Tìm về nơi 'một con gà gáy, cả ba nước đều nghe'

Với các phượt thủ Việt Nam, cột mốc Đông Dương, nơi một con gà cất lên tiếng gáy, cả ba nước đều nghe chính là điểm đến hấp dẫn mà ai cũng hằng mong ước được một lần đặt chân đến.

Cột mốc Đông Dương là cột mốc ngã ba biên giới ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia (còn gọi là ngã ba Đông Dương) thuộc huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum. Cột mốc được xây dựng trên một ngọn đồi cao 1.086m tại xã Bờ Y, cách ngã ba Đông Dương khoảng 3km, cách thị xã Plei Kần (huyện Ngọc Hồi) khoảng 14km, và cách thành phố Kon Tum 74km.

Trên đỉnh đồi, một cột mốc chung của ba nước đã được dựng nên ở điểm tiếp giáp thuộc ba tỉnh: Kon Tum (Việt Nam), Ratanakiri (Campuchia) và Attapeu (Lào). Đường đi bộ lên cột mốc là các bậc thang, và mỗi quốc gia đều có một con đường bậc thang riêng dẫn lên cột mốc.

Nhiều bạn trẻ khao khát được đến đây để bồi hồi nhìn ngắm mảnh đất biên giới thiêng liêng của nước ta, để dòng máu nóng trong người thêm một lần sục sôi dâng trào tình yêu quê hương xứ sở.

Cột mốc ngã ba biên giới thiêng liêng là biểu tượng của tinh thần hợp tác hữu nghị giữa ba nước Việt Nam - Campuchia - Lào. Đồng thời, cũng là biểu trưng thể hiện quyết tâm và mong muốn của quân và dân ba nước trong thiện chí hợp tác giải quyết các vấn đề biên giới lãnh thổ, vì nền hòa bình chung.

Quốc lộ 14E từ thành phố Kon Tum đi đến ngã ba Đông Dương.

Quốc lộ 14E từ thành phố Kon Tum đi đến ngã ba Đông Dương.

Ngay tại ngã ba Đông Dương có bảng chỉ hướng cụ thể. Nếu rẽ phải thì sẽ đi cửa khẩu Bờ Y sang Lào. Còn nếu lên cột mốc thì rẽ trái.

Từ ngã ba Đông Dương rẽ trái, con đường đưa "phượt thủ" dẫn thẳng lên những ngọn đồi.

Trong những ngày này, khí hậu Tây Nguyên hanh khô, đất bazan chỉ toàn sắc nâu đỏ, cây cối héo rũ, chỉ có đám cỏ lau vẫn cứ tốt bời lời, nở bông trắng lao xao trong gió.

Rẽ phải theo bảng chỉ dẫn, tiếp tục di chuyển đến một chốt biên phòng. Lúc này, bạn cần xuống xe và xuất trình căn cước công dân để đăng ký thì mới được đi tiếp.

Theo lời anh bộ đội biên phòng trực ban, tôi tiếp tục chạy lên con đường ngoằn ngoèo dẫn lên đồi. Để xe dưới chân đồi và đi lên 125 bậc thang thì sẽ đến được cột mốc biên giới ba nước Đông Dương.

Bảng thông tin về cột mốc được dựng trong một không gian khang trang, yên tĩnh.

Cột mốc biên giới ba nước Đông Dương đã hiện ra trong ánh mắt. Cột mốc có ba mặt, mỗi mặt thể hiện tên và quốc huy của ba quốc gia Việt Nam, Campuchia, Lào. Trong ảnh là mặt phía Việt Nam thuộc địa phận tỉnh Kon Tum.

Cột mốc do chính quyền tỉnh Kon Tum thi công xây dựng vào tháng 12/2007 và hoàn thành vào đầu năm 2008, dưới sự giám sát của chuyên gia ba nước có chung đường biên giới. Cột mốc nặng 900 kg, làm bằng đá hoa cương hình trụ tam giác, cao 2 mét. Trong ảnh là mặt phía Campuchia thuộc địa phận tỉnh Ratanakiri.

Còn đây là mặt phía Lào thuộc địa phận tỉnh Attapư.

Cây Hữu Nghị thể hiện tinh thần giao hảo đoàn kết của ba nước Đông Dương.

Đứng trước cảnh núi non nơi vùng biên ải, cảm giác bồi hồi xúc động xen lẫn niềm vui sướng, niềm tự hào Tổ quốc thiêng liêng cứ mãi trào dâng. Tại nơi đây, mỗi cành cây, ngọn cỏ đều nhắc nhở chúng ta về tầm quan trọng của nền hòa bình, về tình yêu quê hương đất nước, về niềm tự hào dân tộc và tinh thần hy sinh, bất khuất, không ngại gian khó vì Tổ quốc.

Gìn giữ bờ cõi biên cương đi đôi với gìn giữ môi trường sống, bao gồm bảo vệ những cánh rừng.

Từ thành phố Kon Tum, các "phượt thủ" phải trải qua chặng đường tương đối xa xôi mới đến được cột mốc biên giới ba nước Đông Dương. Nếu dư dả thời gian, các bạn có thể ghé những điểm đến lịch sử và địa danh du lịch tâm linh dọc đường, cũng là những trải nghiệm mới mẻ và lý thú.

Một vài điểm đến mà các bạn có thể cân nhắc ghé thăm gồm Di tích lịch sử cách mạng Điểm Cao 601, Chùa Tháp Kỳ Quang, Cầu treo Đắk Ri Pen bắc qua sông Đắk Rô...

Nguyễn Thị Bình An

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/du-khao/tim-ve-noi-mot-con-ga-gay-ca-ba-nuoc-deu-nghe-c14a96422.html