Tín hiệu tích cực từ ngành dệt may

Năm 2023, ngành dệt may của tỉnh gặp khá nhiều khó khăn do các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, EU, Nhật Bản đều suy giảm vì lạm phát. Hầu hết doanh nghiệp trong ngành này thiếu hụt đơn hàng, nhiều công nhân phải nghỉ việc hoặc làm việc luân phiên. Bước sang năm 2024, ngành dệt may đã dần phục hồi và trên đà tăng trưởng tích cực, khởi sắc. Theo số liệu của Sở Công Thương, 7 tháng năm 2024, các doanh nghiệp sản xuất hàng may mặc ở tỉnh đã sản xuất được gần 260 triệu sản phẩm quần, áo may sẵn, tăng 6,59% so với cùng kỳ năm trước. Sức mua hàng may mặc trên thị trường thế giới dần được cải thiện khi các thị trường lớn đã kiềm chế được lạm phát. Điều này đã giúp nhiều doanh nghiệp dệt may ký được đơn hàng đến hết quý III/2024, một số doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2024, sang năm 2025. Để bảo đảm tiến độ đơn hàng, các doanh nghiệp đã đầu tư thêm máy, bố trí tăng ca phù hợp cho người lao động.

Sản xuất tại Công ty TNHH May Thiên Sơn Hưng Yên (Tiên Lữ)

Sản xuất tại Công ty TNHH May Thiên Sơn Hưng Yên (Tiên Lữ)

Công ty cổ phần May Thống Nhất, xã Thủ Sỹ (Tiên Lữ) chuyên sản xuất hàng may mặc xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU... Năm nay, đơn hàng của công ty đạt khoảng 12 triệu sản phẩm, tăng khoảng 20% so với năm trước. Thời điểm này, công ty đã nhận đủ đơn hàng của quý I năm 2025. Khách hàng của doanh nghiệp vẫn là các thị trường truyền thống nhưng đơn hàng nhiều hơn. Hầu hết các thời điểm trong năm, doanh nghiệp đều thiếu công nhân và đăng tuyển dụng lao động liên tục. Ông Hoàng Mạnh Hùng, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần May Thống Nhất cho biết: Dù nguồn hàng dồi dào nhưng các khâu kiểm hàng, giám sát đơn hàng đều được công ty thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ. Doanh nghiệp cam kết xuất sản phẩm đúng thời gian, bảo đảm các tiêu chí của đối tác, kiên quyết không xuất sản phẩm lỗi. Hằng tháng, khách hàng đều cử chuyên gia đến nhà máy sản xuất trực tiếp kiểm tra chất lượng cùng công ty. Đơn hàng dồi dào đồng nghĩa các chế độ phúc lợi với người lao động cũng được bảo đảm.

Cùng với việc tiếp tục tăng cường biện pháp kiểm soát chặt chất lượng sản phẩm để bảo đảm uy tín, thời gian qua, Công ty TNHH May Thiên Sơn Hưng Yên (Tiên Lữ) đã linh hoạt tổ chức sản xuất, đầu tư các thiết bị công nghệ mới tăng năng suất lao động nhằm giảm chi phí nhân công… Đến thời điểm này, doanh nghiệp đã ký được đơn hàng đến hết năm 2024. Ông Vũ Thanh Tùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH May Thiên Sơn Hưng Yên cho biết: Thời gian qua, ngành dệt may gặp nhiều khó khăn, do đó doanh nghiệp phải nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay, công ty đã có đơn hàng bảo đảm cho 2.000 công nhân sản xuất đến hết năm 2024, chúng tôi còn mở rộng và đưa vào hoạt động thêm nhà máy tại huyện Phù Cừ và tỉnh Hà Nam để bảo đảm các đơn hàng cho các đối tác. Bên cạnh đó, để bảo đảm kịp tiến độ các đơn hàng, công ty đã bổ sung nhiều loại máy hiện đại, tự động như máy lập trình, ép là, cắt trải vải, cấp cúc, hệ thống chuyền treo… Xác định việc sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường là hướng đi bền vững, công ty đang hướng đến việc sản xuất xanh, sử dụng điện năng lượng mặt trời, giảm thiểu khí thải ra môi trường nhằm tăng sức cạnh tranh với các doanh nghiệp khác.

Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 90 doanh nghiệp dệt may quy mô từ 100 lao động trở lên. Tổng số lao động đang làm việc trong lĩnh vực dệt may trên địa bàn đạt khoảng 40.000 người. Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho biết: Từ cuối năm 2023, tình hình sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp may thuận lợi hơn. Từ đầu năm 2024 đến nay, hầu hết lượng đơn hàng của các doanh nghiệp đều tăng từ 20-30% so với thời điểm đầu năm 2023. Tuy nhiên, theo đánh giá của Hiệp hội Dệt may Việt Nam, dù có tín hiệu khả quan nhưng tốc độ tăng trưởng của ngành may mặc vẫn chậm và chưa bền vững. Thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng tăng cao nên đơn hàng may mặc cũng vì thế tăng lên. Đơn hàng tăng theo tính thời vụ chỉ phản ánh một phần tình hình sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp may. Vì thế, để duy trì sản xuất, bảo đảm việc làm và thu nhập ổn định cho công nhân, lao động, các doanh nghiệp cần linh hoạt điều hành sản xuất, kinh doanh nhằm giảm chi phí, tăng chất lượng sản phẩm; từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ngoài ra, doanh nghiệp cần chủ động về nguồn nguyên liệu để đáp ứng kịp thời yêu cầu sản xuất, tận dụng tốt các cơ hội để giảm bớt áp lực, chờ thị trường hồi phục hoàn toàn.

Phạm Đăng

Nguồn Hưng Yên: http://baohungyen.vn/tin-hieu-tich-cuc-tu-nganh-det-may-3174775.html