhiên, cũng có chênh lệch so với giá ngoài chợ, mua bán không lời thì đâu ai dãi nắng dầm mưa cho nhọc công, nhưng giá nhỉnh hơn cũng chỉ vài ngàn, chủ yếu lấy công làm lời. Mần ăn buôn bán lâu dài mà lấy giá trên trời, thì ghe ra vô không còn ai ngó ngàng nữa.
Con nước cứ lên xuống theo dòng thủy triều, rồi bồi đắp lớp phù sa đọng lại thành đất quê. Nước lớn năm nay, mùa nước nổi năm sau, cũng là con nước về đầy ắp sông, rạch… nhưng đã là những con nước khác nhau, ráng chiều cũng rụng vàng trên sông nhưng cũng là ráng chiều của một ngày khác.
Và người xa xứ, ít nhiều cũng xem đất khách như quê hương thứ hai, nhưng trong lòng vẫn mãi đong đầy con nước cũ, bến sông quê… Để nước lớn hay ròng, người ta vẫn có một chỗ neo đậu lòng mình.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/tim-ve-ben-song-que-post769753.html