Thị trường tài chính tiền tệ tháng 4/2025 ổn định
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, dù còn đối mặt với nhiều thách thức, khó khăn song nền kinh tế trong tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2025 tiếp tục ổn định, các hoạt động kinh tế, xã hội tiếp tục sôi động hơn; các tổ chức quốc tế vẫn dự báo Việt Nam thuộc nhóm nước tăng trưởng cao trên thế giới và khu vực.

Điều hành thị trường mở linh hoạt, hỗ trợ dòng vốn trung – dài hạn
Trên thị trường tiền tệ, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ theo hướng chủ động, linh hoạt và hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác góp phần hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối và hệ thống ngân hàng.
Theo đó, NHNN đã thực hiện chào mua có kỳ hạn giấy tờ có giá hàng ngày qua nghiệp vụ thị trường mở với khối lượng phù hợp, đáp ứng nhu cầu vốn của các tổ chức tín dụng (TCTD), đa dạng hóa và kéo dài kỳ hạn chào mua lên đến 91 ngày để hỗ trợ nguồn dài hạn hơn cho hệ thống. Bên cạnh đó, NHNN liên tục giảm dần lãi suất phát hành tín phiếu NHNN và dừng phát hành tín phiếu NHNN. Lãi suất liên ngân hàng có xu hướng giảm, đến ngày 16/4/2025 ở mức: 1 tuần 4,27%/năm, 2 tuần 4,37%/năm, 1 tháng 4,41%/năm.
Công cụ tái cấp vốn được điều hành phù hợp với chủ trương của Chính phủ, mục tiêu điều hành của NHNN và nhu cầu vốn của TCTD, trong đó tiếp tục thu nợ tái cấp vốn đối với Ngân hàng Chính sách xã hội để cho người sử dụng lao động vay trả lương theo Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ.
Tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô
Để đạt được các mục tiêu tăng trưởng tín dụng theo định hướng, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong năm 2025, NHNN đã xây dựng kế hoạch, tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp tại 15 Khu vực trong tháng 3 và tháng 4/2025 để nắm bắt, bám sát tình hình thực tế tại các địa phương, kịp thời có giải pháp tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh.
NHNN tiếp tục chỉ đạo các TCTD: (i) Tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên theo chủ trương của Chính phủ; kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; (ii) Tiếp tục triển khai các chương trình, chính sách tín dụng đối với một số ngành, lĩnh vực theo chỉ đạo của Chính phủ; (iii) Tăng hạn mức tín dụng, tạo điều kiện cho các ngành hàng trọng điểm, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia.
Đến ngày 18/4/2025, dư nợ tín dụng toàn hệ thống đạt 16,28 triệu tỷ đồng, tăng 4,27% so với cuối năm 2024, tăng 18,25% so với cùng kỳ năm 2024 (cùng kỳ năm 2024, dư nợ tín dụng tăng 1,48% so với tháng 12/2023).
NHNN đã chỉ đạo các NHTM tham gia Chương trình cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo, xây dựng lại chung cư theo Nghị quyết 33/NQ-CP. Lãi suất cho vay hỗ trợ hiện đang áp dụng là 6,6%/năm đối với chủ đầu tư và 6,1%/năm đối với người mua nhà (áp dụng cho giai đoạn từ 1/1/2025 đến 30/6/2025), giảm 0,4% so với kỳ công bố 06 tháng trước.
Đến cuối tháng 3/2025, các NHTM đã giải ngân 3.652 tỷ đồng bao gồm: 3.109,3 tỷ đồng cho chủ đầu tư tại 22 dự án; 542,7 tỷ đồng cho người mua nhà tại 21 dự án. Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 05/CT-TTg ngày 1/3/2025 về cho người trẻ dưới 35 tuổi được vay mua nhà ở xã hội, NHNN đã có văn bản số 1565/NHNN-TD ngày 5/3/2025 đề nghị các NHTM đăng ký tham gia chương trình cho vay đối với đối tượng này.
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện 21/CĐ-TTg ngày 4/3/2025, NHNN đã có công văn số 1595/NHNN-TD ngày 5/3/2025 chỉ đạo đẩy mạnh triển khai Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định 1490/QĐ-TTg.
Ngoài Agribank là ngân hàng chủ lực thực hiện Chương trình và luôn sẵn sàng cung cấp nguồn vốn không giới hạn quy mô, còn có 6 NHTM đăng ký tham gia Chương trình trong giai đoạn thí điểm (đến hết năm 2025) với quy mô vốn khoảng 16.300 tỷ đồng.
Về Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản, NHNN đã có văn bản số 2756/NHNN-TD ngày 15/4/2025 chỉ đạo các NHTM mở rộng phạm vi, đối tượng của Chương trình thành Chương trình tín dụng đối với lĩnh vực nông, lâm, thủy sản. Theo đó, đối tượng vay vốn là khách hàng có dự án/phương án phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh lĩnh vực nông, lâm, thủy sản; Chương trình được triển khai đến khi doanh số cho vay đạt 100.000 tỷ đồng.
Với Chương trình tín dụng đối với các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng và công nghệ số, bám sát chủ trương của Chính phủ về việc giao NHNN xây dựng gói tín dụng khoảng 500.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng và công nghệ số, NHNN đã tổ chức các cuộc họp với các NHTM để trao đổi, thống nhất hướng triển khai.
Cụ thể, ngày 15/4/2025, NHNN đã có văn bản số 2805/NHNN-TD gửi 21 NHTM đề nghị đăng ký số tiền cụ thể tham gia gói tín dụng. Đồng thời, có văn bản số 2839/NHNN-TD ngày 16/4/2025 gửi Bộ Xây dựng, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị đánh giá, tổng hợp, đề xuất nhu cầu vốn tín dụng đối với hạ tầng giao thông, hạ tầng điện, công nghệ số.
Tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành, điều hành tỷ giá linh hoạt
Trong tháng 4/2025, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Đồng thời, NHNN chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí hoạt động, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số và các giải pháp khác để phấn đấu hạ lãi suất cho vay; tổ chức làm việc trực tiếp và có công văn chỉ đạo toàn hệ thống TCTD ổn định lãi suất tiền gửi, giảm lãi suất cho vay để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế. Đến ngày 10/4/2025, lãi suất cho vay bình quân đối với các giao dịch phát sinh mới của các NHTM ở mức 6,34%/năm, giảm 0,6%/năm so với cuối năm 2024.
Tỷ giá và thị trường ngoại tệ tiếp tục chịu áp lực do diễn biến kinh tế - chính trị quốc tế khó lường, đặc biệt sau khi Tổng thống Mỹ Trump tuyên bố áp thuế đối ứng đối với một số đối tác thương mại trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh đó, NHNN điều hành tỷ giá linh hoạt, phối hợp các công cụ chính sách tiền tệ và can thiệp khi cần thiết để ổn định thị trường ngoại tệ.
Sau khi Tổng thống Trump tuyên bố áp thuế đối ứng, tỷ giá tăng nhanh lên mức 26.066 VND/USD (ngày 9/4/2025), tăng 2,31% so với cuối năm 2024. Tuy nhiên, sau khi chính quyền Tổng thống Trump tuyên bố tạm hoãn các chính sách thuế quan mới công bố, tỷ giá có xu hướng giảm nhanh. Đến ngày 22/4/2025, tỷ giá giao dịch quanh mức 25.926 VND/USD (tăng 1,76% so với cuối năm 2024).
Trong công tác thanh toán và chuyển đổi số, NHNN đã chỉ đạo quyết liệt việc đối chiếu thông tin sinh trắc học cho tài khoản thanh toán và ví điện tử, đạt kết quả đáng kể. Tính đến ngày 18/4/2025 với hơn 109,2 triệu hồ sơ khách hàng cá nhân, hơn 530 nghìn hồ sơ khách hàng tổ chức và khoảng 20,9 triệu khách hàng ví điện tử đã được đối chiếu.
Hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh trong 02 tháng đầu năm 2025 so với cùng kỳ năm 2024 (tăng 41,28% về số lượng, 21,91% về giá trị). Cùng với đó, NHNN đã ban hành Kế hoạch ngành (ngày 5/3/2025) thực hiện các Nghị quyết về đột phá khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, đề ra nhiều nhiệm vụ mới như xây dựng Đề án đổi mới quy trình nghiệp vụ, Cơ sở dữ liệu, thúc đẩy cho vay điện tử, Open Banking và ứng dụng công nghệ mới.
Song song đó, công tác thanh tra, giám sát và xử lý nợ xấu tiếp tục được đẩy mạnh theo Kế hoạch năm 2025, tập trung giám sát các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao (như tín dụng BĐS, tiêu dùng, trái phiếu, BOT/BT, nợ xấu/tiềm ẩn, khách hàng lớn/mới) và đảm bảo các TCTD thực hiện nghiêm kết luận thanh tra.
Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/thi-truong-tai-chinh-tien-te-thang-42025-on-dinh-163747.html