Tín dụng chính sách góp phần xây dựng nông thôn mới Yên Bình

Trong 6 tháng đầu năm, huyện Yên Bình đã giải ngân vốn vay với số tiền gần 112 tỷ đồng cho 2.310 hộ nghèo và các đối tượng chính sách.

Mô hình trồng rừng sản xuất từ vốn vay của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Bình.

Mô hình trồng rừng sản xuất từ vốn vay của Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Bình.

Huyện nông thôn mới Yên Bình có 22 xã, 2 thị trấn với 177 thôn, tổ dân phố; trong đó, có 23 thôn đặc biệt khó khăn. Toàn huyện có 30.893 hộ dân, tỷ lệ hộ nghèo cận nghèo còn chiếm tỷ lệ 7,5% (năm 2023). Chính vì lẽ đó, Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tạo cho huyện Yên Bình có nguồn lực hợp lý để hỗ trợ hộ nghèo, hộ đối tượng chính sách có vốn sản xuất.

Bám sát Chỉ thị số 40 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, huyện Yên Bình đã thường xuyên quan tâm tập trung nguồn lực, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách xã hội để cho người nghèo và các đối tượng chính sách được tiếp cận vốn vay.

Hàng năm, Huyện ủy, UBND huyện trích ngân sách chuyển sang Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) để bổ sung nguồn vốn cho vay; hỗ trợ và tạo mọi điều kiện về cơ sở vật chất tạo thuận lợi cho NHCSXH thực hiện nhiệm vụ; chỉ đạo UBND cấp xã kịp thời xác nhận hộ nghèo và các đối tượng chính sách để NHCSXH cho vay đúng đối tượng, tạo điều kiện bố trí cơ sở vật chất và phối hợp với NHCSXH thực hiện tốt phiên giao dịch xã, cho vay đúng đối tượng, thu hồi nợ đúng hạn, đạt hiệu quả kinh tế cao.

Bà Nguyễn Thị Quỳnh - Phó Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Yên Bình cho biết: Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, thị trấn, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với đồng vốn một cách thuận lợi.

"Trong 6 tháng đầu năm 2024, huyện Yên Bình đã giải ngân vốn vay với số tiền gần 112 tỷ đồng cho 2.310 hộ nghèo và các đối tượng chính sách. Đến 30/6/2024, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng chính sách đạt 741,105 tỷ đồng, tăng 468,872 tỷ đồng so với thời điểm trước khi có Chỉ thị số 40 với 12.880 khách hàng vay vốn” - bà Quỳnh cho biết.

Bên cạnh đáp ứng kịp thời nguồn vốn, hàng năm, huyện Yên Bình đã chỉ đạo các xã, thị trấn làm tốt công tác quy hoạch sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện phát triển của địa phương phát huy tối đa lợi thế về điều kiện tự nhiên của vùng; xây dựng các mô hình kinh tế thu hút hộ nghèo và các đối tượng chính sách tham gia sản xuất, kinh doanh.

Đồng thời, thường xuyên phối hợp với các tổ chức chính trị, xã hội tuyên truyền, tổ chức các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về khuyến công, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, tập huấn về cách phòng trừ dịch bệnh cho cây trồng, vật nuôi.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả nhờ vay vốn tín dụng chính sách. Điển hình như: các mô hình trồng rừng, mô hình nuôi trâu, bò vỗ béo tại xã Xuân Lai; nuôi cá lồng ở xã Thịnh Hưng, bưởi Đại Minh, gạo Bạch Hà... mang lại hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, huyện xây dựng được thương hiệu bưởi Đại Minh, Làng nghề đan rọ tôm Phúc An, gạo Bạch Hà và một số sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40, hoạt động tín dụng chính sách góp phần quan trọng thực hiện hiệu quả các chủ trương chính sách, mục tiêu nhiệm vụ mà Nghị quyết Đảng bộ huyện đã đề ra. Vốn tín dụng chính sách xã hội đã góp phần quan trọng giúp tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 14,1 xuống còn 4,52%, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Để Chỉ thị số 40 tiếp tục phát huy hiệu quả, thời gian tới, huyện Yên Bình sẽ chỉ đạo các cấp, các ngành trên địa bàn tăng cường hơn nữa sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, Ban đại diện Hội đồng Quản trị NHCSXH huyện nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị xã hội đối với tín dụng chính sách.

Huy động tối đa nguồn lực cho tín dụng chính sách xã hội, quan tâm bố trí nguồn vốn từ ngân sách địa phương để ủy thác cho vay; tiếp tục rà soát các hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách khác có nhu cầu và đủ điều kiện vay vốn làm cơ sở để NHCSXH huyện cho vay vốn phát triển sản xuất, đầu tư nhà ở và các nhu cầu cần thiết cho cuộc sống.

Văn Thông

Nguồn Yên Bái: https://baoyenbai.com.vn/12/326357/tin-dung-chinh-sach-gop-phan-xay-dung-nong-thon-moi-yen-binh.aspx