Tin 20/9: TPHCM tuyển cán bộ với mức lương 120 triệu đồng/tháng; bắt giam phụ nữ hành hạ bé gái 16 tuổi bằng nhiều cách độc ác
TPHCM muốn trả mức lương 120 triệu đồng/tháng với chức danh lãnh đạo trung tâm nghiên cứu khoa học công lập để thu hút nhân tài về làm việc; đánh đập, hành hạ bé gái bằng nhiều cách độc ác, bà Lê Thị Kiểu ở Cà Mau vừa bị khởi tố bắt giam.
TPHCM tuyển cán bộ với mức lương 120 triệu đồng/tháng
Mới đây, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi đã ký tờ trình gửi HĐND TPHCM về dự thảo các chế độ thu nhập cho lãnh đạo, người nghiên cứu khoa học trên địa bàn.
Các chính sách mới hướng đến mục tiêu đưa TPHCM trở thành địa phương đi đầu trong phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, quy tụ nhân tài trong và ngoài nước.
Theo dự thảo đề án, người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập do UBND TPHCM thành lập hưởng lương từ 60 -120 triệu đồng/người/tháng. Cấp phó của người đứng đầu tổ chức khoa học và công nghệ công lập từ 50 - 100 triệu đồng/người/tháng.
Trưởng các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập từ 40 - 80 triệu đồng/người/tháng. Phó các phòng, ban và các tổ chức cấu thành khác trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập từ 30 - 60 triệu đồng/người/tháng.
Sở Khoa học – Công nghệ cũng đề xuất định mức chi thù lao đối với chức danh chủ nhiệm nhiệm vụ khoa học và công nghệ là 60 triệu đồng/người/tháng.
Để hưởng các mức lương trên, các chức danh lãnh đạo trong tổ chức khoa học và công nghệ công lập phải có trình độ và chuyên ngành đào tạo phù hợp với hoạt động khoa học và công nghệ theo quy định pháp luật Việt Nam. Đồng thời, phải có đủ tiêu chuẩn chung và tiêu chuẩn cụ thể về trình độ chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn và thành tích nghiên cứu khoa học.
Để được hưởng mức lương cao nhất 120 triệu đồng, người hưởng ưu đãi này cần phải có từ 10 năm kinh nghiệm trở lên trong lĩnh vực ưu tiên và đáp ứng một trong số các điều kiện:
-Từng chủ trì ít nhất 4 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia hoặc 8 nhiệm vụ cấp Bộ, cấp tỉnh đã được nghiệm thu "đạt" trở lên.
- Là tác giả chính của 8 công trình công bố trên các tạp chí khoa học trong cơ sở dữ liệu WoS (viết tắt của Web of Science, tức dữ liệu trích dẫn các tạp chí khoa học thế giới được tuyển chọn và quản lý bởi Clarivate Analytics, Mỹ).
- Là tác giả của ít nhất 2 sáng chế hoặc 4 giải pháp hữu ích.
- Từng triển khai 4 nghiên cứu phát triển, sản xuất thử nghiệm, chuyển giao công nghệ và thương mại hóa sản phẩm.
UBND TPHCM xác định các chế độ ưu đãi mới được áp dụng đối với các lĩnh vực ưu tiên của TPHCM. Cụ thể, các lĩnh vực này là lĩnh vực nghiên cứu xây dựng cơ chế, chính sách phục vụ phát triển cùng danh mục các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ gồm: Điện tử và Công nghệ thông tin, Công nghệ sinh học, Công nghệ chế tạo vật liệu tiên tiến.
Trường Đại học Luật TPHCM có hiệu trưởng sau 5 năm trống ghế
Mới đây Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn đã ký quyết định công nhận TS Lê Trường Sơn - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM, giữ chức vụ Hiệu trưởng nhà trường nhiệm kỳ 2020-2025 kể từ ngày 14/9/2023.
Trước đó, TS Lê Trường Sơn đã được Hội đồng trường Trường ĐH Luật TP.HCM giao phụ trách trường này từ tháng 5/2023 sau khi PGS.TS Trần Hoàng Hải - Quyền Hiệu trưởng nhà trường nghỉ hưu theo chế độ.
Như vậy, kể từ năm 2018 đến nay, sau khi GS. Mai Hồng Quỳ thôi làm hiệu trưởng, Trường ĐH Luật TPHCM mới chính thức có hiệu trưởng. Ở giai đoạn này, việc điều hành trường do PGS.TS Trần Hoàng Hải đảm nhiệm với vai trò Phó hiệu trưởng phụ trách rồi Quyền hiệu trưởng.
Ngoài công tác giảng dạy và quản lý, ông Sơn còn là Luật sư, Đoàn luật sư TPHCM và là Trọng tài viên, Trung tâm trọng tài Quốc tế Việt Nam.
Từ ngày 1/1/2024, TPHCM chính thức thu phí sử dụng tạm lòng đường, vỉa hè
Chiều 19/9, tại kỳ họp thứ 11 (kỳ họp chuyên đề), HĐND TP Hồ Chí Minh khóa X đã thông qua Nghị quyết về mức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn TP.
Theo đó, TP Hồ Chí Minh chính thức thu phí sử dụng lòng đường, vỉa hè từ ngày 1/1/2024.
Cụ thể, mức phí sẽ thu như sau:
Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong một tháng thì tính nửa tháng. Nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố từ 15 ngày trở lên trong một tháng thì tính một tháng.
Khu vực 1, gồm: Quận 1, Quận 3, Quận 4, Quận 5, Quận 10, Quận Phú Nhuận, khu A khu đô thị mới Nam thành phố, khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Khu vực 2, gồm: Quận 2 (nay thuộc TP Thủ Đức, trừ khu đô thị mới Thủ Thiêm), Quận 6, Quận 7 (trừ khu A khu đô thị mới Nam thành phố), Quận 11, Quận Bình Thạnh, Quận Tân Bình, Quận Bình Tân.
Khu vực 3, gồm: Quận 8, Quận 9 (nay thuộc TP Thủ Đức), Quận 12, Quận Thủ Đức (nay thuộc TP Thủ Đức), Quận Tân Phú, Quận Gò Vấp.
Khu vực 4, gồm: Huyện Bình Chánh, Huyện Hóc Môn, Huyện Nhà Bè, Huyện Củ Chi.
Khu vực 5, gồm: Huyện Cần Giờ.
Các tuyến đường trung tâm là các tuyến đường có giá đất bằng hoặc cao hơn giá đất bình quân khu vực. Các tuyến đường còn lại là các tuyến đường có giá đất thấp hơn giá đất bình quân khu vực.
Sở GTVT tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đối với các tuyến đường do Sở GTVT quản lý; UBND cấp huyện tổ chức thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố đối với các tuyến đường do UBND cấp huyện quản lý.
Toàn bộ số tiền phí thu được nộp vào ngân sách và được sử dụng có mục tiêu phục vụ hoạt động thu phí và công tác quản lý, bảo trì, khai thác lòng đường, hè phố.
Đầu tư tuyến đường sắt đô thị số 5, Văn Cao - Hòa Lạc hơn 65 nghìn tỷ đồng
Hội đồng thẩm định Nhà nước vừa ban hành Quyết định số 1514/QĐ-HĐTĐNN phê duyệt Kế hoạch thẩm định Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, Tuyến số 5, Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc.
Quyết định chủ trương đầu tư dự án bao gồm 14 phần nội dung thẩm định. Đây là Dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư dự án, Thủ tướng Chính phủ quyết định đầu tư dự án.
Sơ bộ tổng mức đầu tư dự án là 65.404 tỷ đồng, sử dụng vốn ngân sách thành phố Hà Nội, được đầu tư một lần, không thực hiện phân kỳ đầu tư.
Dự án được dự nguồn vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, có thể cân đối bố trí bổ sung giai đoạn 2026-2030.
Tuyến số 5, Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đôi khổ 1.435mm, dài 38,43 km (trong đó 6,5 km đi ngầm; 2,0 km đi cao và 29,93 km đi trên mặt đất) với 21 nhà ga.
Trong đó có 6 ga ngầm gồm: ga Quần Ngựa, ga Kim Mã, ga Vành đai 1, ga Vành đai 2, ga Hoàng Đạo Thúy, ga Vành đai 3.
1 ga trên cao: ga Tây Mỗ và 14 ga trên mặt đất: ga Lê Đức Thọ, ga Mễ Trì, ga An Khánh 1, ga An Khánh 2, ga Song Phương, ga Sài Sơn, ga Quốc Oai, ga Ngọc Mỹ, ga Đồng Bụt, ga Đồng Trúc, ga Đồng Bãi, ga Tiến Xuân, ga Trại Mới, ga Thạch Bình.
Dự án bố trí 2 đề pô. Trong đó, đề pô số 1 bố trí tại xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức với diện tích khoảng 18 ha. Đề pô số 2 bố trí tại xã Yên Bình, huyện Thạch Thất với diện tích khoảng 6,9 ha.
Dự kiến số lượng phương tiện cần thiết cho từng thời kỳ: 26 đoàn tàu (4 toa) năm 2025; 37 đoàn tàu (4 toa) năm 2035; và 38 đoàn tàu (6 toa) năm 2050.
Trong các bước nghiên cứu tiếp theo sẽ tiếp tục làm rõ phương án tổ chức chạy tàu phù hợp với nhu cầu vận tải, phát huy hiệu quả nguồn vốn đầu tư.
Việc đầu tư tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội, Tuyến số 5, Văn Cao-Ngọc Khánh-Láng-Hòa Lạc hình thành nên tuyến đường sắt đô thị hướng tâm trong tổng thể quy hoạch theo Quyết định 519/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Dự án đi qua các quận: Ba Đình, Đống Đa, Cầu Giấy, Nam Từ Liêm; các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất của thành phố Hà Nội.
Một phần tuyến đường sắt này chạy dọc theo khu vực trung tâm thành phố, đoạn tuyến còn lại đi qua các khu đô thị đang phát triển, trong đó có đô thị vệ tinh Hòa Lạc.
Khởi tố, bắt tạm giam người phụ nữ hành hạ thiếu nữ bằng nhiều cách độc ác
Ngày 19/9/2023, Công an huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) vừa khởi tố và ra lệnh bắt tạm giam đối với bà Lê Thị Kiểu (43 tuổi, ngụ thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau) vì đã có hành vi hành hạ bé gái 16 tuổi bằng nhiều cách độc ác.
Nạn nhân của Kiểu là em N.T.B.V (16 tuổi, ngụ khóm 4, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).
Qua làm việc với công an, bước đầu Kiểu thừa nhận đã hành hạ nạn nhân nhiều lần, cũng như việc bắt em V ăn ớt, ăn cá sống, ăn thằn lằn sống...
Hiện tại, Cơ quan CSĐT Công an huyện Trần Văn Thời đang chờ kết quả giám định thương tật của nạn nhân sẽ có hướng xử lý tiếp theo.
Trước đó, vào đầu tháng 9/2023, nhiều trang cá nhân trên các nền tảng mạng xã hội đăng tải nhiều đoạn clip quay cảnh bé gái 16 tuổi tên V khóc kể về những năm tháng bị bà Kiểu hành hạ, đánh đập nhiều lần, còn buộc ăn cá sống, ăn thằn lằn sống...
Bối cảnh kể chuyện là bé vừa trốn thoát khỏi thị trấn Sông Đốc, về nhà mẹ ruột ở tỉnh Hậu Giang. Cơ quan Công an đã vào cuộc và tạm giữ hình sự bà Lê Thị Kiểu từ 10/9/2023 để làm rõ sự vụ.
Trước đó, bà N.T.T (bà ngoại em V) có thiếu nợ người khác 40 triệu đồng. Sau đó, bà Lê Thị Kiểu (43 tuổi, ngụ cùng địa phương) đứng ra nhận nợ thay cho bà T.
Theo điều tra bước đầu, bà N.T.T (bà ngoại cháu V) có thiếu nợ người khác 40 triệu đồng. Sau đó, bà Kiểu đứng ra nhận nợ thay cho bà T.
Sau đó bà Kiểu yêu cầu V (đang sống với bà T) phải đi làm thuê cho bà để trừ nợ. Quá trình làm công trừ nợ cho bà ngoại, bé V bị đánh đập, hành hạ rất nhiều lần, do làm không như mong muốn của bà Kiểu.
Đến đầu tháng 9/2023, khi không còn chịu đựng nỗi đòn roi và sự hành hạ của bà Kiểu, V đã nhờ người dân ở địa phương đưa đi trốn về nhà mẹ ruột ở Hậu Giang.