Tin mừng từ kênh đào Suez

Thị trường vận tải biển vẫn gặp thách thức trong những tháng tới do lịch trình bị gián đoạn và làn sóng hàng hóa đổ dồn vào các cảng sau vụ tắc nghẽn kênh đào Suez

Cơ quan quản lý kênh đào Suez của Ai Cập (SCA) hôm 29-3 cho biết tàu container Ever Given chắn chéo tuyến đường thủy quan trọng nối Á - Âu trong gần một tuần qua đã nổi hoàn toàn và giao thông trên kênh đào đã trở lại bình thường. Các tàu kéo đã nỗ lực trong vài giờ để kéo phần mũi của con tàu sau khi phần đuôi được di chuyển xa khỏi bờ trước đó cùng ngày.

Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah al-Sisi cho hay nước này đã chấm dứt thành công cuộc khủng hoảng tàu container mắc cạn ở kênh đào Suez, đồng thời trấn an cộng đồng quốc tế về hoạt động trên tuyến vận tải hàng hải nhộn nhịp hàng đầu thế giới này. Theo kênh Al Jazeera, Giám đốc SCA cho hay kênh đào Suez sẽ mở cửa trở lại trong vòng 24 giờ sau khi tàu Ever Given được giải cứu nhưng không cho biết thời gian cụ thể.

Hơn 400 con tàu đã neo chờ ở cửa ngõ kênh đào Suez sau khi tàu hàng Ever Given mắc cạn trong gió lớn từ hôm 23-3. SCA cho biết đội nạo vét đào khoảng 27.000 m3 cát bám chặt hai bên mạn tàu, xuống độ sâu khoảng 18 m để tạo lối di chuyển cho con tàu mắc cạn. Mũi tàu bị hư hỏng một phần nhưng toàn bộ kết cấu tàu được cho là vẫn ổn định. Khoảng 14 tàu kéo được triển khai để kéo đẩy tàu Ever Given từ cả hai phía.

SCA cho hãng tin Reuters hay hoạt động kéo con tàu trở lại đúng hướng tiếp tục diễn ra khi thủy triều lên vào cuối ngày 29-3. Giao thông qua kênh đào Suez sẽ được nối lại một khi tàu Ever Given được đưa đến hồ nước mặn Great Bitter ở giữa kênh đào Suez, khu vực có chiều rộng lớn hơn.

Tàu Ever Given được kéo ra khỏi bờ và di chuyển đúng hướng ngày 29-3. Ảnh: Reuters

Tàu Ever Given được kéo ra khỏi bờ và di chuyển đúng hướng ngày 29-3. Ảnh: Reuters

Tập đoàn vận tải biển lớn nhất thế giới Maersk (Đan Mạch) ước tính có thể mất vài tuần hoặc vài tháng để giải quyết hậu quả sau sự cố mắc kẹt của con tàu dài 400 m. Trước đó, theo Reuters, ông Peter Berdowski, Giám đốc Công ty Boskalis (Hà Lan), cho rằng thông tin tàu Ever Given nổi một phần là tích cực nhưng để kéo con tàu nổi trở lại hoàn toàn không phải chuyện dễ dàng. Ông Berdowski chỉ ra thách thức lớn nhất là phần đầu tàu. Boskalis là công ty mẹ của Smit Salvage - đơn vị hỗ trợ giải cứu tàu Ever Given.

Ông Berdowski cho hay dưới mũi tàu sẽ được bơm nước áp suất cao để loại bỏ đất cát nhưng trong trường hợp nỗ lực này bất thành, các container hàng hóa có thể bị dỡ xuống cho tàu nhẹ bớt, động thái có thể gây ra sự chậm trễ đáng kể.

Theo hãng tin Bloomberg, các chuyên gia vận tải biển dự báo thị trường vận tải biển sẽ căng thẳng hơn nữa trong những tháng tới do lịch trình bị gián đoạn và làn sóng hàng hóa không đồng đều đổ vào các cảng. Chuyên gia Lars Jensen của hãng tư vấn SeaIntelligence Consulting (Đan Mạch) nhận định: "Hàng loạt tàu hàng đã phải chuyển hướng hoặc bị chậm lịch cập cảng, tạo ra ảnh hưởng dây chuyền đến toàn ngành trong vài tháng tới".

Hãng Maersk ước tính khi tàu Ever Given được giải phóng sẽ phải mất ít nhất 6 ngày để toàn bộ số tàu thuyền đang tắc nghẽn đi qua kênh đào Suez trong khi phía Ai Cập cho rằng số ngày là 3,5. Maersk và các đối tác có 3 tàu tắc nghẽn trong kênh, 29 chiếc khác đang chờ vào kênh và 15 tàu đã di chuyển về phía Nam châu Phi.

Việc tàu Ever Given bị mắc cạn đang làm ách tắc khoảng 9,6 tỉ USD hàng hóa mỗi ngày giữa châu Á và châu Âu. Nghiên cứu từ công ty bảo hiểm Đức Allianz cho biết kênh đào uez bị tê liệt có thể gây thiệt hại thương mại toàn cầu khoảng 6-10 tỉ USD/tuần.

Việt Nam không bị ảnh hưởng lớn

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), hiện vẫn chưa có thông tin nào về việc hàng hóa của doanh nghiệp thủy sản Việt Nam có trên tàu Ever Given nên chưa thể đánh giá thiệt hại. "Vấn đề dễ thấy là hàng hóa trên các tàu qua kênh đào Suez sẽ bị giao trễ. Nhưng đây không phải là lỗi của doanh nghiệp xuất khẩu nên hy vọng sẽ không bị khách hàng phạt" - ông Hòe nói.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Vina T&T, cũng cho biết việc kẹt kênh đào Suez trong 1 tuần qua chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu tuyến đi châu Âu, khiến chi phí tăng lên do hàng ùn ứ, hàng đến cảng trễ. "Về cước vận chuyển đường tàu biển sang Mỹ, các hãng tàu thông báo giá cước tăng lên 50 USD/container (hơn 1%) trong thời gian từ ngày 1 đến 14-4 và doanh nghiệp không biết giá cước 2 tuần tiếp theo sẽ thế nào" - ông Tùng băn khoăn.

Trong khi đó, đại diện hãng tàu Evergreen tại Việt Nam cho hay dù tàu Ever Given đã được giải cứu nhưng hành trình của những tàu khác vẫn bị ảnh hưởng, chi phí chắc chắn sẽ tăng. Hải quan cảng Sài Gòn khu vực 1 (Cát Lái) cũng xác nhận vài ngày qua đã có tình trạng giảm đơn xuất khẩu và nhập khẩu liên quan đến việc nghẽn kênh đào Suez nhưng mức độ không quá lớn. Có một số doanh nghiệp xuất hàng đi châu Âu lo ngại hàng đến chậm lại nhưng hiện đã ổn.

Ng.Ánh - S.Nhung

XUÂN MAI

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/tin-mung-tu-kenh-dao-suez-2021032922085736.htm