Tín dụng doanh nghiệp tăng tốc, nhiều ngân hàng tăng trưởng hai chữ số trong quý I

Trong quý I, tổng dư nợ cho vay tổ chức kinh tế tại 13 ngân hàng công bố chi tiết tăng 7% so với cuối năm 2024. Mức tăng này cho thấy tín dụng doanh nghiệp đang có dấu hiệu hồi phục tích cực hơn so với tín dụng cá nhân trong bối cảnh sức cầu tiêu dùng còn yếu.

Tín dụng doanh nghiệp tăng mạnh

Trong quý đầu năm 2025, tín dụng doanh nghiệp tiếp tục là động lực chính cho tăng trưởng của nhiều ngân hàng khi nền kinh tế có những khởi sắc tới từ đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), đầu tư tư nhân, là những lĩnh vực mà doanh nghiệp có thế mạnh.

Điều này khiến cho các ngân hàng có thể đẩy mạnh hơn tín dụng bán buôn, thậm chí nhiều ngân hàng thiên về bán lẻ cũng phải quay sang mở rộng cho vay doanh nghiệp để đạt được tăng trưởng tín dụng. Kết quả kinh doanh quý I của nhóm ngân hàng chuyên cho vay doanh nghiệp cũng có vẻ thuận lợi hơn.

Theo dữ liệu tổng hợp từ báo cáo tài chính quý I/2025, tổng dư nợ cho vay tổ chức kinh tế tại 13 ngân hàng niêm yết đạt hơn 2,73 triệu tỷ đồng, tăng 7% so với cuối năm 2024. Đây là mức tăng khá cao trong bối cảnh mặt bằng lãi suất vẫn ở mức thấp, môi trường kinh doanh cải thiện và nhu cầu vốn từ khối doanh nghiệp có tín hiệu hồi phục.

So với mức tăng trưởng tín dụng cá nhân cùng kỳ (1,5% theo thống kê từ 13 ngân hàng), có thể thấy tín dụng doanh nghiệp đang là động lực chính kéo tăng dư nợ quý đầu năm của ngành ngân hàng.

Một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng tín dụng doanh nghiệp hai chữ số, gồm PGBank (tăng 18,1%), Kienlongbank (14,4%), BVBank (11,9%), MSB (10,9%), VIB (10,9%) và SHB (10,7%).

Về quy mô tuyệt đối, SHB hiện là ngân hàng có dư nợ cho vay tổ chức kinh tế lớn nhất nhóm khảo sát, với 482.653 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cuối năm 2024. SHB cũng là một trong những ngân hàng có tỷ trọng tín dụng doanh nghiệp cao nhất, chiếm 85% tổng dư nợ.

Tương tự, nếu nhìn vào danh mục cho vay theo ngành, SHB đã tăng dư nợ của mảng bán buôn bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy và công nghiệp chế biến, chế tạo; hoạt động kinh doanh bất động sản,...

MB đứng thứ hai với 456.118 tỷ đồng cho vay doanh nghiệp, tăng nhẹ 2,4%. Theo sau là VPBank với 415.533 tỷ đồng, tăng 8,7%. Nhóm ngân hàng lớn khác như Techcombank, HDBank, SeABank cũng duy trì quy mô cho vay doanh nghiệp trên 150.000 tỷ đồng, đồng thời có mức tăng trưởng dao động từ 3,4% đến 6% trong quý I.

Trong khi đó, các ngân hàng quy mô nhỏ như VietABank, VIB, Kienlongbank, PGBank và BVBank có mức dư nợ tuyệt đối thấp hơn (dưới 100.000 tỷ đồng), nhưng lại đang tăng tốc nhanh nhằm mở rộng dư địa tăng trưởng tín dụng.

Đáng chú ý trong nhóm 16 ngân hàng công bố cơ cấu kể trên, VietABank là ngân hàng dẫn đầu về tỷ trọng cho vay tổ chức với 98%, điều này hàm ý rằng phần lớn các khoản tín dụng mà Việt Á cấp đều dành cho đối tượng khách hàng là các doanh nghiệp. Tính đến cuối quý I, số dư cho vay khách hàng của ngân hàng là hơn 84.910 tỷ, tăng 6,3% so với đầu năm.

Một số cái tên khác như SHB (85%), SeABank (81%) và Kienlongbank (80%) là những cái tên tiếp theo trong nhóm có định hướng tín dụng mạnh mẽ vào khối doanh nghiệp.

Ở chiều ngược lại, các ngân hàng như VIB (23%), BVBank (32%) và TPBank (52%) có tỷ trọng cho vay tổ chức kinh tế thấp, cho thấy định hướng bán lẻ vẫn là trọng tâm tại các nhà băng này. Đặc biệt, VIB tiếp tục giữ vững chiến lược bán lẻ khi duy trì tỷ trọng cho vay cá nhân ở mức cao nhất hệ thống.

Dữ liệu cũng cho thấy, tỷ trọng cho vay tổ chức kinh tế tại toàn nhóm 13 ngân hàng khảo sát đạt 62% vào cuối quý I/2025, tăng nhẹ so với mức 60% cuối năm 2024. Diễn biến này phần nào phản ánh khẩu vị rủi ro của các ngân hàng đang nghiêng về phía doanh nghiệp trong bối cảnh thị trường tiêu dùng chưa thật sự phục hồi.

Nhiều dư địa tăng trưởng nhưng có sự phân hóa

Với kỳ vọng nền kinh tế sẽ tiếp tục hồi phục mạnh hơn trong các quý tiếp theo, giới phân tích nhận định tín dụng doanh nghiệp vẫn là động lực chính cho tăng trưởng tín dụng toàn ngành trong năm 2025.

Trong báo cáo vĩ mô công bố trước đó, các chuyên gia Chứng khoán Mirea Asset, cho rằng mảng khách hàng doanh nghiệp (KHDN) vẫn có thể tăng trưởng cao hơn trong 2025, tuy nhiên sẽ có sự phân hóa tương đối trong danh mục của các ngân hàng.

Theo nhóm phân tích Mirea Asset, nhu cầu tín dụng doanh nghiệp được dự báo sẽ duy trì ở mức cao, đặc biệt trong các lĩnh vực như đầu tư công và sản xuất – những động lực tăng trưởng chủ chốt của năm 2025. Đồng thời,việc gia tăng tín dụng ngắn hạn nhằm hoàn thành mục tiêu tăng trưởng được giao cũng phần nào giúp nhóm khách hàng doanh nghiệp hưởng lợi phần nào.

Ngoài ra, dù thị trường bất động sản (BĐS) được kỳ vọng sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm 2025 nhờ nguồn cung gia tăng, ngược lại tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân khó có thể bứt phá vượt trội trong ngắn hạn.

Ở góc độ phân tích của PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, đà tăng tín dụng doanh nghiệp trong quý I/2025 chủ yếu xuất phát từ yếu tố ngắn hạn. Cụ thể, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh ký kết và giải ngân hợp đồng để tận dụng chính sách gia hạn thuế quan 90 ngày, dẫn đến việc nhu cầu vay vốn tăng đột biến trong thời gian đầu năm.

Tuy nhiên, ông Huân cũng lưu ý rằng bức tranh tín dụng doanh nghiệp cần được đánh giá thận trọng trong trung và dài hạn. “Các chỉ số sản xuất như PMI đang có xu hướng sụt giảm, phản ánh những khó khăn hiện hữu trong lĩnh vực sản xuất. Vì vậy, mức tăng tín dụng doanh nghiệp trong quý I chưa đủ cơ sở để khẳng định xu hướng trong thời gian tới,” ông nhận định.

Bên cạnh đó, diễn biến căng thẳng thương mại toàn cầu cũng là yếu tố cần theo dõi sát sao, bởi nó có thể ảnh hưởng đến đơn hàng, hoạt động xuất nhập khẩu và nhu cầu vốn của khối doanh nghiệp trong các quý tiếp theo.

Theo Báo Chính phủ

Link bài gốc

https://vietnambiz.vn/tin-dung-doanh-nghiep-tang-toc-nhieu-ngan-hang-tang-truong-hai-chu-so-trong-quy-i-20255672916549.htm

Hoàng Hạnh

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/tin-dung-doanh-nghiep-tang-toc-nhieu-ngan-hang-tang-truong-hai-chu-so-trong-quy-i.html