Tin thế giới 16/4: Nga không thể chấp nhận toan tính của châu Âu, Iran dứt khoát cự tuyệt Mỹ, Chủ tịch Trung Quốc thăm Malaysia
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong 24h.

Từ phải qua trái: Quốc vương Malaysia Sultan Ibrahim, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong buổi lễ chào đón chính thức tại cung điện quốc gia ở Kuala Lumpur, ngày 16/4. (Nguồn: Reuters)
Châu Âu
* Nga cảnh báo "liên minh tự nguyện" do Anh và Pháp thúc đẩy có mục tiêu chính là đặt nền tảng cho sự can thiệp của nước ngoài vào Ukraine để bảo vệ chính quyền quốc gia Đông Âu này, theo lời Đại sứ Nga tại London Sergei Kelin ngày 16/4.
Nhà ngoại giao Nga nhấn mạnh: "Lập trường của chúng tôi rất rõ ràng. Đối với Nga, tất cả những điều này là hoàn toàn không thể chấp nhận được. Các bảo đảm an ninh khả thi mà không cần bất kì sự triển khai nước ngoài nào".
Ông Kelin cũng nhận thấy mong muốn đáp lại cuộc đối thoại được thiết lập giữa Moscow và Washington trong sáng kiến của châu Âu. (TASS)
* Quốc hội Ukraine phê chuẩn gia hạn thiết quân luật đến ngày 6/8, với 357 phiếu thuận và chỉ một nghị sĩ bỏ phiếu chống, trong bối cảnh xung đột giữa nước này với Nga tiếp diễn. Thiết quân luật cho phép đất nước tiếp tục huy động quân đội và tạm dừng chu kỳ bầu cử. (Reuters)
* Ukraine và nhiều nước thảo luận về an ninh ở Biển Đen trong 2 ngày 15-16/4, trong đó có việc thành lập một lực lượng bảo đảm an ninh trên biển, theo lời Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Nhà lãnh đạo tin rằng, Thổ Nhĩ Kỳ có thể đóng vai trò quan trọng trong các bảo đảm an ninh cho vùng biển này trong tương lai, lưu ý rằng, những điều này sẽ được thực hiện sau khi thực hiện một lệnh ngừng bắn và có các bảo đảm an ninh.
* Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Mark Rutte bất ngờ đến thăm Ukraine ngày 15/4 và gặp Tổng thống nước chủ nhà Zelensky.
Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông Rutte thừa nhận nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn và hòa bình lâu dài ở Ukraine của Tổng thống Mỹ Donald Trump là “không hề dễ dàng” nhưng "tất cả đều ủng hộ nỗ lực vì hòa bình này".
Về phần mình, Tổng thống Zelensky nhấn mạnh tới việc triển khai hiệu quả các lực lượng nước ngoài để ngăn chặn khả năng xảy ra một cuộc tấn công tiềm tàng vào Ukraine nếu nước này đạt được thỏa thuận hòa bình với Nga, đồng thời nêu rõ, Kiev đang rất cần các hệ thống phòng không. (AFP)
* Thượng viện Nga phê chuẩn hiệp ước hợp tác chiến lược với Iran ngày 16/4. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký hiệp ước hợp tác chiến lược kéo dài 20 năm với người đồng cấp Iran Masoud Pezeshkian, vào tháng 1. Việc Thượng viện Nga phê chuẩn có nghĩa là hiệp ước hiện đã có hiệu lực. (TASS)
* Pháp trục xuất 12 nhân viên ngoại giao Algeria đồng thời triệu Đại sứ tại Algiers về nước để tham vấn, sau động thái tương tự của quốc gia Bắc Phi nhằm phản đối việc Paris bắt giữ một nhân viên lãnh sự của Algeria. (AFP)
* Latvia chính thức rút khỏi Công ước cấm mìn sát thương cá nhân sau khi các nghị sĩ bỏ phiếu rút khỏi Công ước này ngày 16/4.
Trong thông cáo của Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Inara Murniece nêu rõ: "Việc rút khỏi Công ước Ottawa sẽ tạo không gian cho lực lượng vũ trang của chúng tôi sử dụng mọi phương thức tiềm tàng nhằm bảo vệ công dân trong trường hợp có mối đe dọa quân sự". (AFP)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Malaysia và có cuộc gặp Thủ tướng nước chủ nhà Anwar Ibrahim trong ngày 16/4. Tại cuộc gặp, Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh quan hệ Trung Quốc-Malaysia đang bước vào một kỷ nguyên vàng mới.
Ông Tập Cận Bình đưa ra đề xuất ba điểm về xây dựng cộng đồng chiến lược tầm cao chung vận mệnh Trung Quốc- Malaysia, đồng thời kêu gọi cùng nỗ lực phản đối việc tách rời và gián đoạn chuỗi cung ứng bằng sự cởi mở và hợp tác.
Về phần mình, Thủ tướng Anwar Ibrahim khẳng định, Trung Quốc vẫn là đối tác thương mại quan trọng nhất của Malaysia, đặc biệt các sáng kiến toàn cầu của Bắc Kinh mang lại "hy vọng mới khi chủ nghĩa đa phương đang chịu áp lực".
Ông tuyên bố: "Malaysia sẽ tiếp tục là người bạn kiên định và có nguyên tắc của Trung Quốc". (THX)
* Trung Quốc tuyên bố 'không ngại chiến đấu' trong thương chiến với Mỹ, song vẫn tái khẳng định lời kêu gọi đối thoại, sau khi Tổng thống Trump tuyên bố Bắc Kinh phải ngồi vào bàn đàm phán.
Ngày 16/4, tại họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lâm Kiếm nhấn mạnh: "Nếu Mỹ thực sự muốn giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và đàm phán, họ nên ngừng gây áp lực cực độ, ngừng đe dọa... và hãy đối thoại với Trung Quốc trên cơ sở bình đẳng, tôn trọng và cùng có lợi".
Cáo buộc Mỹ "khởi xướng cuộc chiến thuế quan này", Bắc Kinh tái khẳng định lập trường hông có bên nào chiến thắng trong một cuộc chiến thuế quan hay một cuộc chiến thương mại. (AFP)
* Singapore lập lực lượng đặc nhiệm giúp doanh nghiệp và người lao động đối phó với thách thức.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Thương mại Singapore Gan Kim Yong tuyên bố, các công ty ở Singapore đang bị ảnh hưởng bởi cuộc thương chiến Mỹ-Trung, đồng thời cảnh báo về tác động kinh tế toàn cầu nếu Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế bổ sung đối với ngành bán dẫn và dược phẩm.
Ông cảnh báo không thể loại trừ khả năng suy thoái kinh tế trong nước vào năm nay. (Reuters)
Trung Đông-châu Phi
* Iran cự tuyệt đàm phán về quyền làm giàu uranium với Mỹ, theo lời Ngoại trưởng Iran Abbas Araqchi ngày 16/4, phản hồi phát biểu trước đó của trưởng đoàn đàm phán Mỹ Steve Witkoff cho rằng, Tehran phải "dừng và loại bỏ hoạt động làm giàu hạt nhân" để đạt được thỏa thuận với Washington.
Ngoại trưởng Araqchi nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng xây dựng lòng tin liên quan những nghi ngại có thể có về việc làm giàu uranium của Iran, nhưng về nguyên tắc, quyền làm giàu này là không thể thương lượng". (Reuters)
* Nga sẵn sàng làm "mọi thứ" trong khả năng để giúp tìm giải pháp ngoại giao cho căng thẳng giữa Mỹ và Iran về chương trình hạt nhân của Tehran, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov.
Tuy nhiên, ông Peskov không khẳng định liệu Nga có hành động như bên bảo đảm cho bất kỳ thỏa thuận nào hay không, mà chỉ nhấn mạnh rằng Moscow đang "kỳ vọng" vào vòng đàm phán thứ hai giữa Iran và Mỹ. (AFP)
* Mỹ không kích ồ ạt vào hơn 50 địa điểm của Houthi trên khắp Yemen trong ngày 16/4. Houthi không tiết lộ số thương vong do cuộc không kích của Mỹ gây ra, nhưng tuyên bố cuộc tấn công này “sẽ bị đáp trả”. Ngoài ra, Houthi cảnh báo sẽ tiếp tục tấn công các tàu có liên quan đến Israel hoặc Mỹ. (THX)
* Israel tuyên bố tiếp tục chặn viện trợ nhân đạo vào Gaza, gọi đây là một trong những đòn bẩy áp lực chính ngăn Hamas sử dụng nó như công cụ với dân thường
Israel cũng cam kết sẽ tăng cường các hoạt động quân sự chống lại Hamas cho đến khi "hoàn thành mọi mục tiêu". (Times of Israel)
* Chỉ huy Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) Mohamed Hamdan Dagalo tuyên bố thành lập một "chính phủ song song" vào ngày 15/4, mà theo ông này sẽ "đại diện cho một hiến chương chính trị và một hiến pháp chuyển tiếp mang tính lịch sử cho một Sudan mới".
"Chính phủ song song" này sẽ đưa ra các loại tiền mới và cấp giấy tờ tùy thân, đồng thời kêu gọi Liên minh châu Phi (AU) công nhận "chính phủ song song" này. (THX)
Châu Mỹ
* Tổng thống Mỹ họp bàn về thỏa thuận hạt nhân với Iran trong ngày 15/4 cùng Phó Tổng thống JD Vance, Ngoại trưởng Marco Rubio, Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth, Cố vấn An ninh quốc gia Nhà Trắng Mike Waltz, Đặc phái viên về Trung Đông của Tổng thống Mỹ Steve Witkoff, Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương (CIA) John Ratcliffe cùng một số quan chức cấp cao khác.
Mục tiêu của cuộc họp nhằm định hình cách tiếp cận của Washington cho vòng đàm phán tiếp theo với Tehran vào ngày 19/4 tới. (RIA)
* Phái đoàn cấp cao Mỹ do Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và đặc phái viên Tổng thống về Trung Đông Steve Witkoff dẫn đầu dự kiến đến Paris trong tuần này để thảo luận về vấn đề Ukraine, Iran và quan hệ thương mại trong bối cảnh chính sách thuế quan mới của Mỹ.
Trong khi ông Witkoff dự kiến gặp Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Ngoại trưởng Rubio được cho là sẽ hội đàm với người đồng cấp Pháp Jean-Noel Barrot. Một quan chức Mỹ giấu tên cho biết sau chuyến thăm Paris, ông Rubio dự kiến sẽ đi châu Phi. (RIA)
* Tổng thống Trump đánh giá tích cực về kinh tế Mỹ khi cho biết, giá của hầu hết các mặt hàng bao gồm cả xăng dầu và thực phẩm đang giảm trong bối cảnh Mỹ thu được số thuế "kỷ lục". (Reuters)
* Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đạt thỏa thuận lịch sử về ứng phó đại dịch tương lai sau các cuộc đàm phán kéo dài nhiều năm.
Trong tuyên bố, WHO nêu rõ: "Sau hơn ba năm đàm phán chuyên sâu, các quốc gia thành viên WHO đã có bước tiến quan trọng trong nỗ lực giúp thế giới an toàn hơn trước các đại dịch, bằng cách thống nhất dự thảo thỏa thuận để trình lên Đại hội đồng Y tế thế giới vào tháng 5 tới". (AFP)