Tín hiệu vui từ cây ăn quả tại Mường Ảng
ĐBP - Chuẩn bị bước vào mùa hoa quả hè, nông dân Mường Ảng khấp khởi mong chờ vụ thu hoạch đầu tiên của những diện tích xoài thuộc dự án do huyện đầu tư. Sau 3 năm vun trồng, xoài đã ra quả đồng loạt, sai quả, hứa hẹn tin vui. Các loại cây ăn quả khác được đầu tư trên địa bàn cũng sinh trưởng, phát triển tốt, bước đầu tạo vùng chuyên canh, từ đó thay đổi tư duy sản xuất truyền thống, xóa đói giảm nghèo của người dân.
Ông Tòng Văn Ông, bản Co Nỏng, xã Búng Lao chăm sóc diện tích xoài Ðài Loan cho quả vụ đầu tiên.
Khoảng 480 gốc xoài Ðài Loan của gia đình ông Tòng Văn Ông, bản Co Nỏng, xã Búng Lao đã ra chi chít quả non. Do loạt cây này trồng từ năm 2018, cây mới cao quá đầu người nên theo đúng kỹ thuật, vụ đầu tiên được để giới hạn 10 quả/cây. Ông Tòng Văn Ông cho biết: “Quả sai quá, tỉa đi mà tiếc. Năm ngoái cây ra bói, tôi cũng để thử một vài quả, quả rất to, ngon, ngọt, mọi người đều đánh giá tốt. Vì vậy vụ này cho thu đồng loạt hi vọng năng suất lẫn chất lượng đều cao, được thị trường đón nhận”. Ngoài số cây trên, gia đình ông còn 2.000 gốc xoài chưa cho thu hoạch và nhiều cây cam, bưởi bắt đầu cho quả với tổng diện tích 1,8ha. Trước đây, đất vườn, nương này được gia đình ông trồng ngô, sắn nhưng sau nhiều năm năng suất thấp nên chuyển sang trồng mía. Ðến khi người dân Búng Lao ồ ạt trồng mía, giá thấp, khó bán thì ông đăng ký tham gia dự án trồng cây ăn quả với mong muốn tìm được hướng đi lâu dài trong phát triển kinh tế, sử dụng đất nông nghiệp hiệu quả.
Tại xã Búng Lao, không riêng nhà ông Tòng Văn Ông mà các diện tích xoài khác đều đậu quả nhờ thời tiết, khí hậu và người dân chăm sóc đúng kỹ thuật. Ngoài xoài thì Búng Lao cũng phát triển cây cam, bưởi. Cây ăn quả được trồng tập trung theo khu, chủ yếu tại các bản: Hồng Sọt, Nà Dên, Nà Láu, Xuân Tre. Ông Lò Văn Thi, Chủ tịch UBND xã Búng Lao cho biết: Không tính đầu tư của doanh nghiệp (Công ty Quang Hà triển khai theo kế hoạch hơn 200ha) thì trên địa bàn xã đã phát triển 60ha cây ăn quả theo cơ chế liên kết sản xuất, tiêu thụ. Ðây là năm đầu tiên xoài cho thu hoạch đồng loạt, sản lượng khá lớn, xã liên hệ với đơn vị tham gia dự án để có ký kết cụ thể về bao tiêu. Trên địa bàn xã cũng còn nhiều hộ dân có ý định mở rộng diện tích trồng cây ăn quả, xã tiếp tục rà soát diện tích và loại cây trồng phù hợp, liên kết triển khai các dự án để đảm bảo năng suất và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.
Từ năm 2018 đến nay, UBND huyện Mường Ảng đã triển khai nhiều dự án liên kết sản xuất trong trồng và tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả thuộc Chương trình Mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp. Các loại cây ăn quả được trồng chủ yếu là xoài Ðài Loan, bưởi da xanh và chanh leo. Ngoài chanh leo đã cho thu hoạch 2 năm, sản lượng ước đạt 345 tấn quả/năm thì hầu hết xoài và bưởi đang trong giai đoạn chăm sóc, bảo vệ, bước đầu cho thu hoạch. Ðến hết năm 2020, diện tích cây ăn quả thuộc các dự án liên kết theo chuỗi của Mường Ảng là 177,79ha. Một số diện tích nhỏ bị cắt đầu tư do bị sâu, bệnh hại, công tác chăm sóc, bảo vệ của một số hộ chưa tốt, tưới ẩm chưa đảm bảo. Ông Lù Văn Cường, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mường Ảng cho biết: Qua kiểm tra, rà soát đối với các chuỗi cây ăn quả xoài Ðài Loan, bưởi da xanh cơ bản phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng trên địa bàn, sinh trưởng và phát triển bình thường. Ðối với diện tích trồng năm 2018, 2019 tỷ lệ cây sống đạt trên 80%, bắt đầu cho quả bói với chất lượng quả tốt; diện tích trồng năm 2020 tỷ lệ cây sống đạt trên 90%. Một số diện tích có tỷ lệ cây sống thấp đã được trồng giặm đảm bảo diện tích và tỷ lệ.
Mới cho bói quả, có thể thu hoạch hàng loạt trong năm nay, vì vậy chưa đánh giá được hiệu quả nhưng các dự án hỗ trợ theo chuỗi giá trị liên kết và tiêu thụ cây ăn quả triển khai tại huyện Mường Ảng đã bước đầu thay đổi nhận thức cho một bộ phận hộ dân tham gia từ chuyển đổi sản xuất truyền thống sang sản xuất hàng hóa. Ðồng thời áp dụng quy trình kỹ thuật vào sản xuất nhằm nâng cao năng suất, sản lượng nông sản; phát huy tiềm năng cây trồng chủ lực, phù hợp với lợi thế của địa phương.