Tín ngưỡng Thờ cúng Quốc Tổ Hùng Vương ở Lâm Đồng

Trải dài theo đất nước từ Bắc vào Nam, trên hành trình mở mang bờ cõi, người Việt đi đến đâu cũng mang theo tâm thức về Quốc Tổ, nơi nào có người Việt sinh sống nơi đó có đền thờ các Vua Hùng. Lâm Đồng là vùng đất mới, hội tụ 47 dân tộc anh em từ mọi miền đất nước; giữa lòng Đà Lạt, ngay từ những năm đầu thế kỷ XX, khi người Việt đặt chân đến đây khai hoang mở đất, những nơi thờ phụng Quốc Tổ Hùng Vương đã được cư dân nghèo dựng lên.

Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn

Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn

Trong tâm thức của mỗi người con đất Việt, Vua Hùng luôn gắn chặt với hồn thiêng sông núi không chỉ bởi ánh hào quang của lịch sử, mà đó còn là hình ảnh của những vị vua mở nước, gắn kết lòng người bằng huyết tộc - đồng bào. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là yếu tố tâm linh của người Việt có từ xa xưa, tồn tại qua hàng nghìn năm, thể hiện triết lý “con người có tổ có tông”, là sự phát triển cao hơn một bậc của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên. Thờ Quốc Tổ ngoài việc thể hiện tình đoàn kết, sự gắn kết cộng đồng nó còn mang tính độc đáo mà không phải dân tộc nào cũng có. Cách đây 10 năm, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Lâm Đồng trải qua thời gian được xây dựng, tôn tạo, bảo tồn cả về cơ sở thờ tự, nghi thức thờ cúng, lễ hội và không gian văn hóa như ở Đền thờ Quốc Tổ Hùng Vương (Phường 6), Đền thờ Vua Hùng (đường Nguyễn Thị Nghĩa - Phường 2), miếu thờ Quốc Tổ ở đường Nguyễn Lương Bằng (Đà Lạt) và rất nhiều đình, đền, miếu khác tại các huyện, thành trong tỉnh đều dành một ban thờ trang trọng để tưởng nhớ Quốc Tổ và các bậc tiền hiền. Việc thực hành tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương đã tạo nên sức mạnh đoàn kết hun đúc từ cội nguồn, khơi dậy niềm tự hào về truyền thống dân tộc, ý thức trách nhiệm xây dựng quê hương.

“Hàng năm ăn đâu làm đâu/ Cũng biết cúi đầu nhớ ngày Giỗ Tổ” (Đất nước - Nguyễn Khoa Điềm), “Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng 10 tháng 3” (Ca dao); Giỗ Tổ Hùng Vương được xem là ngày hội hướng về nguồn cội của người dân Việt Nam trong tâm thức chung một nguồn cội. Cứ đến ngày 10/3 hàng năm, dù ở đâu, làm gì mọi người đều hướng về Quốc Tổ với tình cảm thiêng liêng, lòng thành kính, biết ơn, ngưỡng vọng. Người dân Lâm Đồng cũng vậy, nô nức đến những các đền, miếu, đình - nơi thờ cúng các Vua Hùng thắp hương cầu mong quốc thái dân an, mưa thuận, gió hòa, tưởng nhớ công đức các vua Hùng đã dựng nước và giữ nước, mở mang bờ cõi làm rạng rỡ nòi giống Lạc Hồng.

Nhiều hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong ngày Giỗ Tổ

Nhiều hoạt động gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc trong ngày Giỗ Tổ

Đền thờ Quốc Tổ (76 Nguyễn Thị Nghĩa, Phường 2) có từ những năm 1930 khi Đà Lạt còn hoang sơ do những người Việt từ khắp mọi miền đất nước đến đây khai hoang xây dựng. Trong giá lạnh, Đền Quốc Tổ là nơi cố kết cộng đồng, là điểm tựa tâm linh, làm ấm lòng bà con xa xứ. Mỗi người một quê, ai cũng nghèo, bà con sống đùm bọc, yêu thương nhau trong nghĩa đồng bào, coi nhau như người thân. Ban đầu “Đền Hùng” chỉ là ngôi nhà gỗ nhỏ; sau năm 1975, đền được xây lại khang trang theo kiến trúc đền thờ truyền thống như ngày nay. Ngôi đền 3 gian có cửa chính 4 cánh, 2 ô cửa tròn hai bên. Nhìn từ đường vào dễ dàng thấy bản đồ Việt Nam, cờ Tổ Quốc được đắp nổi và lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở đời sau bảo vệ gìn giữ giang sơn gấm vóc: Các Vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Từ những ngày Đà Lạt cư dân còn thưa thớt, ngày Giỗ Quốc Tổ 10/3 âm lịch hàng năm luôn được bà con tổ chức tế lễ long trọng với đầy đủ bánh chưng, bánh giầy, bày hoa, trái để làm lễ vật. Tình cảm xóm giềng, tình yêu quê hương, đất nước không ngừng được vun đắp. Ngôi đền nhỏ, đơn sơ, nhưng mang ý nghĩa thiêng liêng, vừa thờ phụng các Vua Hùng, vừa thờ cúng các bậc tiền nhân, các liệt sĩ, những người hy sinh mở cõi, giữ nước, anh hùng giải phóng dân tộc, các vị tiền hiền hy sinh vì nghĩa lớn, vì sự trường tồn của dân tộc.

Đền thờ Hùng Vương trên đường Ngô Quyền (Đà Lạt) có từ những năm 40 của thế kỷ trước trên ngọn đồi thấp, từ cách đây 15 năm được tôn tạo thành ngôi đền mang kiến trúc truyền thống và được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Giỗ Tổ năm nào, người dân Phường 6 cũng tổ chức trang nghiêm, thành kính với đầy đủ các nghi lễ truyền thống từ phục trang, áo, mão, hài, đến soạn chúc văn, cung cách dâng hương, dâng rượu, dâng lễ vật, lạy tạ... các Vua Hùng đã có công mở cõi, các anh hùng liệt sĩ hy sinh máu xương, bao vị tiền nhân cống hiến để làm nên hình hài đất nước, hồn cốt dân tộc, tỏ lòng thành kính tri ân thế hệ đi trước. Bên cạnh ngày Giỗ Tổ, các ngày mùng 1 và ngày 15 Âm lịch hàng tháng, các dịp lễ tế Xuân, lễ tế Thu cũng được tổ chức trang nghiêm với ước nguyện cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, cuộc sống thanh bình, yên ấm, nhà nhà no đủ.

Đền thờ Âu Lạc trên núi Phượng Hoàng nằm trong Khu du lịch thác Prenn - danh lam thắng cảnh cấp Quốc gia (Phường 3, TP Đà Lạt) được xây dựng từ năm 2002 ở địa thế “voi quỳ, hổ phục, long chầu”, mô phỏng khá toàn diện kiến trúc đền Hùng tại Phú Thọ với đền Thượng, đền Trung, đền Hạ. Ngoài đền thờ Thủy Tổ ở đất Tổ Phú Thọ, theo thống kê của Cục Di sản văn hóa, Lâm Đồng là 1 trong 4 tỉnh, thành trong cả nước có 4 đền thờ Vua Hùng hàng năm tổ chức lễ hội Giỗ Tổ với quy mô lớn (cùng với Bà Rịa Vũng Tàu, Thành phố Hồ Chí Minh, Cà Mau). Hoạt động tín ngưỡng nổi bật nhất là hàng năm ngành Văn hóa tỉnh đã tổ chức Lễ hội Giỗ Tổ Hùng Vương có quy mô cấp tỉnh tại Đền thờ Âu Lạc để Nhân dân các dân tộc trong tỉnh về dâng hương chiêm bái, ngưỡng vọng thành kính biết ơn Quốc Tổ. Nhiều hoạt động ý nghĩa ở cả phần lễ và phần hội theo nghi thức tế lễ truyền thống, đám rước kiệu, lọng, bát bửu, dâng cúng lễ vật. Bên cạnh đó, không gian biểu diễn nghệ thuật truyền thống, giới thiệu các tích trò diễn xướng, các làn điệu dân ca, dân vũ, dân nhạc, thi đấu cờ tướng, trò chơi dân gian (leo cột mỡ; bịt mắt bắt vịt; đập niêu; múa sạp…), tái hiện phiên chợ quê với không gian ẩm thực ba miền, hội thi trang trí mâm lễ vật, làm bánh chưng, bánh giầy, hội thi cắm hoa, trang trí lẵng hoa dâng cúng Quốc Tổ… Qua đó, tưởng nhớ cội nguồn dân tộc, thể hiện sâu sắc đạo lý uống nước nhớ nguồn, giáo dục truyền thống yêu nước, biết ơn sâu sắc các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân kiên cường chống giặc ngoại xâm giữ nước; giới thiệu những tinh hoa văn hóa truyền thống góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Dù xa đất Tổ gần hai ngàn cây số, những ngôi đền thờ Quốc Tổ và tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng đang là điểm tựa tâm linh, truyền linh khí cội nguồn, hồn cốt dân tộc, là nơi người dân Lâm Đồng thành kính tri ân công đức các Vua Hùng. Tâm thức chung một cội nguồn như mạch ngầm hun đúc nên tình yêu quê hương, đất nước, tình đoàn kết, sẻ chia, đùm bọc nhau, cùng xây dựng cuộc sống ấm no, yên bình ở miền đất lành.

QUỲNH UYỂN

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202204/tin-nguong-tho-cung-quoc-to-hung-vuong-o-lam-dong-3110461/