Tín dụng cho dự án BOT và BT: Ngân hàng gặp áp lực về vốn

Đa số các dự án BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao), BT giao thông thường tồn tại từ 10 - 20 năm, thời gian hoàn vốn kéo dài, cho đến khi số phí thu qua các năm đã đủ bù đắp chi phí đầu tư, trả hết nợ ngân hàng. Điều này đặt áp lực quá lớn cho ngành ngân hàng vì đầu tư dài hạn.

Các dự án BOT, BT giao thông đã trở thành “vùng trũng” hút mạnh nguồn tín dụng. (Ảnh minh họa: Int)

Các dự án BOT, BT giao thông đã trở thành “vùng trũng” hút mạnh nguồn tín dụng. (Ảnh minh họa: Int)

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, bình quân giai đoạn 2016-2019, dư nợ lĩnh vực BOT, BT giao thông tăng 10,82%, chiếm 1,51%, tốc độ tăng giảm mạnh qua các năm và tỷ trọng cũng có xu hướng giảm. Đến cuối tháng 6/2020, dư nợ lĩnh vực này tăng 0,49%, chiếm 1,31%.

50% dự thu không đạt dự kiến

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, NHNN, cho biết, khoảng 80% vốn đầu tư cho các dự án giao thông theo hình thức BT, BOT là do ngành ngân hàng tài trợ. Thời gian qua, các tổ chức tín dụng cam kết cấp vốn cho chủ đầu tư để thực hiện 120 dự án giao thông trên cả nước. Trong đó, vùng Đông Nam Bộ có khoảng 20 dự án đang được đầu tư về kết cấu hạ tầng giao thông.

Thực tế, trong năm nay do ảnh hưởng dịch Covid-19, để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, ngành ngân hàng xác định bên cạnh các chính sách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, NHNN sẽ có giải pháp mạnh hơn về chính sách tiền tệ như tái cấp vốn cho những dự án, công trình có tác động lan tỏa để hỗ trợ phát triển các khu vực kinh tế trọng điểm, cũng như hỗ trợ tăng trưởng từ nay đến cuối năm, trong đó có các dự án BOT, BT kết nối giao thương giữa các tỉnh.

Tuy vậy, bà Tùng thừa nhận ngành ngân hàng gặp áp lực về vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn và các dự án giao thông có nguồn thu không ổn định, ảnh hưởng chất lượng tín dụng.

Số liệu tổng hợp từ các tổ chức tín dụng cho thấy khoảng 50 trên tổng số 120 dự án có doanh thu thực tế không đạt như dự kiến, ảnh hưởng đến việc trả nợ và chất lượng tín dụng.

Theo đó, dư nợ khoảng 65.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, chuyển nhóm nợ, tăng trích lập dự phòng. Điều này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh và việc thực hiện Đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Chẳng hạn như dự án xây dựng cầu Thái Hà trên Quốc lộ 39 nối 2 tỉnh Hà Nam - Thái Bình và dự án Quốc lộ 3 đoạn Thái Nguyên - Bắc Kạn doanh thu chỉ đạt 13-15%; Có 4 dự án chưa được thu phí hoặc đang tạm dừng thu phí một trạm: Quốc lộ 10 đoạn tránh thị trấn Đông Hưng (tỉnh Thái Bình); dự án Quốc lộ 1 đoạn tránh TP Thanh Hóa; dự án Quốc lộ 1 đoạn qua thị xã Cai Lậy (tỉnh Tiền Giang); dự án Quốc lộ 91 và 91B (TP Cần Thơ)...

Báo cáo của Bộ GTVT cũng cho biết, tính đến ngày 22/4/2020, có 58/60 dự án thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT có doanh thu thực tế thấp hơn so với mức đưa ra trong phương án tài chính của hợp đồng BOT, trong đó 17 dự án chưa đạt 50% so với doanh thu đề ra. Hiện các doanh nghiệp đang thiếu nguồn trả nợ, tiềm ẩn nguy cơ cao phát sinh nợ xấu, ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, an toàn hệ thống ngân hàng...

Phải để ngân hàng yên tâm cho vay vốn

Chính vì vậy, để tạo điều kiện triển khai có hiệu quả hoạt động cho vay đối với các dự án giao thông theo hình thức BOT, phục vụ phát triển kinh tế, NHNN đề xuất cần đa đạng hóa các nguồn lực đầu tư, Nhà nước phải tăng tỷ lệ đầu tư và các chủ đầu tư phải tăng nguồn vốn tự có. Ngoài ra, các dự án cần tăng cường nguồn huy động từ trong và ngoài nước như vốn FDI, ODA.

Đặc biệt, tháng 6 vừa qua, Quốc hội vừa thông qua Luật Đầu tư công tư PPP và cho phép cơ chế chia sẻ rủi ro, phương án tài chính của dự án và cho phép doanh nghiệp dự án có thể phát hành trái phiếu để đầu tư cho công trình kết nối giao thông.

Riêng đối với ngành ngân hàng, đại diện NHNN cho rằng cần có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức tín dụng cho vay, tức là Nhà nước phải đảm bảo cơ chế thu phí ổn định, bảo đảm doanh thu cho dự án như ban đầu thì các tổ chức tín dụng mới đủ cơ sở để cho vay.

Ngoài ra, cơ chế huy động vốn phù hợp cũng giúp cho các tổ chức tín dụng giảm áp lực cho vay và chia sẻ được rủi ro đối với các dự án giao thông. Trên cơ sở đó, các tổ chức tín dụng cũng tham gia được nhiều hơn vào nhiều dự án. Các tổ chức luôn xem xét đầu tư bảo đảm trên nguyên tắc cân đối nguồn lực của ngành ngân hàng, không có hạn chế nào đối với dự án giao thông, quan trọng là tính khả thi của các dự án đó.

Ông Nguyễn Danh Huy, Vụ trưởng Vụ kế hoạch đầu tư (Bộ Kế hoạch Đầu tư) thừa nhận, hầu hết các nhà đầu tư phụ thuộc vào nguồn vốn của ngân hàng, nhưng hiện nay thị trường tín dụng dài hạn tại Việt Nam chưa phát triển. Thêm nữa, việc nhà đầu tư đi vay đến 80% vốn không sai, bởi nhà đầu tư là những người nghiên cứu và tìm ra lợi thế dự án để thực hiện, họ không phải người có lợi thế đi huy động vốn, việc này phải do các tổ chức tín dụng, hoặc các quỹ đầu tư thực hiện.

Trước quan điểm của nhiều chuyên gia cho rằng cần có cơ chế kêu gọi vốn đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài để giảm bớt “gánh nặng” cho các tổ chức tín dụng, ông Huy cho rằng, Luật PPP được ban hành mới có cơ chế chia sẻ rủi ro duy nhất về mặt doanh thu. Còn nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam phải đổi ra tiền Việt Nam, thu phí bằng tiền Việt Nam rồi lại đổi về tiền của nước họ. Vậy tỷ giá hối đoái như thế nào? Chúng ta có đảm bảo cho họ về chuyển đổi ngoại tệ không?.

"Tôi đã làm việc với nhiều nhà đầu tư và họ có rất nhiều câu hỏi, nhiều vấn đề đặt ra. Nhưng đến nay tôi cho rằng Luật PPP được ban hành đã là thành công rồi, và chúng ta vẫn phải tiếp tục", ông Huy nhấn mạnh.

Thanh Hoa

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//ngan-hang/tin-dung-cho-du-an-bot-va-bt-ngan-hang-gap-ap-luc-ve-von-1074913.html