Tín dụng khởi sắc, lợi nhuận ngân hàng quý II sáng màu?

Tín dụng bật tăng, nợ xấu kiểm soát, nhiều ngân hàng báo lãi lớn, hé lộ bức tranh lợi nhuận quý II tươi sáng hơn kỳ vọng.

Tín dụng tăng mạnh

Nửa đầu năm 2025, bức tranh lợi nhuận ngành ngân hàng dần được hé lộ qua những con số biết nói từ một số nhà băng đã công bố kết quả kinh doanh. Mặc dù chưa phải toàn ngành, nhưng các dữ liệu ban đầu cho thấy sự khởi sắc đáng kể, với điểm nhấn nằm ở tốc độ tăng trưởng tín dụng cao nhất từ năm 2023 và sự chủ động trong xử lý nợ xấu, qua đó giúp lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng hai con số.

Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, đến ngày 30/6/2025, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng, tăng 9,9% so với cuối năm 2024 và tăng đến 19,32% so với cùng kỳ năm trước. Đây được đánh giá là mức tăng tín dụng cao nhất kể từ năm 2023, phản ánh sức bật mạnh mẽ của dòng vốn tín dụng, đồng thời cho thấy sự hồi phục và kỳ vọng lớn từ nền kinh tế vào mục tiêu tăng trưởng GDP 8% trong năm nay. Các chính sách tiền tệ nới lỏng cũng đóng vai trò xúc tác quan trọng.

Nhóm ngân hàng thương mại nhà nước chứng kiến sự tăng trưởng tích cực cả về huy động và cho vay. Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025, ông Phạm Toàn Vượng, Tổng giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank), cho biết, nguồn vốn huy động của ngân hàng này đã vượt 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 6,4% so với đầu năm và đạt mức cao nhất kể từ năm 2021. Trong đó, tiền gửi dân cư tiếp tục giữ vai trò chủ đạo. Dư nợ cho vay nền kinh tế của Agribank đạt trên 1,85 triệu tỷ đồng, tăng 7,6%, với dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn chiếm tới 61%, tương đương hơn 1,13 triệu tỷ đồng. Đây là chỉ dấu cho thấy ngân hàng vẫn giữ vững vai trò chủ lực trong phát triển tam nông.

Với Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), Chủ tịch Hội đồng quản trị Nguyễn Thanh Tùng khẳng định, tín dụng toàn hệ thống đến cuối tháng 6/2025 đạt 1,6 triệu tỷ đồng, tăng 11,1% so với cuối năm 2024. Nếu loại trừ hơn 50.000 tỷ đồng dư nợ hỗ trợ cho Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Ngoại thương Công nghệ số (VCB Neo), mức tăng tín dụng thực chất đạt 7,5%. Dù ở bất kỳ phương án tính nào, Vietcombank vẫn cho thấy khả năng duy trì chất lượng tín dụng tốt với tỷ lệ nợ xấu dưới 1%.

Tại Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank), dư nợ tín dụng tăng ước đạt 10%, huy động tăng hơn 9% so với cuối năm trước. Đặc biệt, lợi nhuận trước trích lập dự phòng rủi ro tiếp tục tăng so với cùng kỳ, cho thấy hiệu quả hoạt động cốt lõi vẫn đang đi đúng hướng bất chấp các biến động vĩ mô.

Đến ngày 30/6/2025, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng. Ảnh: Duy Minh

Đến ngày 30/6/2025, dư nợ toàn hệ thống đạt trên 17,2 triệu tỷ đồng. Ảnh: Duy Minh

Không nằm ngoài xu hướng chung, nhóm ngân hàng tư nhân cũng ghi dấu ấn rõ nét. Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) là đơn vị đầu tiên hé lộ lợi nhuận trước thuế nửa đầu năm đạt trên 2.500 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu (ROE) duy trì ở mức gần 20%, tỷ suất sinh lời trên tài sản (ROA) đạt 1,5%. Tổng tài sản của Nam A Bank cán mốc 315.000 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với đầu năm, một bước tiến đáng kể sau hơn 32 năm hoạt động. Dư nợ tín dụng đạt gần 193.000 tỷ đồng, tăng 14,7%, huy động từ các tổ chức kinh tế và dân cư cũng tăng mạnh hơn 22%.

Đáng chú ý, chất lượng tài sản của ngân hàng này cũng được cải thiện đáng kể: tỷ lệ nợ nhóm 2 giảm mạnh từ 1,47% xuống còn 0,62%; nợ xấu ở mức 2,63%. Các chỉ số an toàn vốn như LDR hay tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn đều ở mức kiểm soát chặt chẽ, lần lượt là 67,17% và 21,94%.

Lợi nhuận tăng trưởng hai chữ số

Dù mới có một số nhà băng công bố dữ liệu, song các công ty chứng khoán lớn đều đưa ra đánh giá chung, lợi nhuận toàn ngành ngân hàng nửa đầu năm 2025 đang trên đà khởi sắc rõ rệt.

Theo báo cáo mới nhất của Công ty Chứng khoán MB (MBS), lợi nhuận sau thuế quý II của các ngân hàng niêm yết tăng 14,7% so với cùng kỳ, khả quan hơn so với mức tăng 11% trong quý I. MBS dự báo có 8 ngân hàng đạt mức tăng lợi nhuận trên 10%, gồm: VPBank, Sacombank, VietinBank, HDBank, Eximbank, LPBank, OCB và VIB. Trong đó, VPBank dẫn đầu tốc độ tăng trưởng lợi nhuận với mức tăng 39%, đạt 5.046 tỷ đồng. Eximbank xếp ngay sau với mức tăng 35%, tương ứng lợi nhuận 859 tỷ đồng.

Những cái tên được MBS nhắc đến cũng phần lớn trùng khớp với danh sách dự báo của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS). Theo đơn vị này, MB và MSB cũng nằm trong nhóm ghi nhận kết quả tích cực. Cụ thể, lợi nhuận trước thuế quý II của MB đạt 9.398 tỷ đồng, tăng 23%; MSB đạt 2.512 tỷ đồng, tăng 16%.

Một trong những động lực chính thúc đẩy lợi nhuận chính là tăng trưởng tín dụng vượt kỳ vọng. Các ngân hàng có mức tăng dư nợ ấn tượng tại thời điểm cuối quý II bao gồm: VPBank (12%), Sacombank (9%), Eximbank (13%), LPBank (10%), Techcombank (9%), VIB (8%)... Bên cạnh đó, việc kiểm soát tốt nợ xấu giúp các ngân hàng không phải trích lập dự phòng lớn như các giai đoạn trước.

Thực tế, trong quý II, biên lãi ròng (NIM) có dấu hiệu phục hồi, cùng với đó là áp lực trích lập giảm bớt. MBS thống kê: VIB trích lập khoảng 1.000 tỷ đồng, giảm 8,7% so với cùng kỳ; Sacombank trích hơn 300 tỷ đồng, giảm 35%; HDBank và ACB giữ mức trích lập ổn định quanh 1.000 tỷ và 600 tỷ đồng.

Tuy nhiên, không phải tất cả ngân hàng đều giảm trích lập. VPBank tăng mạnh chi phí dự phòng lên hơn 9.000 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ và 38% so với quý trước, chủ yếu do ảnh hưởng từ các khoản vay tiêu dùng có rủi ro cao. Eximbank cũng trích lập tăng 66% so với quý trước, đạt 200 tỷ đồng, phản ánh nợ xấu và nợ nhóm 2 vẫn đang hiện hữu.

Theo các chuyên gia tài chính, ngân hàng, trong nửa cuối năm, kỳ vọng mới được thắp lên khi các thay đổi chính sách bắt đầu có hiệu lực. Một trong số đó là việc luật hóa Nghị quyết 42 về xử lý nợ xấu, sẽ giúp các ngân hàng chủ động hơn trong việc thu giữ tài sản bảo đảm. Điều này không chỉ giảm áp lực trích lập dự phòng mà còn giúp tiết giảm chi phí nợ, đặc biệt có lợi cho những ngân hàng đang phải dành nguồn lực lớn để xử lý nợ như: VietinBank, VPBank, cũng như các nhà băng quy mô vừa như MSB, OCB hay VIB.

Từ những diễn biến thực tế, có thể thấy lợi nhuận quý II không chỉ là phép cộng đơn thuần từ tăng trưởng tín dụng, mà còn là kết quả tổng hòa của cả chiến lược kiểm soát rủi ro, quản trị chi phí, tăng quy mô tài sản và thích ứng chính sách. Trong cuộc đua này, ai kiểm soát được nợ xấu, duy trì NIM ổn định và chuẩn bị sẵn sàng cho thay đổi luật chơi sẽ là người nắm lợi thế ở chặng tiếp theo.

PSG.TS Nguyễn Hữu Huân, Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh nhận định, lợi nhuận năm 2025 của một số ngân hàng được dự báo tiếp tục tăng, tuy nhiên ở góc độ thận trọng, chi phí tín dụng trong năm nay có thể vẫn giữ ở mức cao và các ngân hàng sẽ tăng cường bộ đệm dự phòng cho giai đoạn tới.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tin-dung-khoi-sac-loi-nhuan-ngan-hang-quy-ii-sang-mau-410507.html