Tín dụng ưu đãi cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Những năm qua, tín dụng ưu đãi đã giải quyết được bài toán thiếu vốn để phát triển kinh tế, từng bước xóa đói, giảm nghèo ở các địa phương trong tỉnh, nhất là khu vực miền núi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống.

Tín dụng ưu đãi giúp hộ dân xóm Tày, xã Tân Minh (Đà Bắc) có vốn đầu tư chăn nuôi trâu, từng bước thoát nghèo.

Tín dụng ưu đãi giúp hộ dân xóm Tày, xã Tân Minh (Đà Bắc) có vốn đầu tư chăn nuôi trâu, từng bước thoát nghèo.

20 năm Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đi vào hoạt động đã góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Với trên 644 nghìn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách được vay vốn ưu đãi, đã có trên 116 nghìn hộ thoát khỏi diện đói, nghèo. Bên cạnh đó, hàng vạn công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng, giúp người dân ở các khu vực khó khăn cải thiện, nâng cao chất lượng cuộc sống. Với tỷ lệ người DTTS chiếm trên 74%, có thể nói, những hiệu quả tín dụng ưu đãi đem lại đã góp phần quan trọng để đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh vượt lên đói, nghèo.

Theo NHCSXH tỉnh, những năm qua, toàn chi nhánh đã thực hiện nhiều chương trình tín dụng đối với vùng đồng bào DTTS&MN. Như chương trình cho vay hộ đồng bào DTTS đặc biệt khó khăn triển khai năm 2007 theo Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg, Quyết định số 54/2012/ QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; cho vay hộ đồng bào DTTS nghèo, khó khăn thực hiện năm 2015 theo Quyết định số 755/QĐ-TTg dành cho hộ đồng bào DTTS nghèo và hộ nghèo sinh sống ở vùng khó khăn có nhu cầu chuyển đổi nghề; cho vay hộ đồng bào DTTS theo Quyết định số 2085/QĐ-TTg thực hiện từ năm 2018. Đây là chương trình tín dụng dành cho đối tượng vay là hộ đồng bào DTTS ở các thôn, xóm, xã thuộc vùng DTTS&MN, hộ nghèo ở các xã khu vực III, thôn đặc biệt khó khăn vay vốn để tạo đất sản xuất, chuyển đổi nghề và sản xuất, kinh doanh.

Qua thực tiễn 20 năm triển khai tín dụng ưu đãi qua NHCSXH đã đem lại những hiệu quả rõ rệt, làm thay đổi bộ mặt làng quê ở các vùng đồng bào DTTS&MN trong tỉnh. Như huyện Lạc Sơn là địa bàn rộng, dân số đông, chủ yếu là đồng bào DTTS với nhiều xã, xóm còn khó khăn. Trong những năm qua, phát huy hiệu quả của tín dụng ưu đãi đã giúp trên 4,5 nghìn hộ nghèo, hộ sinh sống ở vùng DTTS&MN thoát nghèo. Từ 2 chương trình tín dụng, đến nay, NHCSXH huyện Lạc Sơn đã triển khai 14 chương trình với hầu hết các đối tượng sinh sống ở vùng khó khăn được tiếp cận vốn.

Trước những hiệu quả thiết thực tín dụng ưu đãi đem lại, ngày 26/4/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2022/NĐ-CP về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025. Ngày 30/6/ 2022, Tổng Giám đốc NHCSXH Việt Nam đã có Văn bản số 4912/HD-NHCS về hướng dẫn nghiệp vụ cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở, đất sản xuất, chuyển đổi nghề và phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP.

Theo nghị định, địa bàn thực hiện là cấp xã, cấp thôn vùng đồng bào DTTS& MN theo quy định của pháp luật về tiêu chí phân định vùng đồng DTTS&MN trong từng thời kỳ. Các chương trình cho vay gồm: Cho vay hỗ trợ đất ở, nhà ở; hỗ trợ sản xuất, chuyển đổi nghề; cho vay đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị.

Để chính sách nhanh chóng đi vào cuộc sống, lãnh đạo NHCSXH tỉnh cho biết: Ban Dân tộc, NHCSXH, các sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập trung rà soát các đối tượng thụ hưởng chính sách. Đảm bảo 100% đối tượng chính sách xã hội đủ điều kiện, có nhu cầu đều có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi, phát huy hiệu quả theo mục tiêu các chương trình tín dụng. Đến nay, theo kết quả rà soát của ngành chức năng, tổng nhu cầu về vay vốn đối với chương trình tín dụng mới này trên địa bàn tỉnh hơn 153 tỷ đồng.

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/170509/tin-dung-uu-dai-cho-vung-dong-bao-dan-toc-thieu-so.htm