Tin thế giới 2/11: Thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp diễn ra, Hamas dọa lặp lại tấn công vào Israel, Ngoại trưởng Mỹ công du châu Á
Quân đội Myanmar mất kiểm soát thị trấn chiến lược giáp Trung Quốc, Singapore kêu gọi hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, Trung Quốc theo sát tàu chiến Mỹ, Canada ở Eo biển Đài Loan, Ai Cập giúp sơ tán 7.000 người khỏi Gaza…là một số tin thế giới đáng chú ý 24 giờ qua.
Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.
Châu Á - Thái Bình Dương
*Hàn Quốc, Australia tập trận hải quân chung: Hải quân Hàn Quốc ngày 2/11 thông báo nước này và Australia đang tiến hành cuộc tập trận hải quân chung ở vùng biển phía Đông Bán đảo Triều Tiên nhằm tăng cường khả năng tác chiến và tương tác.
Cuộc tập trận chung bắt đầu hôm 31/10 và kéo dài tới ngày 3/11 ở ngoài khơi Ulsan, cách Seoul 299 km về phía Đông Nam, với sự tham gia của 6 tàu hải quân, trực thăng giám sát hàng hải và trực thăng quân sự của Hàn Quốc. Phía Australia huy động khinh hạm lớp Anzac Toowoomba, 1 trực thăng MH-60R Seahawk và máy bay tuần thám biển tham gia tập trận. Đây là cuộc tập trận song phương lần thứ 9 giữa hải quân Hàn Quốc và Australia. (Yonhap)
*Động đất 6,1 rung chuyển miền Trung Philippines: Viện Núi lửa và Địa chấn học Philippines cho biết đã xảy ra trận động đất ngoài khơi có độ lớn 6,1 làm rung chuyển tỉnh Đông Samar, miền Trung Philippines vào lúc 2:50 chiều, giờ địa phương ngày 2/11. Hiện chưa có thông tin về thương vong và thiệt hại.
Chấn động cũng được cảm nhận rõ ràng ở các khu vực lân cận, bao gồm các tỉnh Bắc Samar, Leyte và Nam Leyte. Philippines thường xuyên xảy ra các hoạt động địa chấn do nằm dọc theo "Vành đai lửa" Thái Bình Dương. (Xinhua)
*Campuchia, Trung Quốc tăng cường hợp tác quân sự: Thông tấn xã Campuchia (AKP) đưa tin tại cuộc gặp ngày 31/10 ở thủ đô Bắc Kinh giữa Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha và Thượng tướng Hà Vệ Đông - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc, hai bên đã cam kết tăng cường hợp tác quân sự vì phát triển và tiến bộ.
Ông Tea Seiha tái khẳng định hợp tác quân sự song phương, đặc biệt là những cuộc tập trận chung như “Rồng vàng” và “Thiên thần Hòa bình”, đã góp phần nâng cao năng lực của Quân đội Hoàng gia Campuchia. Trong khi đó, Tướng Hà Vệ Đông nhấn mạnh vì tình hữu nghị giữa hai quốc gia đã ăn sâu vào tâm trí của người dân hai nước nên nhiệm vụ quan trọng là Trung Quốc và Campuchia phải thúc đẩy hợp tác quân sự bước lên tầm cao mới. (AKP)
Quân đội Myanmar mất kiểm soát thị trấn chiến lược giáp Trung Quốc: Tối 1/11, người phát ngôn chính quyền quân sự Myanmar Zaw Min Tun ra tuyên bố thừa nhận quân đội nước này đã mất quyền kiểm soát thị trấn chiến lược phía Bắc Chinshwehaw dọc biên giới với Trung Quốc sau nhiều ngày đụng độ với 3 nhóm vũ trang dân tộc thiểu số.
Trước đó cùng ngày, Quân đội Arakan (AA), Quân đội Liên minh Dân chủ Quốc gia Myanmar (MNDAA) và Quân đội Giải phóng Quốc gia Ta’ang (TNLA) - tự xưng là Liên minh Ba Anh em - cho biết đã chiếm giữ các đoạn đường quan trọng dẫn đến Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Myanmar, kể từ khi bắt đầu cuộc tấn công.
Quân đội Myanmar đang phải đối mặt với thách thức nghiêm trọng trong nỗ lực giành quyền kiểm soát bang Shan nằm ở miền Bắc nước này, sau khi 3 nhóm vũ trang nói trên phối hợp lực lượng và triển khai chiến dịch tấn công đánh chiếm các mục tiêu quân sự trong khu vực giáp giới với Trung Quốc. Shan là nơi có các đường ống dẫn dầu và khí đốt cung cấp cho Trung Quốc và tuyến đường sắt trị giá hàng tỷ USD đã được lên kế hoạch xây dựng. Đây là một phần của dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu Vành đai và Con đường khổng lồ của Bắc Kinh. (AFP/DW)
*Trung Quốc theo sát tàu chiến Mỹ, Canada ở Eo biển Đài Loan: Quân đội Trung Quốc ngày 2/11 cho biết đã giám sát và theo dõi quá trình di chuyển của các tàu chiến Mỹ và Canada qua Eo biển Đài Loan hôm 1/11. Trung Quốc tuyên bố vẫn duy trì trạng thái cảnh giác cao độ để “kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như hòa bình và ổn định khu vực”.
Trước đó cùng ngày, Hạm đội 7 thông báo tàu khu trục USS Rafael Peralta của Hải quân Mỹ và khinh hạm HMCS Ottawa của Hải quân Hoàng gia Canada đã đi qua Eo biển Đài Loan hôm 1/11. (Reuters)
*Nhật Bản, Mỹ tập trận bắn đạn thật: Báo Mainichi ngày 2/11 đưa tin Lực lượng phòng vệ mặt đất Nhật Bản (GSDF) và Thủy quân lục chiến Mỹ đã tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật tại thao trường Hijudai ở tỉnh Oita hôm 29/10. Địa điểm tập trận mô phỏng hoạt động phòng thủ trên một trong những hòn đảo xa xôi của Nhật Bản.
Theo Bộ Tư lệnh miền Tây Nhật Bản và các nguồn khác, khoảng 3.000 binh sĩ GSDF và 1.100 lính thủy đánh bộ Mỹ đã tham gia cuộc tập trận Hijudai. Máy bay vận tải GSDF V-22 Osprey cũng tham gia tập trận nhưng không được triển khai trong ngày 29/10.
Hijudai là một phần của cuộc tập trận “Resolute Dragon” GSDF - Thủy quân lục chiến Mỹ năm 2023 được tổ chức chủ yếu ở khu vực Kyushu và Okinawa của Nhật Bản từ ngày 14-31/10. Đây cũng là lần đầu tiên cuộc tập trận song phương lớn nhất ở Nhật Bản được tiến hành ở khu vực Kyushu và phía Tây Nam quần đảo Nansei. (Kyodo News)
*Singapore kêu gọi các bên liên quan hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông: Phát biểu với báo giới tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 1/11, Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen tuyên bố các bên liên quan cần hạ nhiệt căng thẳng ở Biển Đông, sau một loạt vụ việc xảy ra giữa Trung Quốc và Philippines khiến tình trạng tranh chấp lãnh thổ dai dẳng trên vùng biển chiến lược này nóng lên.
Bộ trưởng Quốc phòng Singapore lập luận: “Biển Đông có thể là nguyên nhân, là tác nhân thúc đẩy xung đột, nhưng nó không phải là vấn đề khó giải quyết nếu có quyết tâm chính trị, bởi vì về cơ bản, các bạn đang tranh giành các nguồn tài nguyên.
Bộ trưởng Ng Eng Hen đã kết thúc chuyến thăm 4 ngày tới Bắc Kinh hôm 1/11, sau khi tham dự Diễn đàn Hương Sơn Bắc Kinh lần thứ 10 và gặp gỡ các quan chức quân sự hàng đầu.
Vài tháng qua, đã xảy ra một số vụ việc trên biển giữa Bắc Kinh và Manila quanh Bãi cạn Scarborough ở Biển Đông. Giới phân tích đã cảnh báo nguy cơ đụng độ do những tính toán sai lầm. (Straitstimes)
*Philippines cáo buộc Trung Quốc xâm nhập vùng biển chủ quyền: Bộ Ngoại giao Philippines ngày 2/11 cáo buộc Trung Quốc xâm phạm vùng biển nước này sau sự cố tại Bãi cạn Scarborough tranh chấp ở Biển Đông hồi đầu tuần. Tuyên bố của bộ Ngoại giao Trung Quốc nêu rõ: “Chính Trung Quốc đang xâm phạm vùng biển của Philippines”.
Hôm 30/10, quân đội Trung Quốc cho biết một tàu quân sự của Philippines đã “xâm nhập trái phép” vùng biển gần Bãi cạn Scarborough - cáo buộc mà phía Manila kiên quyết bác bỏ. (Reuters)
Trung Đông - Châu Phi
*Hamas dọa lặp lại cuộc tấn công bất ngờ vào Israel: Nguồn tin từ Viện nghiên cứu Truyền thông Trung Đông (MEMRI) công bố ngày 2/11 cho biết thủ lĩnh cấp cao Hamas tại Liban, ông Ghazi Hamad tuyên bố sẽ tấn công nhiều lần để "loại bỏ Israel khỏi khu vực".
Nhân vật này tuyên bố: “Chúng ta phải dạy cho Israel một bài học và chúng ta sẽ lặp lại nhiều lần. Chiến dịch Lũ lụt Al Aqsa chỉ là lần đầu tiên và sẽ có lần thứ 2, thứ 3 và thứ 4. Chúng ta có quyết tâm để chiến đấu”.
Ông Hamad cũng thừa nhận người Palestine đã phải trả giá bởi cuộc phản công của Israel, nhưng khẳng định “sẵn sàng trả giá” vì được người Arab “vinh danh” như những “liệt sỹ tử vì đạo”. (Reuters)
*Ai Cập giúp sơ tán 7.000 người nước ngoài khỏi Dải Gaza: Bộ Ngoại giao Ai Cập ngày 2/11 ra thông cáo khẳng định nước này sẽ hỗ trợ sơ tán “khoảng 7.000” công dân nước ngoài và người mang hai quốc tịch khỏi Dải Gaza trong bối cảnh xung đột tiếp tục leo thang.
Trong cuộc họp với các nhà ngoại giao nước ngoài, Trợ lý Ngoại trưởng Ai Cập Ismail Khairat cũng xác nhận Cairo sẵn sàng “tạo điều kiện thuận lợi cho công tác tiếp nhận và sơ tán công dân nước ngoài khỏi Gaza thông qua cửa khẩu Rafah”, đồng thời cho biết “con số này vào khoảng 7.000 người” đại diện cho “hơn 60” quốc tịch. (AFP)
*UAE và Jordan ký thỏa thuận 6 tỷ USD: Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Jordan ngày 1/11 đã ký Biên bản ghi nhớ (MoU) trị giá 6 tỷ USD về việc thúc đẩy các dự án đầu tư và phát triển giữa hai nước.
Mối quan hệ giữa UAE và Jordan đã phát triển ổn định trong hơn 50 năm qua. Các hiệp định và MoU hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác nhau đã được ký kết giữa hai nước, bao trùm các lĩnh vực quốc phòng, kinh tế và đầu tư.
UAE và Jordan có chung lập trường về các vấn đề Arab, Hồi giáo và nhân đạo, là nước đóng góp đáng kể cho sự phát triển của Jordan. Quỹ Phát triển Abu Dhabi của UAE đóng vai trò quan trọng trong việc tài trợ cho các sáng kiến phát triển và nhiều dự án cơ sở hạ tầng ở Jordan. Trao đổi thương mại phi dầu mỏ giữa hai nước đạt 16,5 tỷ AED (4,5 tỷ USD) trong năm 2022. (TTXVN)
*Nga lo ngại Mỹ phát triển phòng thí nghiệm sinh học ở châu Phi: Đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, Trưởng Ban thư ký “Diễn đàn Đối tác Nga - châu Phi” Oleg Ozerov bày tỏ quan ngại trước khả năng Mỹ có thể mở rộng phạm vi địa lý của mạng lưới phòng thí nghiệm sinh học ở châu Phi và e ngại rằng người châu Phi không biết đến kết quả nghiên cứu được thực hiện ở đất nước họ.
Trước đó, Chỉ huy Lực lượng phòng thủ bức xạ, hóa học và sinh học thuộc Các Lực lượng Vũ trang Nga - Trung tướng Igor Kirillov - cáo buộc Mỹ đang điều chuyển hoạt động nghiên cứu sinh học lưỡng dụng của nước này sang châu Phi. Theo ông, ở Cộng hòa Dân chủ Congo, Sierra Leone, Cameroon, Uganda và Nam Phi đang diễn ra các hoạt động tương tự. (Sputnik)
Châu Mỹ
*Nga yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh phong tỏa Cuba: Phát biểu tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ), Đại diện thường trực Nga Vasily Nebenzya cho biết Moscow đã yêu cầu Mỹ dỡ bỏ ngay lập tức và vô điều kiện lệnh phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính đối với Cuba.
Kêu gọi của Nga trong bối cảnh ĐHĐ LHQ đang nghiên cứu dự thảo nghị quyết hàng năm phản đối Washington phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính đối với La Habana.
Nga nhấn mạnh: “Cùng với đại đa số các thành viên của cộng đồng thế giới, chúng tôi yêu cầu dỡ bỏ ngay lập tức và vô điều kiện lệnh phong tỏa kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ đối với Cuba. Chúng tôi đồng tình với các điều khoản trong dự thảo nghị quyết của Đại hội đồng do La Habana đưa ra”. (TASS)
*Nhà Trắng xác nhận cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung sắp diễn ra: Nhà Trắng ngày 31/10 thông báo Tổng thống Mỹ Joe Biden sẽ hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong tháng bên lề Hội nghị Cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại San Francisco.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nêu rõ: “Cạnh tranh khốc liệt đồng nghĩa với ngoại giao khốc liệt. Chính sách của chúng tôi và cách thức chúng tôi tiến tới với Trung Quốc không thay đổi”. Tuy nhiên, bà từ chối cung cấp thông tin chi tiết về chương trình nghị sự của Tổng thống Biden.
*Ngoại trưởng Mỹ công du châu Á: Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo từ ngày 3/11, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken sẽ quay trở lại Israel với một nghị trình dày đặc và có tác động mạnh tới cuộc xung đột giữa Israel và Hamas tại Dải Gaza sau đó sẽ công du châu Á.
Tại Israel, ông Blinken sẽ nhấn mạnh sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel, cả về quyền tự vệ lẫn khoản viện trợ lên đến 14 tỷ USD đang chờ được Quốc hội thông qua. Đối với khu vực Bờ Tây, nhà ngoại giao Mỹ sẽ gây sức ép với Israel nhằm kiềm chế hành động bạo lực của binh sỹ cũng như người định cư Do Thái đối với người Palestine.
Sau đó, Ngoại trưởng Antony Blinken sẽ tới thăm Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Matthew Miller, trong chuyến thăm, Ngoại trưởng Blinken sẽ "thúc đẩy các nỗ lực hợp tác nhằm hỗ trợ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở để khu vực phát triển thịnh vượng, an toàn, kết nối và kiên cường".
Tại điểm dừng chân đầu tiên ở Tokyo, ông Blinken dự kiến sẽ tham dự Hội nghị Ngoại trưởng Nhóm các nước công nghiệp phát triển (G7) năm 2023. Sau chuyến thăm 2 nước Đông Bắc Á, Ngoại trưởng Mỹ sẽ tới New Delhi để tham gia Đối thoại cấp bộ trưởng 2+2 với sự tham gia của Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin. (Reuters)
Châu Âu:
Tổng thống Putin cảnh báo phương Tây sẽ tung thêm đòn trừng phạt nhằm vào Nga: Tổng thống Vladimir Putin ngày 1/11 cảnh báo phương Tây sẽ tăng cường các biện pháp trừng phạt Nga, và Moscow cần chuẩn bị sẵn sàng trước những hành động phá hoại cơ sở hạ tầng trọng yếu.
Tổng thống Putin đánh giá nền kinh tế Nga đang phát triển ổn định bất chấp sức ép từ phương Tây. Ông ghi nhận Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong 9 tháng đầu năm 2023 tăng trưởng 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi tiền lương tăng 7,5% theo giá trị thực và tỷ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp 3%.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin cũng cảnh báo phương Tây có thể sử dụng các biện pháp trừng phạt ngặt nghèo hơn, viện dẫn đề xuất của một số chính trị gia phương Tây về việc cấm xuất khẩu tua vít, kim tiêm và các vật dụng khác sang Nga.
Nhà lãnh đạo Nga cũng bày tỏ quan ngại về những hành động phá hoại tiềm tàng nhằm vào cơ sở hạ tầng trọng yếu, chẳng hạn như hệ thống đường ống, nhà máy điện hoặc mạng lưới thông tin liên lạc. (Tân hoa xã)