Tín dụng lại 'tuột dốc', mục tiêu năm 2024 vẫn còn nhiều thách thức

Tăng trưởng tín dụng sau khi bùng nổ vào tháng 12/2023 thì chuyển hướng sang trạng thái âm trong giai đoạn đầu năm 2024. Đây cũng là tín hiệu phù hợp nếu nhìn ở góc độ cân đối cho cả một giai đoạn vài tháng liên tục. Nhưng điều này cũng đặt ra thách thức mới cho việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung cho cả năm 2024.

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồ họa: Phương Anh

Nguồn: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Đồ họa: Phương Anh

Vọt cao rồi lại giảm mạnh

Diễn biến tăng trưởng tín dụng trong khoảng vài tháng qua tạo ra những cảm xúc mạnh cho thị trường. Cụ thể sau một chu kỳ tăng trưởng chậm kéo dài suốt gần 11 tháng năm 2023, tăng trưởng tín dụng bất ngờ vọt tăng mạnh chỉ trong khoảng hơn 1 tháng cuối cùng của năm 2023.

Diễn biến tín dụng từ đầu năm 2023 đến 22/11/2023 cho thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng mới đạt 8,21%, thấp hơn so với chỉ tiêu định hướng đầu năm. Tuy nhiên, đến 31/12/2023, tốc độ tăng trưởng tín dụng chung cả năm 2023 vẫn đạt 13,71%. Như vậy, tăng trưởng tín dụng đã vọt tăng một cách mạnh mẽ chỉ trong hơn 1 tháng cuối năm 2023, sau suốt gần 11 tháng chậm chạp. Chỉ trong khoảng 5 tuần từ 23/11 đến 31/12/2023, tốc độc tăng trưởng tín dụng đạt tới 5,5%.

Giải pháp với tín dụng bất động sản

NHNN cho biết sẽ tiếp tục rà soát, phân loại các dự án bất động sản để kịp thời có giải pháp tín dụng phù hợp đối với doanh nghiệp, dự án đủ điều kiện, đặc biệt là các dự án đáp ứng nhu cầu thực của thị trường, các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại giá thấp phù hợp với thu nhập của người lao động.

Các ngân hàng sẽ chủ động hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng để đáp ứng nhu cầu vốn về nhà ở. Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng được đặt mối quan tâm tới cả chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ.

Trong bối cảnh này, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2024 khoảng 15%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Tại Chỉ thị 01/CT-NHNN, Thống đốc NHNN đã giao các đơn vị thuộc NHNN, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố, các tổ chức tín dụng triển khai các nhiệm vụ cụ thể, quy định rõ sản phẩm dự kiến và thời hạn hoàn thành.

Tuy nhiên, kịch tính trong bức tranh tín dụng vẫn chưa kết thúc khi bước vào giai đoạn đầu năm 2024 tốc độ cho vay của các ngân hàng bất ngờ hãm phanh khi NHNN cho biết, tín dụng toàn hệ thống trong tháng 1/2024 đã giảm 0,6% so với cuối năm 2023. Diễn biến tăng trưởng tín dụng tháng đầu năm 2024 như trên của hệ thống ngân hàng thậm chí còn “chậm rãi” hơn cả so với bức tranh chung trong 11 tháng năm 2023.

Thách thức trước mục tiêu chung

Lý giải về tình trạng tín dụng giảm trong tháng đầu năm, lãnh đạo các ngân hàng cho biết, đây cũng là hiện tượng thông thường trong các tháng đầu năm do tâm lý khách hàng và các hoạt động kinh tế chưa sôi động do ảnh hưởng của đợt nghỉ tết.

Ông Phạm Toàn Vượng - Tổng giám đốc Agribank cho biết, năm 2024 nhìn chung cơ chế dành cho tăng trưởng tín dụng của NHNN là rất thoáng, không có vướng mắc. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng trong tháng đầu năm giảm do khả năng phục hồi của nền kinh tế vẫn chậm. Thêm vào đó, nhiều dự án đầu tư cũ đang còn những vướng mắc, chưa được các địa phương giải quyết triệt để, tồn đọng nhiều năm nên không thể giải ngân vốn. Tương tự, lãnh đạo một ngân hàng khác cũng cho biết, tình hình kinh tế khó khăn, thu nhập người dân giảm, thị trường bất động sản trầm lắng khiến nhu cầu vay mua nhà giảm. Số dự án mới được cấp phép cũng ít hơn, khiến nguồn cung hạn chế.

Mặc dù thời gian vẫn còn dài, các ngân hàng vẫn còn tới hơn 10 tháng nữa để thực hiện các mục tiêu đã đặt ra cho năm, nhưng ngành ngân hàng hiện cũng đã tỏ ra khá khẩn trưởng trong việc đẩy nhanh các giải pháp cho hoạt động tín dụng.

Ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, các ngân hàng cần tập trung vào các giải pháp cụ thể, đơn cử như có thể định hướng dòng vốn tín dụng vào những lĩnh vực ưu tiên và có khả năng phục hồi tốt theo như chỉ đạo của Chính phủ. “Gói 15.000 tỷ đồng cho vay hỗ trợ đối với ngành lâm sản, thủy sản thời gian qua cho thấy đã phát huy hiệu quả. Tôi đề nghị, thời gian tới các ngân hàng nên nâng quy mô gói này lên gấp đôi, ở mức 30.000 tỷ đồng” - ông Tú nêu.

Một trong những giải pháp thời gian tới được các ngân hàng đưa ra là tiếp tục thực chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, chủ động phối hợp với các địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội để tổ chức trao đổi, đối thoại với khách hàng vay vốn nhằm nắm bắt và kịp thời xử lý, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Bên cạnh đó, lãnh đạo NHNN cũng yêu cầu các ngân hàng thương mại đặt mối quan tâm đến việc đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ tín dụng ngân hàng phù hợp từng phân đoạn khách hàng và thị trường, loại hình, nhu cầu sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.

ÔNG TRẦN LONG - PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC BIDV:

Cho vay lĩnh vực ưu tiên vẫn chiếm tỷ trọng lớn

Tại BIDV, dư nợ cho vay các lĩnh vực ưu tiên mặc dù có giảm nhẹ so với cuối năm 2023 nhưng dư nợ trong lĩnh vực ưu tiên vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ. Cho vay lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm 25%, cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay chiếm 20%, công nghiệp hỗ trợ 6,3%. Đặc biệt, cho vay ứng dụng công nghệ cao có sự tăng trưởng dư nợ tốt trong những tháng đầu năm 2024 đạt khoảng 0,9% tổng dư nợ...

Những nguyên nhân chính cho việc giảm tín dụng trong những tháng đầu năm 2024 là sức hấp thụ vốn của nền kinh tế năm 2024 dự kiến đánh giá còn chậm và gặp nhiều khó khăn thách thức. Các động lực tăng trưởng kinh tế như xuất khẩu, tiêu dùng, sản xuất công nghiệp, đầu tư tư nhân, còn chậm, hoạt động của doanh nghiệp còn nhiều khó khăn như vướng mắc về pháp lý, môi trường kinh doanh, chi phí logistics tăng…

Chúng tôi mong rằng, NHNN hướng dẫn các thức công bố, cũng như định kỳ thời gian công bố mức lãi suất để các ngân hàng cập nhật kịp thời. Đề nghị Chính phủ tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về mặt pháp lý để hỗ trợ ngân hàng trong việc cấp tín dụng phục vụ phát triển kinh tế.

Ngoài ra, NHNN cũng có thể xem xét kéo dài thời hạn của Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đến hết năm 2024, tiếp tục nghiên cứu tăng hạn mức cho vay bằng các phương tiện điện tử với các khoản có rủi ro thấp.

ÔNG HỒ NAM TIẾN - TỔNG GIÁM ĐỐC LPBANK:

LPBank đang đưa các gói tín dụng ưu đãi cả bằng VND và USD

Ngay từ đầu năm, LPBank đã tập trung vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên theo đúng định hướng của NHNN và tập trung cho phân khúc khách hàng bán lẻ. Theo đó, tính đến 31/1/2024, lĩnh vực cho vay nông nghiệp nông thôn có dư nợ là gần 85.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30% tổng dư nợ tín dụng của LPBank. Trong tháng 1/2024, doanh số giải ngân vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn đã đạt hơn 8.000 tỷ đồng.

Đối với khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, tính đến hết tháng 1/2024, dư nợ đạt gần 105.000 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 37% dư nợ. Đây cũng là phân khúc khách hàng trọng tâm của LPBank. Cho vay xuất khẩu và công nghiệp hỗ trợ có dư nợ hơn 600 tỷ đồng.

Ngay trong tháng 2, LPBank đưa ra gói tín dụng ưu đãi dành cho nhóm khách hàng xuất nhập khẩu với mức lãi suất vay VND chỉ từ 6%, vay USD chỉ từ 4% với đa dạng kỳ hạn từ 1 tháng đến 12 tháng. LPBank cũng tập trung tăng trưởng tín dụng đối với cho vay sản xuất kinh doanh để góp phần đẩy mạnh phát triển kinh tế.

Hiện nay, việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ của khách hàng được kéo dài thêm tối đa 12 tháng dẫn đến việc khi đến hạn trả nợ cơ cấu thì số tiền trả nợ hàng kỳ sẽ bị gấp đôi lên đối với khách hàng vay vốn trung dài hạn (bao gồm số tiền đến hạn định kỳ và số tiền cơ cấu nợ) dẫn đến việc khó khăn trong việc trả nợ. Do đó, tôi đề xuất gia hạn thời hạn hiệu lực của Thông tư 02 thêm 12 tháng đến 30/6/2025 để tiếp tục hỗ trợ khách hàng có khả năng hồi phục.

Chí Tín

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tin-dung-lai-tuot-doc-muc-tieu-nam-2024-van-con-nhieu-thach-thuc-145492-145492.html