Tin hoạt động của các công ty năng lượng trong tuần qua (5-11/9)
Shell và Exxon bán liên doanh khí tự nhiên lớn nhất và lâu đời nhất châu Âu; Eni cam kết đầu tư mạnh vào thượng nguồn; Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nigeria thuê cựu phiến quân chống trộm dầu… là những tin tức nổi bật của các tập đoàn năng lượng quốc tế tuần qua.
Hôm 9/9, Chính phủ Indonesia cho biết muốn thành lập một liên doanh để tiếp quản 35% cổ phần từ Shell trong dự án khí đốt Masela, khi ông lớn dầu khí Anh có ý định rút khỏi Masela. Ông Bahlil Lahadalia - Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Indonesia cho biết, Shell muốn thoái vốn khỏi dự án trị giá 20 tỷ USD và bán lại tài sản cho một liên doanh gồm công ty năng lượng quốc gia Pertamina Hulu Energi, quỹ tài sản quốc gia Indonesia Investment Authority (INA) và nhiều công ty khác.
Dự án khí đốt Masela còn có tên gọi là Abadi LNG. Hiện nay, công ty năng lượng Nhật Bản Inpex kiểm soát 65% dự án. Dự kiến Inpex sẽ thực hiện khoản đầu tư cuối cùng vào Masela trong nửa sau của thập kỷ này. Tổng thống Indonesia nhận định thị trấn Saumlaki thuộc quần đảo Tanimbar là địa điểm thích hợp cho dự án vì đã có cơ sở hạ tầng cơ bản. Ông Arya Dwi Paramita - Phát ngôn viên của đơn vị thượng nguồn Pertamina cho biết công ty đang xem xét tất cả các khả năng để tăng sản lượng khí đốt, bao gồm cả việc phát triển dự án Masela.
Ngày 9/9, Công ty dầu khí Eni (Ý) đã đạt được thỏa thuận với BP trong việc mua lại danh mục tài sản trong phân khúc thượng nguồn ở Algeria, bao gồm khu vực nhà máy xử lí khí đốt In Amenas và In Salah. Hiện chưa có thông tin tài chính cụ thể của giao dịch này. BP nắm giữ 45,89% cổ phần của In Amenas và 33,15% cổ phần của In Salah. Trong năm 2021, hai nhà máy này sản xuất tổng sản lượng 11 tỷ m3 khí cũng như 12 triệu thùng khí ngưng tụ và khí hóa lỏng (LPG). In Amenas và In Salah cũng chiếm 15% lượng khí đốt xuất khẩu của Algeria. Eni cho biết: “Với giao dịch này, Eni sẽ gia tăng thêm danh mục tài sản ở Algeria và sản lượng khí đốt sản xuất được. Gần đây, chúng tôi đã có cổ phần trong dự án Berkine Sub và lô 404/208. Đây là một thương vụ có giá trị chiến lược lớn”. Gần đây, với tham vọng hỗ trợ nhu cầu năng lượng toàn châu Âu, Eni đã đề ra nhiều sáng kiến đa dạng hóa các nguồn cung khí đốt cho lục địa. Củng cố sự hiện diện của Eni tại Algeria - nhà sản xuất khí đốt hàng đầu châu Phi trong năm 2021 với sản lượng sản xuất ước tính đạt 100,8 tỷ m3, là một phần của tham vọng này.
Tham vọng này cũng nằm trong khuôn khổ hoạt động chuyển dịch năng lượng của Eni. Nhiều tập đoàn đa quốc gia khác như BP (Anh) và ExxonMobil (Mỹ) đang cố gắng giảm phát thải CO2 trong mọi hoạt động dầu khí trên toàn thế giới. Hiện Eni đang chờ sự phê duyệt của các cơ quan chức năng Algeria và các bên liên quan.
Vì giá năng lượng bùng nổ và bối cảnh căng thẳng với Nga, hai gã khổng lồ dầu khí Shell (Anh) và ExxonMobil (Mỹ) đã quyết định rao bán liên doanh khí tự nhiên lớn nhất và lâu đời nhất châu Âu.
Theo đó, hai gã khổng lồ năng lượng lớn của phương Tây sẽ bán liên doanh NAM ở Hà Lan, dự báo thu về hơn 1 tỷ USD. Hiện mỗi bên giữ 50% cổ phần. Động thái này nằm trong kế hoạch loại bỏ những tài sản cũ không còn thiết yếu đối với hoạt động kinh doanh của hai công ty.
Shell và Exxon đã bắt đầu quá trình bán phần tài sản khí đốt ngoài khơi của NAM, bao gồm hàng chục mỏ và khoảng 20 giàn khoan ngoài khơi, cũng như mạng lưới đường ống và 3 nhà máy xử lý.
Theo tài liệu rao bán, những tài sản ngoài khơi và trên bờ của NAM có thể sản xuất khoảng 2,4 triệu mét khối khí/ngày trong năm 2021, với tiềm năng sản lượng đạt 2,8 triệu mét khối khí/ngày nếu được đầu tư thêm. Tuy nhiên, liên doanh có một số tài sản gần đến tuổi thọ, đòi hỏi chi phí đáng kể cho hoạt động làm sạch và tháo dỡ về sau. Gói tài sản này cũng bao gồm cổ phần của NAM trong ba nhà máy xử lý khí tại Den Helder (xử lý 53% tổng lượng khí sản xuất ngoài khơi Hà Lan) và một số đường ống. Những tài sản này có giá trị ước tính từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ USD. Trong những tháng gần đây, giá khí đốt biến động liên tục trong dài hạn khi Nga hạn chế xuất khẩu khí đốt sang khách hàng chính của mình là châu Âu, nhằm đáp trả những lệnh trừng phạt từ phía phương Tây. Do vậy, hai công ty gặp khó khăn trong việc định giá khối tài sản trên. Tuy nhiên, Shell và Exxon hy vọng lượng tài sản của liên doanh Hà Lan này sẽ thu hút được châu Âu. Hiện nay, lục địa già đang chú tâm vào vấn đề điện lực trong nước. Vào tháng 10/2021, khi chính phủ Hà Lan quyết định cho ngưng hoạt động mỏ Groningen, NAM đã công bố dự định bán các mỏ dầu và khí đốt trong khu vực vào những năm tới.
Tập đoàn năng lượng Ý Eni có kế hoạch đầu tư khoảng 4,5 tỷ euro (4,47 tỷ USD) mỗi năm vào các hoạt động thượng nguồn từ nay đến năm 2025, tập trung vào một số quốc gia, phó giám đốc điều hành của tập đoàn cho biết hôm thứ Ba. Ông Cristian Signoretto cho biết tại hội nghị Gastech ở Milan: “Chúng tôi hoàn toàn cam kết đầu tư 4,5 tỷ mỗi năm vào thượng nguồn để đưa nguồn cung cấp khí đốt mới lên mạng lưới”. Ông Signoretto đề cập đến sự phát triển của các dự án LNG ở Qatar và Congo, cũng như ở Ai Cập và Algeria, nơi Eni đã có mặt từ lâu. Signoretto nói thêm: “Indonesia là một khu vực khác mà chúng tôi đang đầu tư mạnh mẽ”. Trong kế hoạch chiến lược 2022-2025, được công bố vào tháng Hai vừa qua, Eni cho biết họ sẽ đầu tư trung bình 7 tỷ euro mỗi năm vào các hoạt động khác nhau của mình.
Tập đoàn Dầu khí quốc gia Nigeria (NNPC) tuần qua đã ký hợp đồng bảo an với cựu nhóm phiến quân Tompolo để giải quyết vấn nạn trộm dầu – một phần nguyên nhân khiến xuất khẩu giảm.
Trong những năm 2000, Tompolo đã lãnh đạo Phong trào Giải phóng Đồng bằng Niger (MEND). Vào thời điểm đó, các cuộc tấn công vào các công ty dầu mỏ đã làm tê liệt hoạt động sản xuất của đất nước. Cụ thể, các vụ trộm cắp và phá hoại đường ống đã ngăn cản hoạt động sản xuất và xuất khẩu hàng ngày của Nigeria. Hậu quả, sản lượng xuất khẩu của Nigeria giảm mất 500.000 thùng/ngày, xuống còn 1,4 triệu thùng/ngày. Ngoài việc bị tấn công, các đường ống dẫn dầu cũng thường xuyên bị ngưng hoạt động vì lý do bảo trì. Cuối cùng, có khoảng một phần mười lượng dầu bị chuyển đến các nhà máy lọc dầu bất hợp pháp. Hệ quả: Nigeria không đáp ứng được hạn ngạch sản xuất dầu của OPEC.
Để khắc phục những vấn đề này, NNPC đã hợp tác với nhóm cựu phiến quân Tompolo. Hay được biết đến với tên gọi Government Ekpemupolo, tổ chức này đã dẫn dắt phong trào MEND, mở các cuộc tấn công vào các cơ sở hạ tầng dầu mỏ. Vào cuối năm 2015, NNPC, cũng như các công ty quốc tế như Shell hay Eni đều chịu ảnh hưởng bởi các cuộc tấn công này.
Paul Bebenimibo - người phát ngôn của Tompolo, cho biết các đường ống ở các bang Bayelsa, Delta, Edo, Ondo và Imo sẽ được bảo vệ. Ông cũng kêu gọi người dân trong khu vực ngừng ăn cắp dầu và nhận làm các công việc giữ an ninh đường ống. Công ty bảo mật Global West do Tempolo sở hữu sẽ chịu trách nhiệm hoạt động bảo toàn an ninh. Các công ty khác như Ocean Marine Solutions, Labrador Security Outfit, Asari Dokubo cũng tham gia. Công ty thứ năm chưa được xác nhận.