Tín hiệu tích cực từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa
Theo đánh giá của Sở Công Thương, trong số 20 sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa có 7 sản phẩm đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, khối ngành công nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ tăng trưởng từ 1,1% đến 17,4%.
Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống) đang đẩy mạnh sản xuất bảo đảm tiến độ các đơn hàng xuất khẩu. Ảnh: Lê Hòa
Nhờ tác động tích cực của các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết, nên dù tình hình dịch bệnh COVID-19 trong nước và trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp nhưng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa trong quý I-2021 vẫn đạt hơn 878 triệu USD, tăng 11,3% so với cùng kỳ. Đây là mức tăng trưởng khả quan, ghi nhận sự nỗ lực, linh hoạt trong hoạt động sản xuất, kinh doanh và là động lực để hệ thống doanh nghiệp của tỉnh tiếp tục vượt khó, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa trong năm 2021.
Theo đánh giá của Sở Công Thương, trong số 20 sản phẩm xuất khẩu của tỉnh Thanh Hóa có 7 sản phẩm đạt mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Trong đó, khối ngành công nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ tăng trưởng từ 1,1% đến 17,4%. Nguyên nhân chính là do thị trường xuất khẩu của các ngành này đang có xu hướng phục hồi, nhiều đối tác mới tại những thị trường tiềm năng đã tìm kiếm và ký kết hợp đồng xuất khẩu hàng hóa. Do đó, những tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp xuất khẩu của tỉnh đang tập trung thực hiện “mục tiêu kép” vừa bảo đảm phòng chống dịch, vừa gia tăng các hoạt động sản xuất, kinh doanh, tranh thủ cơ hội từ những diễn biến khả quan của thị trường nước ngoài. Ngoài các thị trường truyền thống như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Nhật Bản đã có tín hiệu tăng trở lại, nhiều đơn vị đã chủ động, linh hoạt hơn trong khai thác thị trường mới, đồng thời đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng tốt nhu cầu của khách hàng.
Tại Công ty TNHH May Thiệu Đô (thuộc Tổng Công ty May 10), hoạt động lao động sản xuất những tháng đầu năm đã có nhiều khởi sắc. Hiện tại cả 16 chuyền may thuộc 2 xưởng của công ty đã hoạt động, vận hành đều đặn, bảo đảm việc làm, thu nhập cho hơn 1.200 lao động. Bà Nguyễn Thị Lan, giám đốc điều hành công ty, cho biết: Công ty chuyên sản xuất hàng may mặc gia công và xuất khẩu trực tiếp đến thị trường Mỹ và một số nước châu Âu. Do dịch bệnh COVID-19, hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đã có nhiều biến động. Đã có thời gian phải thực hiện tinh giản lao động, giảm giờ làm... Tuy nhiên, từ tháng 12-2020, khi thị trường dệt may có dấu hiệu phục hồi, hoạt động sản xuất, kinh doanh của đơn vị đã có sự bứt phá trở lại bằng cách khai thông được các đơn hàng của những thị trường truyền thống và mở rộng thêm các thị trường mới. Hiện tại, công ty đã ký kết nhiều hợp đồng đến tháng 10-2021 và tiến hành tuyển thêm lao động để bảo đảm mục tiêu xuất khẩu độc lập (không qua Tổng Công ty May 10) 2 triệu sản phẩm/năm.
Tương tự với Công ty CP Chế biến nông sản Trung Thành (Nông Cống), hoạt động xuất khẩu hàng hóa đã có bước phát triển vượt bậc. Ông Lê Trường Tùng, giám đốc công ty, cho biết: Những tháng đầu năm 2021, hoạt động xuất khẩu của đơn vị đã có nhiều khởi sắc. Điều đáng mừng là hệ thống khách hàng truyền thống và khách hàng thị trường mới đã ký kết hợp đồng xuất nhập khẩu hàng hóa đến hết quý II-2021. Do đó, để hoàn thành mục tiêu xuất khẩu năm 2021 đạt 43 tỷ đồng, công ty đã liên kết xây dựng vùng nguyên liệu dứa hơn 60 ha tại các huyện Nông Cống, Yên Định, Cẩm Thủy và đầu tư một số máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Với 3 hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã ký kết là: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực đã mở ra nhiều cơ hội mới cho xuất khẩu của Việt Nam. Đồng thời, các khách hàng nước ngoài cũng có xu hướng dịch chuyển đơn hàng về nước ta nhiều hơn để sản xuất, xuất khẩu. Đó sẽ là cơ hội lớn cho hoạt động xuất khẩu hàng hóa của tỉnh Thanh Hóa sang các thị trường trong khối.
Năm 2021, bên cạnh những hỗ trợ việc kết nối cung cầu, mở rộng thị trường xuất khẩu vào những nước Việt Nam đã ký kết mà Sở Công Thương đã, đang triển khai thì bản thân các doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa của tỉnh cần tiếp tục nắm bắt và vận dụng tốt cơ hội có được từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết để khai thác, mở rộng thị trường xuất khẩu. Đồng thời, thực hiện các kênh tiếp thị trên nền tảng số, nâng cao năng lực quản trị để giảm chi phí đầu vào, qua đó tăng năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.