Tín hiệu vui của dệt may xuất khẩu
Tháng 7/2024, kim ngạch xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 4,29 tỷ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 16,1% so với tháng trước.
Theo báo Công Thương, đây là tháng đầu tiên trong năm 2024 kim ngạch xuất khẩu dệt may vượt mốc 4 tỷ USD và cũng là tháng có kim ngạch cao nhất từ tháng 8/2022.
Về cơ cấu nhóm hàng xuất khẩu, hàng xơ sợi dệt đạt 373,3 triệu USD, giảm 2,7% so với cùng kỳ, tăng 6% so với tháng trước; hàng dệt may đạt 3,71 tỷ USD, tăng 13,7% so với cùng kỳ, tăng 17,6% so với tháng trước; vải mành, vải kỹ thuật khác đạt 68,2 triệu USD, tăng 34,7% so với cùng kỳ, tăng 7% so với tháng trước; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 135 triệu USD, tăng 17,2% so với cùng kỳ và tăng 10,1% so với tháng trước
Lũy kế 7 tháng năm 2024, xuất khẩu dệt may Việt Nam đạt 23,9 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ, tương ứng với mức tăng 1,33 tỷ USD, trong đó: Hàng xơ sợi dệt đạt 2,53 tỷ USD, tăng 3,5% so với cùng kỳ; hàng dệt may đạt 20,2 tỷ USD, tăng 6,3% so với cùng kỳ; vải mảnh, vải kỹ thuật khác đạt 458 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ; nguyên phụ liệu dệt, may, da, giày đạt 878 triệu USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ.
Theo VTV, hiện, Việt Nam xuất khẩu hàng dệt may sang 113 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng thị trường xuất khẩu chính ngành dệt may của Việt Nam vẫn là Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc.
Từ nay cho đến cuối năm là mùa cao điểm mua sắm, các doanh nghiệp đang nỗ lực đưa ra nhiều sản phẩm mới về chất liệu, mẫu mã, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của đối tác, để đạt mục tiêu xuất khẩu của ngành là 44 tỷ USD năm nay.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, dù kết quả xuất khẩu dệt may của Việt Nam có khả quan, nhưng tình hình kinh tế thế giới đang có nhiều biến động, sẽ tác động đến các ngành hàng xuất khẩu; trong đó, có ngành dệt may.
Hiện doanh nghiệp trong nước đang thiếu thông tin về những biện pháp kỹ thuật này, như: Đạo luật chống lao động cưỡng bức người Ngô Duy Nhĩ của Mỹ, đạo luật tra soát chuỗi cung ứng của Đức, chỉ thị tra soát chuỗi cung ứng của EU...
Trước những khó khăn trên, tại Hội nghị Giao ban xúc tiến thương mại tháng 7/2024 của Bộ Công Thương, đại diện Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) đã đề nghị Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, nhất là tại những địa bàn là thị trường xuất khẩu lớn của ngành nắm bắt thông tin, cảnh báo sớm để doanh nghiệp trong nước có biện pháp ứng phó.
Bên cạnh đó, để tham gia vào chuỗi cung ứng, VITAS khuyến cáo, các doanh nghiệp dệt may phải thay đổi chiến lược sản xuất thông qua cải tiến quy trình, đổi mới máy móc thiết bị, công nghệ, ứng dụng tự động hóa các khâu sản xuất nhằm nâng cao chất lượng, công suất sản xuất, linh hoạt đáp ứng các đơn hàng nhỏ, đa dạng sản phẩm.
Ngoài việc cắt giảm chi phí và thời gian sản xuất, doanh nghiệp cũng phải chú trọng đến việc lựa chọn các nguyên vật liệu than thiện với môi trường, có khả năng tái chế phù hợp với xu hướng kinh tế tuần hoàn. Doanh nghiệp cũng phải đa dạng hóa thị trường, khách hàng; linh hoạt, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu đa dạng của người mua mới có thể duy trì và phát triển lâu dài, TTXVN đưa tin.
Minh Hoa (t/h)