Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ: 'Bảo tàng sống' lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt
UBND tỉnh Nam Định vừa phê duyệt Đề án 'Bảo vệ và phát huy giá trị thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở tỉnh Nam Định đến năm 2030'.
Xuất phát từ hình thức diễn xướng dân gian trong các lễ hội, nghệ thuật Chầu văn ra đời gắn liền với nghi thức tụng ca công đức của Thánh Mẫu Liễu Hạnh và Đức Thánh Cha (Đức Thánh Trần Hưng Đạo). Qua kiểm kê, toàn tỉnh hiện có 287 di tích gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ, thờ Đức Thánh Trần liên quan đến “Nghi lễ Chầu văn”. Trong đó quần thể di tích văn hóa Phủ Dầy, xã Kim Thái (Vụ Bản) vừa là trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Liễu Hạnh, đồng thời cũng là nơi thường xuyên diễn ra hoạt động nghi lễ Chầu văn.
Nét độc đáo của nghệ thuật Chầu văn Nam Định là đa dạng hình thức biểu hiện như: hát thờ, hát cửa đền, hát hầu đồng và hát thi. Trong các hình thức trên thì hát hầu đồng là phổ biến nhất của nghệ thuật Chầu văn Nam Định, bởi gắn liền với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần...Đối với tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần thì trung tâm của tín ngưỡng tập trung ở thành phố Nam Định (đền Cố Trạch nằm trong Khu di tích lịch sử, văn hóa Đền Trần, tại phường Lộc Vượng) và huyện Mỹ Lộc (đền Bảo Lộc, tại thôn Bảo Lộc, xã Mỹ Phúc).
Từ trong các đền, phủ, với vai trò là một phương tiện văn nghệ phục vụ tín ngưỡng tâm linh, Chầu văn đã “chuyển mình” vào sân khấu nghệ thuật hiện đại, có sức lan tỏa trong đời sống, đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa nghệ thuật của các tầng lớp nhân dân.
Các giai điệu hát Văn được soạn lời mới nội dung ca ngợi tình yêu quê hương, đất nước, cổ vũ khối đoàn kết toàn dân chung sức, đồng lòng đứng lên đánh giặc, giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các tiết mục hát Văn độc tấu, song tấu, tam ca, tốp ca, tốp múa xuất hiện ngày càng nhiều trên sân khấu chuyên nghiệp, được công chúng đón nhận, phục vụ có hiệu quả các nhiệm vụ chính trị.
Tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO, di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã chính thức được UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản đã được đưa ra bao gồm: xây dựng chính sách hỗ trợ, thành lập các câu lạc bộ bảo vệ và phát huy giá trị di sản ở địa phương; phục hồi các lễ hội truyền thống; tổ chức nghiên cứu khoa học, xuất bản tài liệu hướng dẫn; tổ chức triển lãm, trưng bày, trình diễn di sản tại bảo tàng; thiết kế các chương trình giảng dạy chính thức và phi chính thức; tôn vinh, công nhận danh hiệu cho các nghệ nhân và thủ nhang, đồng đền tiêu biểu.
Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt phân bố ở nhiều địa phương, trong đó, Nam Định là Trung tâm của tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ và tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian như trang phục, âm nhạc, hát chầu văn, múa, diễn xướng dân gian trong lên đồng và lễ hội, Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, di sản và bản sắc văn hóa của người Việt, thể hiện quan niệm của mình về lịch sử, di sản văn hóa, vai trò của giới và bản sắc tộc người.
Đáp ứng yêu cầu thực hiện Chương trình hành động quốc gia bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt đã được Chính phủ Việt Nam cam kết với UNESCO sau khi di sản được ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, UBND tỉnh Nam Định đã phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định đến năm 2030”.
Mục tiêu của Đề án nhằm: Bảo vệ và phát huy giá trị của hoạt động thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ trong đời sống đương đại, đảm bảo sức sống của Thực hành tín ngưỡng, phổ biến những giá trị nhân văn, những hành vi, nghĩa cử tốt đẹp cho thế hệ mai sau. Từng bước phát huy giá trị của Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu trong quá trình xây dựng đời sống văn hóa của người dân khu vực Nam Định, trở thành một trung tâm sinh hoạt văn hóa đặc trưng.
Để thực hiện mục tiêu đó thời gian tới, cần thực hiện hiệu quả giải pháp về tăng cường vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, phối hợp giữa quản lý Nhà nước và vai trò của cộng đồng, các tổ chức trong nước và quốc tế trong quản lý, bảo vệ di sản. Tăng cường quan hệ hợp tác về nghiên cứu, quảng bá, đào tạo nhân lực bảo vệ và phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ. Khuyến khích các sáng kiến hợp tác về bảo vệ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể ở Nam Định nói chung và Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ ở các làng xã nói riêng.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị di sản, nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng về bản chất di sản, phát huy giá trị di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt trong sự nghiệp xây dựng đời sống văn hóa xã hội; giới thiệu giá trị và quảng bá hình ảnh văn hóa và di sản Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt ở Nam Định nói riêng và Việt Nam nói chung với cộng đồng quốc tế, phù hợp với yêu cầu của UNESCO, góp phần phát triển du lịch và giao lưu văn hóa toàn cầu.