Tín hiệu đáng mừng trong năm học mới

Đây là năm học có nhiều biến chuyển tích cực khi Bộ Chính trị yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục (GD) - đào tạo (ĐT), bảo đảm lương nhà giáo được xếp cao nhất và ngân sách nhà nước (NSNN) dành cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi NSNN, đặc biệt từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học.

Phải bảo đảm lương nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất

Hôm nay (05/9/2024), hơn 22 triệu học sinh (HS) từ bậc mầm non (MN) đến các bậc phổ thông bước vào năm học mới 2024-2025, năm học có nhiều đổi mới, đặc biệt cả 3 cấp ở bậc phổ thông đều đã thực hiện theo Chương trình Giáo dục phổ thông (GDPT) mới 2018 và tất nhiên kỳ thi tốt nghiệp THPT cũng đổi mới căn bản.

Đặc biệt, chưa bao giờ GD được Đảng, Nhà nước quan tâm như hiện nay. Ngày 12/8, Bộ Chính trị vừa ban hành Kết luận 91-KL/TW về tiếp tục thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013, của BCH TƯ Đảng khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế.

Kết luận yêu cầu các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, người đứng đầu địa phương tiếp tục nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt và thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm xem GD-ĐT là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân; bảo đảm vai trò chủ đạo của Nhà nước đồng thời thu hút sự tham gia tích cực của xã hội trong phát triển sự nghiệp GD-ĐT.

Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về GD-ĐT, tháo gỡ những điểm nghẽn; trong đó cần sớm xây dựng luật về nhà giáo, luật về học tập suốt đời, chiến lược phát triển GD và các quy định về đổi mới công tác quản lý GD-ĐT, quản trị nhà trường theo hướng khoa học, hiện đại, đồng bộ, liên thông, phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế và thực tiễn ở nước ta.

Trường Tiểu học Võ Trường Toản tổ chức Ngày hội "Em vui đến trường" sáng 26/8/2024 (ảnh do nhà trường cung cấp)

Trường Tiểu học Võ Trường Toản tổ chức Ngày hội "Em vui đến trường" sáng 26/8/2024 (ảnh do nhà trường cung cấp)

Tiếp tục nâng cao chất lượng GD toàn diện ở các cấp học MN, phổ thông, GD thường xuyên và GD chính trị - tư tưởng cho học sinh - sinh viên (HS-SV).

Bộ Chính trị yêu cầu nâng cao chất lượng, chuẩn hóa đội ngũ giáo viên (GV) và cán bộ quản lý GD các cấp; đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo một cách đồng bộ, gắn với quản lý chuyên môn và chất lượng. "Thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng", kết luận của Bộ Chính trị nêu rõ.

Bộ Chính trị yêu cầu tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển GD-ĐT; bảo đảm NSNN cho GD-ĐT tối thiểu 20% tổng chi NSNN; kịp thời điều chỉnh tổng mức chi NSNN cho GD-ĐT phù hợp với tăng trưởng của nền kinh tế.

Nhà nước bảo đảm kinh phí cho GD bắt buộc, GD phổ cập, miễn học phí cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi và thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm trong lĩnh vực GD; ưu tiên đầu tư cho GD-ĐT vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo...

Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học

Trong kết luận này, Bộ Chính trị đề nghị các cấp nâng cao năng lực ngoại ngữ cho HS-SV, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học. Ngôn ngữ thứ 2 cần hiểu là ngôn ngữ được học/tiếp thu sau tiếng mẹ đẻ. Ngôn ngữ thứ 2 và tiếng mẹ đẻ có thể được sử dụng song song cùng lúc.

Đây là chủ trương đúng đắn mà từ lâu ngành GD-ĐT hướng tới. Còn nhớ năm 2007, trong chuyến thăm Việt Nam, cố Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu - một người bạn thân tình của Việt Nam, từ kinh nghiệm biến tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 ở đất nước mình, ông đã nhắn nhủ: "Nếu tất cả sinh viên Việt Nam sau này không thể nghe và nói tiếng Anh trôi chảy, chỉ có thể đọc thôi cũng đã là tụt hậu". Ông Lý Quang Diệu còn khẳng định: "Nếu thắng trong cuộc đua GD sẽ thắng trong phát triển kinh tế".

Để thực hiện kết luận của Bộ Chính trị về việc từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn vừa ban hành kế hoạch nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm học 2024 - 2025 của ngành GD, trong đó yêu cầu: "Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh ở các cấp học và trình độ đào tạo. Nghiên cứu, xây dựng đề án, kế hoạch từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học".

Khi trở thành ngôn ngữ thứ 2 ở nhà trường, tiếng Anh có thể được sử dụng phổ biến trong tài liệu, giáo trình, giao tiếp, dạy học ở một số môn nhất định. Thực tế hiện nay, nhiều trường công lập ở Hà Nội, TPHCM, Bắc Giang, Quảng Ninh... đã dạy thử nghiệm Toán và Khoa học bằng tiếng Anh, chứ không chỉ coi đây là môn ngoại ngữ và cũng đã đạt những thành quả rất đáng khích lệ.

Trường Tiểu học Võ Trường Toản tổ chức Ngày hội "Em vui đến trường" sáng 26/8/2024 (ảnh do nhà trường cung cấp)

Trường Tiểu học Võ Trường Toản tổ chức Ngày hội "Em vui đến trường" sáng 26/8/2024 (ảnh do nhà trường cung cấp)

Tại TPHCM, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT, cho biết từ năm học 2025 - 2026, ngành GD Thành phố có thể thí điểm đưa tiếng Anh là ngôn ngữ thứ 2 sử dụng trong trường học. Hiện các phòng ban chuyên môn của sở đang chuẩn bị điều kiện để thực hiện.

Theo ông Hiếu, một số tiêu chí được đưa ra, có thể quy định cụ thể số môn học bằng tiếng Anh, thời lượng HS sử dụng tiếng Anh, các chuẩn đánh giá... Ông Hiếu cho rằng, TPHCM có rất nhiều thuận lợi khi triển khai thí điểm việc thí điểm này, nhờ nhiều năm nay đã triển khai hiệu quả các chương trình, đề án như "Dạy và học các môn Toán, Khoa học tiếng Anh tích hợp theo chương trình Anh, Việt Nam" hay Chương trình tiếng Anh tăng cường...

Trên phạm vi toàn quốc, vấn đề lớn nhất hiện nay là tình trạng thiếu GV tiếng Anh, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Các trường sư phạm cần tăng tốc đào tạo GV tiếng Anh, Tin học, Thể dục, Âm nhạc, Mỹ thuật và các môn tích hợp nhằm đáp ứng yêu cầu mới.

Giáo viên có được phép dạy thêm?

Thực tế nhiều năm qua Bộ GD-ĐT cấm triệt để việc dạy thêm (DT), học thêm (HT), năm nào cũng có văn bản cấm, nhưng việc DT vẫn hết sức phức tạp. Hiện bộ đang lấy ý kiến cho dự thảo thông tư về DT, HT theo hướng hợp thức hóa hoạt động này.

PGS-TS Nguyễn Xuân Thành, Vụ trưởng Trung học của Bộ GD-ĐT, cho rằng cần nhìn nhận DT, HT là nhu cầu thực tế của cả GV và HS. Việc này không cần phải cấm hay đáng chê trách. Vấn đề khiến dư luận bức xúc là việc HS phải đi HT lớp do GV dạy bên ngoài, dù các em không muốn. Do đó, dự thảo loại bỏ các thủ tục hình thức, như GV cần xin phép hiệu trưởng để được dạy HS của mình theo quy định hiện hành (Thông tư 17/2012). Thay vào đó, thầy cô có thể dạy nhưng cần lập danh sách HS, báo cáo hiệu trưởng và cam kết không bắt buộc các em dưới mọi hình thức. Bên cạnh đó, GV không sử dụng những ví dụ, câu hỏi, bài tập đã DT để kiểm tra, đánh giá HS.

"Bộ GD-ĐT không cấm GV dạy thêm khi các em và phụ huynh thực sự mong muốn, có nhu cầu", "Thầy cô được dạy HS của mình ngoài nhà trường, nhưng đó phải là nguyện vọng thực sự của hai bên, tuyệt đối không được ép buộc", PGS-TS Nguyễn Xuân Thành cho biết. Tất nhiên GV không được DT ở bậc tiểu học như quy định cũ, vì theo chương trình phổ thông mới, HS tiểu học lên lớp 2 buổi 1 ngày.

PGS-TS Nguyễn Xuân Thành cho rằng, khi xây dựng dự thảo mới về quản lý DT, HT, điều quan trọng Bộ GD-ĐT hướng đến là "điều trị” những hiện tượng tiêu cực, ép HS học thêm chứ không cấm những nhu cầu có thực và chính đáng của cả người dạy lẫn người học.

Tuy nhiên, vấn đề này lại thêm nhiều tranh cãi. Chương trình GDPT 2018 khẳng định "là cam kết của Nhà nước nhằm bảo đảm chất lượng của cả hệ thống và từng cơ sở GDPT". Vậy việc hợp thức hóa DT, HT thì Chương trình GDPT 2018 có bị phá vỡ và sẽ kéo theo nhiều hệ lụy, làm sao kiểm soát được?

Năm học mới với nhiều quyết sách đúng đắn từ Bộ Chính trị, thực hiện đầy đủ, sâu sắc quan điểm xem GD-ĐT là quốc sách hàng đầu; thực hiện chủ trương lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp, Chương trình GDPT mới đã hoàn thiện, hy vọng một năm học mới thực sự đổi mới căn bản, toàn diện với ngành GD.

Chủ tịch UBND TPHCM yêu cầu chấn chỉnh lạm thu ở trường, lớp trong năm học mới

Sáng 04/9, phát biểu kết luận tại phiên họp kinh tế - xã hội thường kỳ tháng 8, Chủ tịch UBND TPHCM (UBNDTP) Phan Văn Mãi yêu cầu Sở GD-ĐT chuẩn bị khai giảng năm học mới thật chu đáo, nhiều ý nghĩa.

Ông Phan Văn Mãi yêu cầu các trường thực hiện đúng quy định thu - chi các loại phí, công khai minh bạch và phải được phụ huynh đồng thuận; yêu cầu chấn chỉnh việc lạm thu tại các trường. Ngành GD-ĐT phải chỉ đạo, chấn chỉnh tình trạng này, đừng để ngành bị phản ánh việc lạm thu. Chủ tịch UBNDTP cũng khuyến khích báo chí phản ánh những trường hợp lạm thu tại các trường.

Theo ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM, năm học 2024-2025 toàn thành phố tăng 24.097 HS nhưng vẫn bảo đảm 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. Dự kiến năm 2024, thành phố đưa vào sử dụng 23 dự án trường học.

TPHCM cũng đã chi 540 tỷ đồng để sửa chữa cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị cho các trường.

XUÂN NHÂN

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/giao-duc-huong-nghiep/tin-hieu-dang-mung-trong-nam-hoc-moi_166852.html