Tín dụng xanh: Động lực thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Việt Nam
Để hỗ trợ tín dụng xanh thực sự trở thành động lực cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, ngoài nỗ lực của ngành Ngân hàng, cần sự chung tay các Bộ ngành, doanh nghiệp và cộng đồng.

Nhiều ngân hàng đẩy mạnh tín dụng xanh nhằm thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Việt Nam. (Ảnh: Vietnam+)
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và phát triển bền vững trở thành xu thế tất yếu, tín dụng xanh đã nổi lên như một trụ cột quan trọng của hệ thống tài chính Việt Nam. Để tối ưu hóa hiệu quả của tín dụng xanh, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nhấn mạnh cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý, ngân hàng, doanh nghiệp và cộng đồng quốc tế.
Thúc đẩy tín dụng xanh
Tín dụng xanh là các khoản vay hoặc tài trợ vốn dành cho các dự án thân thiện với môi trường, như năng lượng tái tạo, nông nghiệp sạch, công trình xanh hoặc các sáng kiến tiết kiệm năng lượng.
Theo thống kê từ Ngân hàng Nhà nước, từ chỗ chỉ có 15 tổ chức tín dụng tham gia năm 2017, đến nay đã có 58 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 704.244 tỷ đồng, tăng 3,57% so với cuối năm 2024, chiếm tỷ trọng 4,3% tổng dư nợ toàn nền kinh tế. Trong đó, dư nợ công nghiệp xanh và công trình xây dựng xanh đạt khoảng 25.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 3,7% tổng dư nợ tín dụng xanh. Các lĩnh vực được ưu tiên bao gồm năng lượng tái tạo (45%), nông nghiệp xanh (31%) và quản lý nước bền vững.
Phó Thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết nhận thức được vai trò của ngành Ngân hàng trong việc thúc đẩy mục tiêu phát triển bền vững tại Việt Nam, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực xanh, thân thiện với môi trường, các ngành sản xuất carbon thấp.
Bám sát chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, các tổ chức tín dụng đã triển khai khá toàn diện các hoạt động về tín dụng xanh như nghiên cứu, phát triển các sản phẩm tín dụng xanh cho từng ngành/lĩnh vực; đa dạng hóa nguồn vốn đầu vào thông qua phát hành trái phiếu xanh, tăng cường hợp tác với các tổ chức tài chính quốc tế; 100% các tổ chức tín dụng đã xây dựng quy định nội bộ quản lý rủi ro về môi trường trong hoạt động cấp tín dụng. Một số ngân hàng có sự tiên phong, dẫn dắt thị trường, chủ động nghiên cứu, cập nhật các tiêu chuẩn mới về tín dụng xanh, rủi ro về môi trường và xã hội, rủi ro về khí hậu, dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Về phía ngành ngân hàng, các tổ chức tín dụng đã và đang không ngừng đẩy mạnh hoạt động tín dụng xanh. Đây là một nỗ lực, thể hiện sự chung tay của ngành ngân hàng trong thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về bảo vệ môi trường và mục tiêu giảm phát thải ròng về 0.
Là ngân hàng tiên phong trong tài chính xanh, ông Lê Ngọc Lâm - Tổng Giám đốc BIDV cho biết hiện BIDV đã triển khai ba định hướng chiến lược trọng yếu là chuyển đổi toàn diện và tinh giản quy trình; phát triển bền vững và thực hành ESG (môi trường, xã hội và quản trị); đổi mới sáng tạo và xây dựng hệ sinh thái số.
Nhờ triển khai các giải pháp đồng bộ, tính đến ngày 31/12/2024, dư nợ tín dụng xanh của BIDV đạt tới 80.870 tỷ đồng - chiếm hơn 12% dư nợ tín dụng xanh toàn ngành ngân hàng Việt Nam. BIDV đã tài trợ tín dụng xanh cho 1.600 khách hàng với 1.982 dự án/phương án, trong đó dư nợ các lĩnh vực như năng lượng tái tạo, năng lượng sạch đạt gần 60.000 tỷ đồng, chiếm 74%; dư nợ công trình xanh đạt 6.500 tỷ, chiếm 8%; dư nợ khu công nghiệp xanh đạt 1.736 tỷ đồng, chiếm 2% và dư nợ nước sạch đạt 1.174 tỷ đồng, chiếm 1.5%. Đồng thời, BIDV đã huy động 2.500 tỷ đồng trái phiếu xanh, 3.000 tỷ đồng trái phiếu bền vững và 5.000 tỷ đồng tiền gửi xanh.

Agribank cũng là một trong những ngân hàng dành nhiều nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp xanh. (Ảnh: Vietnam+)
Một số ngân hàng khác như Agribank triển khai gói 10.000 tỷ đồng cho vay nông nghiệp hữu cơ, năng lượng tái tạo với lãi suất từ 3,5%/năm; ACB có gói 2.000 tỷ đồng dành cho các ngành thuộc danh mục “xanh.”
Nhiều doanh nghiệp đã hưởng lợi từ tín dụng xanh. Ví dụ, Công ty Quan Châu (Quảng Nam) đầu tư hệ thống điện mặt trời nhờ vốn từ BIDV, giúp mở rộng sản xuất và giảm chi phí. Công ty RTS (Tam Kỳ, Quảng Nam) xây dựng nhà máy tái sử dụng nước thải công suất 26.000m³/ngày - đêm với sự hỗ trợ của VietinBank, góp phần bảo vệ môi trường.
"Nhận diện" lực cản cho tín dụng xanh
Dù đạt nhiều tiến bộ, tín dụng xanh vẫn đối mặt với các rào cản như thiếu khung pháp lý đồng bộ và tiêu chí “xanh” rõ ràng.
Ông Lê Ngọc Lâm, Tổng Giám đốc BIDV kiến nghị Chính phủ sớm ban hành các gói tín dụng xanh lãi suất thấp dành cho các dự án bảo vệ môi trường, năng lượng tái tạo, công nghệ sạch đồng thời thành lập quỹ đầu tư xanh quốc gia với sự tham gia của cả khu vực công và tư nhân, có tiêu chí rõ ràng và quy trình minh bạch. Cùng với đó, cần đẩy mạnh ưu đãi nghiên cứu - phát triển (R&D) và ứng dụng công nghệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp nội địa sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đối với doanh nghiệp, Tổng giám đốc BIDV khuyến nghị cần chủ động đổi mới công nghệ, số hóa quy trình sản xuất và quản lý để tối ưu hiệu quả sử dụng tài nguyên, giảm phát thải và đáp ứng các yêu cầu về môi trường. Việc hợp tác với các tổ chức tài chính, đối tác công nghệ và tổ chức hỗ trợ chuyển đổi xanh, cùng với đào tạo nâng cao nhận thức cho đội ngũ nhân sự, sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường năng lực nội tại và tạo nền tảng vững chắc trong hành trình hướng tới phát triển xanh và bền vững.

Nhằm thúc đẩy tín dụng xanh tăng trưởng bền vững tại Việt Nam cần có sự đồng hành quyết liệt từ Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và cộng đồng. (Ảnh: Vietnam+)
Phó Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Thị Hoàng Anh - Phó Giám đốc Học viện Ngân hàng cũng cho rằng một trong những rào cản lớn là thiếu khung pháp lý cụ thể và đồng bộ về tiêu chí “xanh.”
Bà Hoàng Anh khuyến nghị: “Cần sớm ban hành danh mục dự án xanh và áp dụng các tiêu chuẩn bắt buộc để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả trong cấp tín dụng xanh. Đặc biệt cần đa dạng hóa nguồn vốn, không chỉ dựa vào các chính sách ưu đãi lãi suất mà còn thông qua phát triển thị trường trái phiếu xanh và nâng cao nhận thức của các bên liên quan.”
Bà Hà Thu Giang - Vụ trưởng Vụ các ngành Kinh tế Ngân hàng Nhà nước bổ sung việc khơi thông tín dụng xanh đòi hỏi sự phối hợp giữa các bộ, ngành để hoàn thiện chính sách, xây dựng lộ trình hỗ trợ các ngành xanh (thuế, vốn, kỹ thuật), và phát triển thị trường trái phiếu xanh, quyền phát thải carbon. Các tổ chức tín dụng cũng cần tiếp cận nguồn vốn quốc tế để cung cấp các khoản vay dài hạn, lãi suất ưu đãi.
“Tín dụng xanh là chìa khóa thúc đẩy tăng trưởng bền vững tại Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ khi có sự đồng hành quyết liệt từ Nhà nước, ngân hàng, doanh nghiệp và cộng đồng, tín dụng xanh mới thực sự trở thành động lực cho chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới mục tiêu phát thải ròng bằng 0 và phát triển bền vững,” bà Hà Thu Giang nhấn mạnh./.