Tin thế giới 16/7: Nga nhờ các đối tác gây sức ép với Ukraine, Israel tấn công Bộ Quốc phòng Syria, cựu Thủ tướng Thái Lan hầu tòa
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h.

Khói bốc lên từ trụ sở quân đội Syria ở Damascus ngày 16/7. (Nguồn: X)
Châu Âu
* Nga đang kêu gọi tất cả đối tác gây sức ép buộc Ukraine tiến hành vòng đàm phán trực tiếp tiếp theo với Moscow, theo người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov. Ông cho rằng, những nỗ lực hòa giải, chủ yếu từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và đội ngũ của ông, chính là "chìa khóa", dù đã có "nhiều tuyên bố và nhận xét về sự thất vọng".
Người phát ngôn Điện Kremlin cũng nhận định, cho đến nay, phía Ukraine "dường như đã coi mọi sự hỗ trợ dành cho họ không phải là một tín hiệu hướng tới hòa bình mà là một tín hiệu để tiếp tục chiến tranh".
Tuyên bố của Nga được đưa ra trong bối cảnh Tổng thống Trump bày tỏ thất vọng với phía Nga và cảnh báo sẽ áp trừng phạt Moscow cùng các đối tác nếu không giải quyết được xung đột trong vòng 50 ngày. Nga coi đây là tuyên bố "rất nghiêm trọng" và cần thời gian phân tích. (TASS)
* Phương Tây chuẩn bị họp về viện trợ Patriot cho Ukraine, có thể diễn ra vào ngày 23/7 dưới sự chủ trì của chỉ huy quân sự cấp cao của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Một nguồn thạo tin cho biết, cuộc họp được tổ chức giữa các quốc gia sở hữu hệ thống phòng không Patriot và các nhà tài trợ Ukraine.
Trong khi đó, Điện Kremlin tuyên bố đang theo dõi kỹ lưỡng vấn đề cung cấp vũ khí của phương Tây cho Ukraine và đây là một vấn đề quan trọng trong chương trình nghị sự.
Ông cũng cho rằng, việc cung cấp vũ khí cho Ukraine là "một thương vụ" và một số nước châu Âu sẽ phải trả tiền cho các loại vũ khí này, đồng thời dự đoán châu Âu sẽ nảy sinh nhiều bất đồng nội bộ về việc ai sẽ gánh chi phí viện trợ vũ khí cho Kiev. (RIA)
* Liên minh châu Âu (EU) trừng phạt bổ sung đối với 9 cá nhân và 6 tổ chức của Nga bị cáo buộc chịu trách nhiệm thực hiện các hành động gây bất ổn của Moscow ở nước ngoài, trong đó có hành vi thao túng và can thiệp thông tin nước ngoài (FIMI).
EU cũng nhất trí kế hoạch tổ chức cuộc họp không chính thức của các ngoại trưởng vào cuối tháng 8 để thảo luận về vấn đề tài sản bị phong tỏa của Nga. (Anadolu)
* Dư luận Đức và nhiều nước châu Âu ủng hộ Anh tái gia nhập EU, 9 năm sau cuộc trưng cầu dân ý về việc Anh rời khỏi liên minh, còn được gọi là sự kiện “Brexit”. Kết quả thăm dò dư luận mới nhất của YouGov cho thấy, hầu hết người dân ở Đức, Pháp, Italy và Tây Ban Nha đều hoan nghênh việc Anh trở lại EU.
Trong số 4 quốc gia lớn nhất EU, Đức là nước có mức ủng hộ cao nhất với việc chào đón Anh trở lại khối với 63% người được hỏi đồng ý. Tỷ lệ ủng hộ khác nhau tùy theo quốc gia, nhưng công dân ở cả 4 nước Tây Âu nêu trên cuối cùng đều ủng hộ Anh trở lại EU (Breturn). (Express)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra ra làm chứng tại tòa án ở Bangkok ngày 16/7, tìm cách tự bào chữa trước cáo buộc phỉ báng hoàng gia trong một vụ án được đánh giá là ''bước ngoặt'' đối với đế chế chính trị đang suy yếu của ông.
Ông Thaksin có thể đối mặt với mức án lên tới 15 năm tù nếu bị kết tội tại phiên xét xử kín, nơi ông bị cáo buộc vi phạm luật khi quân, vốn bảo vệ hoàng gia Thái Lan khỏi sự xúc phạm và chỉ trích.
Việc ông bị truy tố, cùng với việc con gái ông - bà Paetongtarn Shinawatra - bị đình chỉ công tác trong tháng này, được giới phân tích nhận định là dấu hiệu suy giảm đáng kể ảnh hưởng chính trị của gia đình. (AFP)
* Campuchia trục xuất 6 công dân Thái Lan vượt biên và xâm nhập trái phép vào lãnh thổ Campuchia tại khu vực làng Trapeang Thmey, xã O’ Sralao, huyện Malai, tỉnh Banteay Meanchey.
Trả lời thẩm vấn Công an Biên phòng Campuchia, nhóm công dân Thái Lan thừa nhận hành vi vượt biên trái phép vào địa bàn tỉnh Banteay Meanchey để tìm việc làm. Sau khi thẩm vấn, lực lượng chức năng Campuchia đã tiến hành trục xuất 6 đối tượng trên về Thái Lan. (AKP)
* Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Pakistan trong các lĩnh vực nông nghiệp, công nghiệp và khai khoáng, theo tuyên bố của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị ngày 16/7.
Trong cuộc gặp người đồng cấp Pakistan tại Thiên Tân, ông Vương Nghị nhấn mạnh, Trung Quốc ủng hộ Pakistan tiến hành các chiến dịch chống khủng bố và tin tưởng Islamabad sẽ "nỗ lực hết sức" để bảo đảm an toàn cho công dân, dự án và cơ sở của Trung Quốc tại Pakistan. (Tân Hoa xã)
* Trung Quốc kết án tù công dân Nhật Bản 3 năm 6 tháng tù giam vì tội hoạt động gián điệp, theo lời Đại sứ Nhật Bản tại Bắc Kinh Kanasugi Kenji ngày 16/7.
Xác nhận công dân bị kết án là nhân viên Công ty Dược phẩm Astellas Pharma Inc tại Trung Quốc, ông Kanasugi nhấn mạnh: “Đây là điều vô cùng đáng tiếc. Chúng tôi sẽ tiếp tục kêu gọi thả người này sớm nhất có thể và hỗ trợ ông ấy”.
Chính phủ Nhật Bản nhiều lần kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho người đàn ông ngoài 60 tuổi này sau khi ông bị bắt giữ vào tháng 3/2023 ngay trước khi dự kiến trở về Nhật Bản. Ông bị truy tố vào tháng 8/2024. (Kyodo)
Trung Đông-châu Phi
* Israel không kích cổng chính trụ sở của quân đội Syria tại thủ đô Damascus ngày 16/7. Hai nguồn tin an ninh Syria nói rằng, vụ không kích đã đánh trúng Bộ Quốc phòng Syria ở trung tâm thành phố.
Trước đó, hãng thông tấn nhà nước Syria đưa tin một tiếng nổ lớn vang lên ở Damascus, song chưa xác định rõ nguyên nhân.
Cùng ngày, Israel thông báo đang điều thêm binh sĩ tới khu vực biên giới Syria sau khi tuyên bố sẽ gia tăng tấn công nếu lực lượng chính phủ Syria không rút khỏi các cuộc đụng độ với người Druze ở miền Nam. (Reuters)
* Iran sẽ không nối lại đàm phán với Mỹ về vấn đề hạt nhân cho đến khi các điều kiện tiên quyết được đáp ứng, theo tuyên bố của Quốc hội nước Cộng hòa Hồi giáo. Tuyên bố khẳng định cần đề ra các điều kiện tiên quyết, song không nêu cụ thể có những điều kiện tiên quyết gì,
Theo tuyên bố trước đó của Ngoại trưởng Iran Abbas Araghchi, nước nảy cần được bảo đảm ằng sẽ không phải hứng chịu thêm bất kỳ cuộc tấn công nào khác.
Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 15/7 tuyên bố, Tehran hy vọng tham gia những cuộc thảo luận với Washington, nhưng ông "không vội" bởi vì các cơ sở hạt nhân của nước Cộng hòa Hồi giáo đã bị xóa sổ. (TASS)
* EU hối thúc Israel cải thiện tình hình nhân đạo ở Gaza với các bước đi cụ thể và mạnh mẽ, đồng thời yêu cầu quốc gia Trung Đông thực thi đầy đủ thỏa thuận đã đạt được với EU vào tuần trước
Một quan chức EU tiết lộ, khối sẽ xem xét lại các biện pháp trừng phạt đối với Israel nếu nước này không thực hiện cam kết tăng viện trợ nhân đạo cho Dải Gaza và giải ngân tiền thuế bị giữ lại của chính quyền Palestine trong vòng 2 tuần tới.
Nguồn tin cũng cho biết, EU sẽ gắn quyết định của khối với tình hình ở Bờ Tây và đã nêu yêu cầu với giới chức Israel rằng, nước này phải giải ngân số tiền thuế đang bị giữ lại của Palestine, hành động mà EU cho là vi phạm Thỏa thuận Oslo. (Times of Israel)
Châu Mỹ
* Tổng thống Mỹ Donald Trump dọa "áp thuế thấp" với dược phẩm nhập khẩu vào cuối tháng này, đồng thời cho các công ty dược phẩm khoảng một năm hoặc hơn để xây dựng nhà máy tại Mỹ, sau đó Washington "sẽ áp thuế rất cao”. Lịch trình triển khai thuế đối với chất bán dẫn là tương tự.
Hồi tuần trước, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick thông báo chính quyền Trump sẽ hoàn tất cuộc điều tra an ninh quốc gia đối với nhập khẩu chất bán dẫn và dược phẩm vào cuối tháng này. Đây là dấu hiệu cho thấy các tuyên bố về thuế quan đối với các mặt hàng nhập khẩu này có thể đang đến gần. (Yonhap)
* Chính quyền Tổng thống Trump sa thải 17 chánh án tòa di trú ở 10 bang chỉ trong vài ngày qua "mà không có lý do".
Thông cáo báo chí của Liên đoàn Kỹ sư chuyên nghiệp và kỹ thuật quốc tế (IFPTE) - nghiệp đoàn đại diện cho các nhân viên liên bang Mỹ - nêu rõ, những người này làm việc tại tòa án di trú các bang California, Illinois, Louisiana, Maryland, Massachusetts, New York, Ohio, Texas, Utah và Virginia.
Chủ tịch IFPTE Matt Biggs nhấn mạnh, việc sa thải không lý do, trong khi Quốc hội đã phê chuẩn tăng số lượng chánh án di trú lên 800 người "là việc làm quá đáng và trái với lợi ích của công chúng". (CBS)
* Mỹ điều tra các hoạt động thương mại “không công bằng” của Brazil, theo thông báo của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) ngày 15/7.
Cuộc điều tra nhằm xác định liệu các hành động, chính sách và thực tiễn của Brazil liên quan thương mại điện tử và thuế suất ưu đãi cùng một số lĩnh vực khác có “không hợp lý hoặc mang tính phân biệt đối xử, gây gánh nặng hoặc hạn chế” hoạt động thương mại của Mỹ hay không.
Cùng ngày, Phó Tổng thống Brazil Geraldo Alckmin cho biết, Brasilia đang nỗ lực để Washington sớm rút lại mức thuế quan 50% mà ông Trump tuyên bố sẽ áp dụng đối với tất cả hàng hóa nhập khẩu từ quốc gia Nam Mỹ. (Reuters)