Tín hiệu 'từ cõi chết' tiết lộ những hành tinh gây sửng sốt
Ở nơi chết chóc nhất Ngân Hà, các nhà khoa học đã bắt được tín hiệu ngoài dự kiến từ những đĩa tiền hành tinh.
Một nghiên cứu vừa được công bố trên tạp chí khoa học Astronomy & Astrophysics cho thấy các hành tinh trong thiên hà Milky Way (Ngân Hà) của chúng ta có thể trú ngụ cả ở những nơi cực đoan, chết chóc nhất.

Một ngôi sao bị bao vây bởi đĩa tiền hành tinh, nơi các hành tinh non sẽ ra đời - Ảnh đồ họa: NASA
Theo Sky and Telescope, "vườn ươm" hành tinh gây sửng sốt đã được phát hiện tình cờ khi một nhóm các nhà thiên văn học quan sát Vùng phân tử trung tâm (CMZ) của thiên hà.
Đó là một vùng mây khí dày đặc trong phạm vi 800 năm ánh sáng tính từ trung tâm thiên hà, tức nằm quanh lỗ đen quái vật Sagittarius A*.
CMZ chứa khối lượng khí tương đương 60 triệu Mặt Trời, ấn tượng trong một phức hợp các đám mây khổng lồ chứa gần 80% tất cả các loại khí dày đặc trong thiên hà.
Tuy nhiên, với lượng bức xạ cực đoan mà lỗ đen quái vật trung tâm phát ra, người ta cho rằng khó lòng có thứ gì có thể hình thành ở khu vực này.
Các ước tính trước đây cho thấy một số ngôi sao cũng có thể vượt qua thử thách khắc nghiệt để ra đời bên trong CMZ, nhưng tốc độ hình thành sao nói chung ở đây vẫn kém hơn 10 lần so với các khu vực xa hơn trong đĩa thiên hà.
Hệ thống quan sát vô tuyến siêu mạnh ALMA đặt trên "sa mạc tử thần" Atacama của Chile đã chứng minh điều ngược lại.
Theo nhóm nghiên cứu đẫn dầu bởi TS Fengwei Xu từ Đại học Bắc Kinh (Trung Quốc), những quan sát trước đây dựa trên sự phát xạ từ các ngôi sao lớn, dễ quan sát hơn nhưng hiếm hơn.
Thay vào đó, khảo sát ALMA thăm dò sự hình thành của các ngôi sao có khối lượng nhỏ hơn, khoảng gấp đôi Mặt Trời.
Tín hiệu nhóm nghiên cứu nhận được ánh sáng vô tuyến từ những chấm đỏ nhỏ bí ẩn, ngoạn mục.
Các bước phân tích chỉ ra rằng đó là các đĩa tiền hành tinh của những ngôi sao non trẻ, đường kính khoảng 50-200 AU.
Mặt Trời của chúng ta từng có chiếc đĩa như thế vào thời trẻ, là nơi mà Trái Đất và các hành tinh khác ra đời.
Rất nhiều chấm đỏ nhỏ được phát hiện trong CMZ đồng nghĩa với rất nhiều "vườn ươm" đang tồn tại, nhiều cái trong số đó có thể đã xuất hiện các hành tinh non trẻ.
Vẫn cần thêm các quan sát chi tiết hơn để xác định rõ ràng bản chất của các vật thể này, nhưng phát hiện này đã đủ chứng minh vùng CMZ có thể không chết chóc và hoang vắng như khoa học từng nghĩ.