Tín ngưỡng thờ cây si của người Mường
Người Mường không có tục thờ cây si riêng rẽ như người Việt ở các vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ mà thờ cây si luôn gắn với việc cúng vía. Có hơn chục loại cúng vía khác nhau, nhưng chỉ có cúng vía cho người già (la̒ mṷ thố), cúng vía cho trẻ thơ, cho người còn sống khi anh em hoặc chị em có người mất (mṷ thắi) thì mới cúng đến cây si (lêênh khi). Bài viết này chỉ giới thiệu bài cúng vía tiêu biểu là Mụ thố: Vía cho người già từ 60 tuổi trở lên. Dưới tuổi đó không làm Mụ thố.
Người Mường quan niệm cây si là cây vũ trụ, cây thần, là cây được nói đến đầu tiên trong Đẻ đất - Đẻ nước. Nếu vật tổ của con người là một loài chim (chim Ân cái Ứa đẻ ra Trứng Tiếng) thì vía của con người là cây si. Mỗi con người sống tương ứng với một nhành si ở trên trời do thần vía nhà trời là mụ chăm si giữ. Khi con người khỏe mạnh, nhành si tươi tốt. Khi con người ốm yếu, nhành si lay gốc, úa tàn, héo hon. Vì thế khi người già ốm yếu, phải làm lễ vía kéo si cho thẳng gốc lại thì người già mới khỏi ốm. Khi đã có những biểu hiện ốm nặng, sắp đến ngày tận số thì làm vía (la̒ mṷ thố) để xin số, xin tăng tuổi thọ lên. Xin ba ông kem cầm sổ cầm trạng thay số, thêm tuổi cho người đang ốm có nguy cơ đi xa.
Trong tâm thức của người Mường, cây si là sinh vật ra đời đầu tiên, khai sinh cùng với Đẻ đất - Đẻ nước. Vì thế cây si trở nên thiêng liêng, lâu bền trong ký ức của họ.
Tự nhiên thấy/Đất đen ra đày miệng ang/Đất vàng ra đầy miệng bát, miệng đĩa/Phất phơ cây si mọc/Lóc ngóc cây si đã lên/Ban sáng bằng cái chày/Ban trưa nửa ngày to bằng đụn mười bốn/Ngọn bằng đụn mười ba/Chia cành ra nhánh, cánh là xum xuê/Ra bốn mươi rễ, bảy mươi cành, mươi ngọn/Gốc cây si ăn sâu dưới đất/ Ngọn cao khuất cả mường trên núi, trên trời/Con rồng đen leo theo cây si/Lên ăn mặt trăng sáng/Con rồng trắng leo theo cây si/Ăn hết nửa mặt trời/Mặt trời bừng bừng cơn tức, hừng hực cơn giận/Dậy cạp mỏ sắt gang cho miệng con sâu/Để con thì ăn da, con thì ăn trong/ Con moi lòng, móc lõi/Đổ cây si xuống rậm/Đâm cây si xuống rộc... (Mo Mường).
Rồi cây si khác lại mọc lên, đẻ cành ra nhánh, chim Ân cái Ứa đậu cành cây si, đẻ ra Trứng Tiếng, mang trứng vào ấp trong núi vách vàng hang ma, đẻ ra loài người… Quan niệm của người Mường cho rằng con người ta có hồn có vía. Vía luôn tồn tại ở trong thân, trong mình gọi là vía hộp, bốn mươi vía bên phải, năm mươi vía bên trái, còn phần vía ở trên trời do mụ chăm si giữ gọi là chúa vía.Khi người già ốm yếu, phải lên si và làm lễ kéo si cho người già khỏe lại.
Cúng vía nói chung và cúng vía cho người già nói riêng đã có từ lâu đời, đến nay vẫn còn phổ biến trong các vùng dân tộc Mường sinh sống như: Sơn La, Yên Bái, Nghĩa Lộ, Phú Thọ, Hòa Bình, Thanh Hóa, Đắk Lắk, Lâm Đồng…
Lễ cúng vía cho người già thường là làm vào chiều tối tại gia đình, với quan niệm là thời điểm ấy vía mới về (sáng đi tối về). Toàn thể con cháu, một số người trong họ hàng cùng chủ lễ là thầy cúng vía tề tựu đông đủ. Không gian lễ trước đây trong ngôi nhà sàn bằng gỗ, hiện nay đa số là nhà xây hoặc nhà sàn bê tông kiên cố. Trước đó vài hôm, gia đình đã bàn nhau thống nhất, có sự chuẩn bị chu đáo, chủ động mời thầy cúng định ngày làm lễ.
Mâm cỗ bằng thịt gà, vịt chặt miếng xếp vòng tròn bày trên mâm lót lá chuối. Trên cỗ còn có cơm nếp, chai rượu, đĩa muối, đĩa trầu cau, tiền âm, tiền dương, hương, bát nước, cái tăm đặt ngang trên bát nước.
Bên cạnh đặt tấm vải, quần áo người ốm, rổ đựng bó gai gồm 12 loại gai, bát gạo tẻ… Khi quan sát thấy các thứ đủ đầy, thầy cúng mặc đồ, lúc đầu đội áo, đốt hương khấn: Nêu lý do làm vía; nhờ gạo đi gọi vía về; nhờ thần Thông Chiết, Thông Cảo gọi vía về: Nêu nội dung Đẻ đất - Đẻ nước, nước lụt nước cạn; Tiên sư thầy cúng và thần Thông Chiết, Thông Cảo lên trời gọi vía về. Mời xong, thầy cúng đánh quẻ âm dương xem vía đã về đến nơi chưa thể hiện qua miếng tre 3 sấp 1 ngửa hoặc 1 sấp 3 ngửa (số lẻ); mời các vị thần linh và vía ăn 8 lễ cơm.
Đến phần kéo si, tức là dựng vía người ốm lại cho ngay ngắn thì đặt tóm lúa nằm đổ ra phía ngoài cửa, cắm nhành si lên đầu tóm lúa, dùng dây buộc vào tóm lúa hoặc đặt tóm lúa lên lưỡi cuốc nhỏ chuyên dùng đi làm cỏ nương mà người ta gọi là "kéo”. Thầy mo đội nón, thắt bao dao, cùng con cháu kéo dây một cách tượng trưng nhưng rất long trọng và linh thiêng từ ngoài vào trong, vừa kéo vừa cúng:
"Phải năm gió đánh từ rậm đầm cốc, từ rộc ao sang/Đánh đổ cây si bố (mẹ) bay xuống rậm/Đánh đâm cây si bố (mẹ) bay xuống rộc/Kêu hết đàn con trai, con gái, nàng các chàng/Hàng con dâu, con rể/Kéo cây si lại cho lành/Kéo cây sanh lại cho cứng/Dựng cây si lại cho tốt cho lành/Xanh lá gốc lá ngọn/Chim bịp bay qua đập không gãy một nhành/Chim khiếu bay qua đập không rơi một lá/Tốt lá nhành, xanh là gốc lá ngọn/Cành lớn rì rào, cành cao ngất ngưởng”.
Đến đây, cả thầy cúng cùng con cháu đồng thanh hô lên một tiếng "ới ơi”! và kết thúc việc kéo si. Sau đó mời các vị thần linh và vía ăn 2 lễ cơm nữa cho đủ 10 lễ. Khi đã no say, ổn thỏa thì mời các vị thần linh và mụ thố về trời.
Lễ thức trên thể hiện nhân sinh quan và thế giới quan của người Mường từ ngàn xưa và tồn tại đến ngày nay. Nó thể hiện sự quan tâm, hiếu kính của con cháu đối với ông bà, cha mẹ. Lễ thức một lần nữa nói lên rằng, con người có hồn có vía, cần phải làm cho tinh thần (hồn vía) khỏe mạnh, thoải mái thì con người mới khỏe mạnh. Mặt khác, về phía người ốm, được mọi người trong gia đình, họ hàng đến động viên cả về vật chất và tinh thần thì thấy yên tâm hơn, vui vẻ, phấn chấn, khỏe mạnh trở lại. Ở góc độ này thì đây là việc làm có ý nghĩa nhân đạo chứ không phải mê tín dị đoan.
Mo vía gắn liền với huyền thoại về thần cây si, loài cây mà người Mường tôn thờ, kính trọng. Nhiều nơi người Mường kiêng không dùng cây si làm gỗ, làm củi… Mo vía là một phần không thể tách rời của mo Mường. Mo vía nói riêng và mo Mường nói chung là di sản văn hóa phi vật thể cần được tôn vinh và giữ gìn, vì đây chính là bản sắc văn hóa sâu đậm của người Mường.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/16/173261/tin-nguong-tho-cay-si-cua-nguoi-muong.htm