Tin thế giới 13/10: Kiev bị không kích, toàn vùng phát báo động; Nga cảnh báo nguy cơ Thế chiến III; khủng bố đẫm máu ở Syria

Tình hình Ukraine khi vùng thủ đô phải kích hoạt chế độ báo động không kích, Nga dọa đáp trả cứng rắn Kiev, cảnh báo nguy cơ Thế chiến III, vấn đề bán đảo Triều Tiên, Thượng đỉnh Nga-châu Phi... là một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24 giờ qua.

Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu về nghị quyết phản đối Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine ngày 12/10 tại trụ sở ở New York, Mỹ. (Nguồn: EPA-EFE)

Đại hội đồng LHQ bỏ phiếu về nghị quyết phản đối Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine ngày 12/10 tại trụ sở ở New York, Mỹ. (Nguồn: EPA-EFE)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày

Nga-Ukraine

* Kiev kích hoạt hệ thống báo động không kích: Chính quyền khu vực Kiev của Ukraine cho biết, sáng 13/10, khu định cư ở Kiev bị trúng đạn pháo. Toàn khu vực Kiev đã kích hoạt hệ thống báo động không kích.

Theo ông Kyrylo Tymoshenko, Phó Chánh văn phòng Tổng thống Ukraine, các cơ sở hạ tầng quan trọng của vùng Kiev đã bị máy bay không người lái tấn công.

Trong khi đó, AFP cũng đưa tin, cùng ngày, thành phố Mykolaiv của Ukraine bị tấn công tên lửa.

Cũng trong ngày 13/10, Bộ Quốc phòng Anh cho biết, các binh sĩ Nga có thể đang cố gắng củng cố dọc chiến tuyến mới ở phía Tây của ngôi làng Mylove, khu vực phía Nam Kherson do những "bước tiến của lực lượng Ukraine". (AFP, Reuters, Sputnik)

* Ukraine chỉ có khoảng 10% hệ thống phòng không so với nhu cầu, theo lời Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky, ngày 13/10.

Ông cũng bác bỏ việc tiếp xúc ngoại giao với người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Bên cạnh đó, ông Zelensky tuyên bố, Nga phải tuân thủ các yêu cầu của cơ quan giám sát hạt nhân của Liên hợp quốc (LHQ) về việc cho phép phi quân sự hóa nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia của Ukraine hiện do Nga kiểm soát.

Trước đó cùng ngày, hãng thông tấn TASS đưa tin, nhà máy điện hạt nhân Zaporizhzhia sẽ chuyển sang sử dụng nhiên liệu hạt nhân của Nga sau khi đã sử dụng hết năng lượng dự trữ hiện tại. (TASS, AFP)

* Nga cảnh báo đáp trả cứng rắn nếu Ukraine tiếp tục tấn công: Ngày 13/10, Chủ tịch Hạ viện Nga Vyacheslav Volodin tuyên bố, nếu Kiev tiếp tục thực hiện các cuộc tấn công thì phản ứng của Moscow sẽ ngày càng cứng rắn hơn.

Hồi đầu tuần này, trong cuộc họp với các thành viên Hội đồng An ninh Liên bang Nga, Tổng thống Vladimir Putin tuyên bố, nước này đã tiến hành các cuộc trả đũa bằng vũ khí có độ chính xác cao nhằm vào các cơ sở quân sự, liên lạc và năng lượng của Ukraine.

Moscow cáo buộc Kiev đứng sau vụ nổ cầu Kerch nối liền bán đảo Crimea với lục địa Nga, trong khi Kiev không lên tiếng về vấn đề này. (TASS)

* Ukraine khẳng định trên thực tế đã gia nhập NATO sau cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng nước này Alexei Reznikov với Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg ngày 12/10.

Trên tài khoản Twitter, ông Reznikov bày tỏ: “Tôi xin cảm ơn Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg vì đã ủng hộ Ukraine. Chúng tôi đã đi một chặng đường dài và trên thực tế đã tham gia liên minh. Ukraine đang góp phần đáng kể cho an ninh của thế giới tự do".

Quan chức này viết: "Chiến thắng và những cải cách thành công của chúng tôi sẽ mở ra những chân trời mới cho Ukraine”.

Nga khẳng định đang theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình, đồng thời lưu ý, "chính chủ trương của Ukraine hướng đến NATO và việc xác nhận tư cách thành viên tương lai của nước này trong liên minh đã trở thành một trong những nguyên nhân dẫn đến chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga". (Sputnik)

* Nga cảnh báo nguy cơ Thế chiến III sau khi Ukraine gia nhập NATO: Trả lời phỏng vấn hãng tin TASS ngày 13/10, Trợ lý thư ký Hội đồng An ninh Nga Alexander Venediktov cho biết, việc Ukraine gia nhập NATO có thể dẫn đến Thế chiến III và bản thân NATO cũng hiểu điều đó.

Nga "cũng nhận thức được rằng bất chấp những tuyên bố không tham gia các sự kiện ở Ukraine, hành động trên thực tế của phương Tây vẫn cho thấy họ là một bên trực tiếp gây ra xung đột".

Ông Venediktov kết luận: "Trong mọi trường hợp, lập trường của Nga vẫn không thay đổi: Việc Ukraine gia nhập NATO hoặc một số liên minh khác được hình thành dưới sự bảo trợ của Mỹ là điều chúng tôi không thể chấp nhận được".

* Ukraine nhận nhiều hứa hẹn về viện trợ tại cuộc gặp của các đồng minh của Ukraine ngày 12/10, tại Brussels, Bỉ, bao gồm việc cung cấp các hệ thống phòng không cũng như cố gắng cấp thêm đạn dược cho các hệ thống mà lực lượng Ukraine đang sử dụng "sớm nhất có thể”.

Mỹ đang tìm cách xúc tiến triển khai kế hoạch chuyển giao hệ thống đánh chặn tên lửa và máy bay không người lái NASAMS cho Kiev, trong khi Đức xác nhận đã chuyển giao hệ thống phòng thủ Iris-T thế hệ mới nhất của Berlin cho Ukraine.

Chính phủ Anh cùng ngày thông báo sẽ viện trợ cho Kiev tên lửa phòng không có khả năng bắn hạ tên lửa hành trình cũng như hàng trăm tên lửa phòng không bổ sung thuộc nhiều chủng loại cùng với nhiều máy bay không người lái.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron khẳng định, nước này sẽ cung cấp các hệ thống phòng không cho Ukraine sau những cuộc tấn công bằng tên lửa của Nga mà ông cho là nhằm “bẻ gãy sức kháng cự của Ukraine” và Paris cũng đang đàm phán để gửi thêm 6 hệ thống pháo tự hành Caesar cho Kiev.

Canada công bố gói viện trợ quân sự mới cho Ukraine, gồm nhiều khí tài quân sự và quần áo mùa Đông trong khi Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận, Ukraine có “nhu cầu cấp thiết” về phòng không để đối phó với những cuộc bắn phá của Nga. (AP, Reuters)

* Đại hội đồng LHQ thông qua nghị quyết phản đối Nga sáp nhập lãnh thổ Ukraine với 143 quốc gia trên tổng số 193 thành viên Đại hội đồng LHQ, (chiếm tỷ lệ 3/4), bỏ phiếu tán thành.

Ngoài Nga, có 4 quốc gia phản đối nghị quyết trên gồm Syria, Nicaragua, Triều Tiên và Belarus. 35 quốc gia khác, trong đó có Ấn Độ, bỏ phiếu trắng, trong khi những quốc gia còn lại không bỏ phiếu.

Giải thích về việc bỏ phiếu trắng, Đại diện thường trực của Ấn Độ tại LHQ Ruchira Kamboj cho biết, điều này "phù hợp với quan điểm quốc gia vốn được suy tính thấu đáo của chúng tôi". Ngoài ra cũng có "các vấn đề cấp bách khác" đang diễn ra và một vài trong số đó chưa được giải quyết thỏa đáng trong nghị quyết.

Theo bà Kamboj, "với quyết tâm kiên định hướng tới một giải pháp hòa bình thông qua đối thoại và ngoại giao, Ấn Độ đã quyết định bỏ phiếu trắng", đồng thời bày tỏ "quan ngại sâu sắc về sự leo thang xung đột ở Ukraine, bao gồm cả việc nhắm mục tiêu vào cơ sở hạ tầng dân sự và thương vong trong dân thường".

Châu Âu

* EU đạt thỏa thuận về mua chung khí đốt: Ngày 12/10, các Bộ trưởng Năng lượng của Liên minh châu Âu (EU) đã đồng thuận về việc mua chung khí đốt trước mùa Hè 2023, tăng cường đoàn kết và tiết kiệm năng lượng, đồng thời nhất trí với yêu cầu ngăn chặn tác động của giá khí đốt lên giá điện.

Sau Hội nghị không chính thức của các Bộ trưởng Năng lượng EU tại Prague, Czech, Ủy ban châu Âu (EC) đã có ý tưởng rõ ràng về các biện pháp được mong đợi và gói các biện pháp ứng phó với cuộc khủng hoảng năng lượng sẽ được cơ quan này trình bày vào tuần tới.

Các Bộ trưởng Năng lượng EU cũng nhất trí về sự cần thiết phải điều chỉnh chỉ số thiết lập giá chủ chốt để chống lại các hành vi đầu cơ trên thị trường. (Reuters)

* EU nhất trí trừng phạt Iran do dùng bạo lực chống lại người biểu tình, theo một nguồn tin ngoại giao hôm 12/10. Tuy nhiên, thỏa thuận chính trị trên phải được các nhà ngoại giao hàng đầu của EU công nhận tại Hội nghị Ngoại trưởng EU vào ngày 17/10 tới ở Luxembourg.

Các nghị sĩ châu Âu kêu gọi đưa vào danh sách đen “các quan chức Iran, bao gồm tất cả những người có liên quan ‘cảnh sát đạo đức’ (lực lượng đảm bảo việc tuân thủ luật Hồi giáo), những đối tượng đồng lõa hoặc có trách nhiệm trong việc sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình”.

Những cá nhân người Iran bị EU đưa vào danh sách đen lần này sẽ bị cấm nhập cảnh và bị phong tỏa tài sản tại các quốc gia thành viên trong khối. (AFP)

* Pháp hối thúc Nga quay trở lại bàn đàm phán: Ngày 12/10, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hối thúc người đồng cấp Nga Vladimir Putin chấm dứt chiến dịch quân sự, "tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine và quay trở lại bàn đàm phán” để thảo luận về giải pháp kiến tạo hòa bình ở quốc gia Đông Âu.

Khi được hỏi liệu ông có ủng hộ một cuộc tấn công của Ukraine để giành lại Crimea hay không, Tổng thống Macron nhận định, “tại một số thời điểm khi xung đột lan rộng”, cả Nga và Ukraine “sẽ phải quay trở lại bàn đàm phán”, đồng thời lưu ý, ông muốn tránh một “cuộc chiến tranh toàn cầu”. (AFP)

* EU nhất trí về sứ mệnh huấn luyện cho quân đội Ukraine trên quy mô lớn ở một số quốc gia thành viên. Thỏa thuận này đã được các Đại sứ 27 quốc gia thành viên EU nhất trí tại Brussels, Bỉ, hôm 12/10 và sẽ được thông qua tại cuộc họp của các Ngoại trưởng EU ngày 17/10 tới ở Luxembourg.

Thỏa thuận quy định thiết lập trụ sở điều hành sứ mệnh huấn luyện và các trung tâm đào tạo ở mỗi quốc gia thành viên. Ba Lan và Đức đã khẳng định sẽ sẵn sàng gánh vác nhiệm vụ.

Một nhà ngoại giao châu Âu tiết lộ, phái bộ của EU sẽ phải có khả năng đào tạo số lượng lớn quân nhân Ukraine với sứ mệnh có thể huấn luyện ban đầu khoảng 15.000 binh sĩ. Sứ mệnh sẽ nhận được tài trợ từ Quỹ Hòa bình châu Âu. (AFP)

* Czech sẽ cấm nhập cảnh đối với công dân Nga có thị thực Schengen hợp lệ do các quốc gia thành viên EU cấp với mục đích du lịch, thể thao hoặc văn hóa, theo thông báo từ Bộ Ngoại giao Czech hôm 12/10.

Với quy định mới, Czech sẽ trở thành nước tiếp theo ở châu Âu, sau các quốc gia Baltic và Phần Lan, đóng cửa biên giới đối với du khách Nga. (Reuters)

Châu Á

* Tổng thống Nga đến Trung Á, nói châu Á đóng vai trò rất đáng chú ý: Ngày 13/10, nguồn tin của chính phủ Kazakhstan cho biết, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đến Kazakhstan dự Hội nghị về các biện pháp tương tác và xây dựng lòng tin ở châu Á (CICA).

Phát biểu tại CICA ngày 13/10, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói: "Thế giới đang trở nên đa cực thực sự. Và châu Á đóng một vai trò rất đáng chú ý, nếu không muốn nói là đóng vai trò quan trọng trong việc này, nơi các trung tâm quyền lực mới đang phát triển mạnh mẽ hơn".

Hội nghị lần này có sự góp mặt của lãnh đạo nhiều nước, trong đó có Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan.

Bên lề Hội nghị, dự kiến ông Putin sẽ có cuộc hội đàm với Tổng thống Erdogan và Quốc vương Qatar Sheikh Tamim bin Hamad al-Thani. (Reuters, Sputnik)

* Tấn công khủng bố ở Damascus, Syria: Ngày 13/10, Bộ Quốc phòng Syria thông báo, ít nhất 18 binh sĩ thiệt mạng và 20 người khác bị thương khi một thiết bị phát nổ trên một chiếc xe buýt quân sự ở tỉnh Damascus.

Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất trong nhiều tháng trở lại đây nhằm vào lực lượng chính phủ Syria không tham chiến. Đặc biệt, các vụ tấn công xe buýt đang gia tăng, nhất là khu vực thuộc tỉnh Damascus.

Hiện chưa có nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm về vụ khủng bố trên. (Reuters)

* Triều Tiên thông báo phóng thử 2 tên lửa hành trình chiến lược tầm xa vào ngày 12/10, trong khuôn khổ cuộc tập trận nhằm kiểm tra khả năng hạt nhân chiến thuật, dưới sự giám sát của Chủ tịch nước này Kim Jong-un.

Tên lửa "bay trong 10.234 giây… trên không phận vùng biển phía Tây Triều Tiên và đánh trúng mục tiêu cách đó 2.000 km”. (Yonhap)

* Hàn Quốc cân nhắc các phương án răn đe mở rộng, muốn Mỹ 'nhanh chân': Ngày 13/10, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol cho biết, ông đang cân nhắc kỹ lưỡng "một loạt khả năng" về cách thức củng cố hơn nữa khả năng răn đe mở rộng của Mỹ trước mối đe dọa hạt nhân gia tăng từ Triều Tiên.

Trong khi đó, cùng ngày, Thứ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Beom-chul cho rằng, việc triển khai "kịp thời, phối hợp" các khí tài quân sự chiến lược của Mỹ tới Hàn Quốc là lựa chọn "mong muốn nhất" trong số các khả năng để chống lại mối đe dọa hạt nhân-tên lửa gia tăng từ Triều Tiên.

Ông Shin đồng thời bác thông tin nói rằng, Seoul và Washington đang xem xét ý tưởng triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công, tàu ngầm tên lửa hay các khí tài chiến lược khác quanh bán đảo Triều Tiên trên cơ sở cả ngày lẫn đêm. (Yonhap)

* Tên lửa của Triều Tiên đã có thể mang đầu đạn hạt nhân, theo đánh giá của Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Hamada Yasukazu tại phiên điều trần ở Quốc hội nước này, ngày 13/10.

Ông Hamada nói: “Chúng tôi tin rằng Triều Tiên đã đạt mức thu nhỏ đầu đạn đủ để trang bị cho các tên lửa đạn đạo có khả năng hủy diệt khu vực đất nước của chúng ta".

Cùng ngày, quân đội Hàn Quốc thông báo, giới chức quân sự hàng đầu của nước này, Mỹ và Nhật Bản sẽ nhóm họp ba bên tại Mỹ vào ngày 20/10 tới, trong bối cảnh họ đang tăng cường hợp tác an ninh để đối phó với các mối đe dọa gia tăng từ Triều Tiên. (Yonhap, Kyodo)

* Thỏa thuận phân định biên giới biển Lebanon-Israel: Ngày 12/10, Nội các Israel đã bỏ phiếu thông qua các nguyên tắc của thỏa thuận phân định biên giới biển với Lebanon. Thủ tướng Yair Lapid đề nghị chuyển thỏa thuận này tới Quốc hội Israel để xem xét.

Liên quan thỏa thuận trên, cùng ngày, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric bày tỏ hoan nghênh “bước phát triển tích cực” và nhấn mạnh, điều này “rõ ràng sẽ mang lại lợi ích cho sự ổn định và thịnh vượng trong khu vực”.

LHQ khẳng định sẽ vẫn “cộng tác chặt chẽ với các bên và sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ quá trình này, theo yêu cầu và sự phối hợp chặt chẽ với Mỹ - quốc gia được cả Israel và Lebanon tin tưởng giao nhiệm vụ làm trung gian hòa giải”.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Ai Cập hoan nghênh và bày tỏ hy vọng, thỏa thuận này sẽ cho phép Lebanon khai thác được các nguồn tài nguyên để cải thiện điều kiện kinh tế và tăng cường hợp tác trong khu vực Địa Trung Hải. (MENA, Arab News)

Châu Mỹ

* Mỹ công bố chiến lược an ninh quốc gia, trong đó nhấn mạnh lại tầm quan trọng của đường lối hợp tác với các đồng minh nhằm giải quyết những thách thức cũng như tìm cách kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc.

Tài liệu dài 48 trang nêu bật quan điểm của Nhà Trắng cho rằng, sự lãnh đạo của Mỹ là chìa khóa để vượt qua các mối đe dọa toàn cầu như biến đổi khí hậu và sự trỗi dậy của các chế độ độc tài.

Bên cạnh đó, văn kiện cho rằng, ngay cả sau khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine, Trung Quốc vẫn là thách thức lớn nhất đối với trật tự toàn cầu và Washington phải giành chiến thắng trong “cuộc chạy đua vũ trang kinh tế” với Bắc Kinh nếu muốn duy trì ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới.

Dự kiến, chính quyền Biden sẽ đệ trình Chiến lược An ninh Quốc gia và dự thảo ngân sách lên Quốc hội Mỹ vào ngày 28/3/2023. (The Hill)

Châu Phi

* Dự thảo hiến pháp mới của Mali củng cố quyền lực của tổng thống: Ngày 12/10, một bản dự thảo hiến pháp mới, được cho là sẽ củng cố quyền lực của tổng thống tương lai và quy định quyền tự trị rộng rãi cho miền Bắc, đã được đệ trình lên người đứng đầu chính quyền quân sự Mali.

Người đứng đầu ủy ban soạn thảo hiến pháp Fousseyni Samake khẳng định, bản dự thảo đã loại bỏ ý tưởng liên bang.

Dự thảo mới, gồm 195 điều thay vì 122 điều như Hiến pháp hiện hành, quy định tổng thống của nước cộng hòa là người đưa ra quyết định và chính phủ sẽ ban hành chính sách của quốc gia. Hiến pháp hiện hành của Mali, ra đời năm 1992, trao quyền đưa ra quyết định và ban hành chính sách của quốc gia cho chính phủ.

Ngoài ra, quốc hội sẽ không thể miễn nhiệm chính phủ và ngược lại, tổng thống cũng sẽ không thể giải tán quốc hội. Dự thảo còn đề cập việc thiết lập một viện thứ hai của quốc hội Mali, tương đương với thượng viện ở nhiều nước khác. (AFP)

* Nga-châu Phi tích cực chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 2, theo lời Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga Oleg Ozerov xác nhận ngày 12/10.

Đại sứ Ozerov cũng khẳng định, Nga có “lịch sử tín nhiệm rất tốt” với các quốc gia châu Phi khi "đã đào tạo hàng trăm nghìn chuyên gia cho châu Phi và họ biết rằng, Moscow thực hiện công việc đó không phải vì lợi nhuận, kết quả này cuối cùng đã góp phần vào sự phát triển các mối quan hệ của chúng ta".

Trước đó, Hội nghị thượng đỉnh và Diễn đàn Kinh tế Nga-châu Phi lần thứ nhất đã diễn ra tại thành phố nghỉ mát Sochi của Nga ngày 23-24/10/2019 và do Ai Cập đồng đăng cai. (Sputnik)

* Nga-Morocco ký thỏa thuận hợp tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân, theo sắc lệnh của chính phủ Nga được công bố ngày 12/10.

Sắc lệnh trên đã phê chuẩn dự thảo thỏa thuận liên chính phủ do Rosatom đệ trình, phối hợp với Bộ Ngoại giao Nga, cũng như các cơ quan chức năng khác và đã được phía Morocco nhất trí trước đó. (Sputnik)

Hà Thu

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-1310-kiev-bi-khong-kich-toan-vung-phat-bao-dong-nga-canh-bao-nguy-co-the-chien-iii-khung-bo-dam-mau-o-syria-201825.html