Tin thế giới 29/8: Nga nói về mâu thuẫn phương Tây-Ukraine, Ấn Độ bác bỏ 'bản đồ tiêu chuẩn' của Trung Quốc

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine thừa nhận bước tiến của Nga, con gái nêu tình trạng sức khỏe ông Thaksin… là một số tin quốc tế đáng chú ý 24 giờ qua.

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Ngoại trưởng Anh James Cleverly ngày 29/8. (Nguồn: DPA)

Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. và Ngoại trưởng Anh James Cleverly ngày 29/8. (Nguồn: DPA)

Báo Thế giới & Việt Nam điểm một số tin quốc tế nổi bật trong ngày.

Nga-Ukraine

* Nga phá hủy đoàn tàu chở đạn của Ukraine: Ngày 29/8, Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố quân đội nước này đã tấn công đoàn tàu chở đạn của Ukraine ở Donetsk. Thông báo nêu rõ: “Các tàu Nga đã triển khai các đợt tấn công bằng tên lửa có độ chính xác cao. Kết quả là đã phá hủy các toa tàu chở đạn pháo, vô hiệu hóa gần 30 quân nhân và làm hư hại tầm 10 thiết bị của VSU”.

Đoạn video của Bộ Quốc phòng Nga quay cảnh chiếc máy bay không người lái (UAV) trinh sát bay lượn phía trên một nhà ga đường sắt, nơi có đoàn tàu chở hàng. Sau đó, các tên lửa đã bắn trúng toa đạn dược và gây ra vụ nổ lớn. Cùng ngày, phía Nga cũng thông báo đã bắn rơi 2 UAV Ukraine ở tỉnh Tula. (TASS)

* Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine: Nga ‘tiến lên một chút’ ở Kupyansk: Ngày 28/8, nhận định về Kharkov, ông Oleksiy Reznikov cho biết: “Đây là động thái có thể hiểu được (của Nga) ...nhằm chuyển hướng sự chú ý của chúng ta, tấn công vào đó để chúng ta chuyển quân từ phía Nam và phía Đông. Tuy nhiên, Tướng (chỉ huy bộ binh Ukraine Oleksandr) Syrsky, người chỉ huy nhóm quân Khortytsya, đồng thời phòng thủ theo hướng đó và phản công theo hướng Bakhmut. Người Nga dường như đang tiến lên một chút ở đó (Kupyansk)”. Theo ông, tình hình theo hướng này rất khó khăn nhưng vẫn có thể kiểm soát.

Trước đó, người đứng đầu chính quyền tỉnh Kharkov do Nga bổ nhiệm, ông Vitaly Ganchev, cho biết giao tranh đang diễn ra gần làng Sinkovka ở ngoại ô Kupyansk. Theo ông, Các lực lượng vũ trang Ukraine đã rút khỏi đây. (Reuters)

* Nga: Phương Tây và Ukraine mâu thuẫn về xung đột: Ngày 29/8, trả lời câu hỏi của phóng viên về tuyên bố của Cố vấn Tổng thống Ukraine Mikhail Podolyak, khẳng định phương Tây ủng hộ toàn diện Kiev, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết: “Các đại diện của chính quyền Kiev muốn tin vào điều này. Tất nhiên, họ muốn làm mọi thứ có thể và không thể để lôi kéo các nước phương Tây vào xung đột này càng sâu càng tốt. Phương Tây nhận thức được sự nguy hiểm của điều này và nhận thức rằng cái giá phải trả cho việc tham gia cuộc xung đột này là không thể tránh khỏi. Vì vậy, hiện đang có mâu thuẫn về quan điểm. Chúng tôi đang theo dõi điều này rất kỹ lưỡng”. (TASS)

* Nga-Ukraine lên tiếng về phát ngôn của Giáo hoàng Francis: Trong một video được đăng tải trực tuyến được quay từ tuần trước, Giáo hoàng Francis đã nói với một nhóm con chiên tập trung tại Nhà thờ Công giáo ở St. Peterburg rằng: “Các con là con của người Nga vĩ đại, của các vị thánh vĩ đại, của các vị vua, của Peter Đại đế, của Catherine đệ Nhị, của một dân tộc Nga có nền văn hóa vĩ đại và nhân loại vĩ đại. Đừng bao giờ quên di sản vĩ đại này. Các con là người thừa kế của Nước Nga vĩ đại, hãy tiếp tục với điều đó”.

Ngay sau đó, Nga và Ukraine đã đưa ra phản ứng khác nhau về tuyên bố này. Phát biểu ngày 29/8, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov nói: “Giáo hoàng biết lịch sử Nga. Đó là một điều rất tốt”.

Về phần mình, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Oleg Nikolenko cho biết phát ngôn trên là “đáng tiếc”. Theo ông, chính các tuyên bố như vậy đã giúp Điện Kremlin “biện minh” cho hoạt động quân sự của mình.

Cùng ngày, Tòa thánh Vatican khẳng định Giáo hoàng không ca ngợi chủ nghĩa đế quốc quá khứ của Nga trong bài phát biểu nêu trên. Người phát ngôn Vatican Matteo Bruni cho hay nhận xét của Giáo hoàng là nhằm “khuyến khích giới trẻ bảo tồn và phát huy những gì tích cực trong di sản văn hóa và tinh thần vĩ đại của Nga. Bình luận “chắc chắn không (có ý định) tôn vinh logic của đế quốc và giới chức chính phủ”. (Reuters)

Mỹ-Trung

* Trung Quốc sẵn sàng cùng Mỹ tạo dựng môi trường kinh doanh thuận lợi: Ngày 29/8, Bộ Thương mại nước này đã ra thông cáo về cuộc hội đàm giữa Bộ trưởng Vương Văn Đào và người đồng cấp Mỹ Gina Raimondo tại Bắc Kinh.

Thông cáo nhấn mạnh: “Trung Quốc sẵn sàng phối hợp với Mỹ theo các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, chung sống hòa bình và hợp tác cùng có lợi nhằm thúc đẩy môi trường chính sách lành mạnh cho hợp tác kinh doanh, tăng cường thương mại và đầu tư song phương”. Tại hội đàm, hai bên đã trao đổi thẳng thắn và mang tính xây dựng về quan hệ thương mại và kinh tế song phương. Trong đó, ông Vương Văn Đào cho rằng “quan hệ kinh tế và thương mại đóng vai trò nền tảng cho mối quan hệ Trung-Mỹ rộng lớn hơn và thương mại song phương có ý nghĩa quan trọng đối với cả hai nền kinh tế nói riêng và kinh tế thế giới nói chung”.

Bắc Kinh cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về chính sách bán dẫn của Mỹ, các khoản trợ cấp mang tính phân biệt đối xử và các biện pháp trừng phạt với các công ty Trung Quốc. Thông cáo viết: “Ông Vương nói rằng chính sách khái quát hóa quá mức về an ninh quốc gia không có lợi cho trao đổi kinh tế và thương mại bình thường, đồng thời, các biện pháp đơn phương và bảo hộ - vốn không phù hợp với quy tắc thị trường và nguyên tắc cạnh tranh công bằng - sẽ chỉ làm xáo trộn an ninh và ổn định của chuỗi cung ứng và công nghiệp toàn cầu”.

Ông Vương Văn Đào và bà Raimondo cũng nhất trí về lập nhóm công tác giải quyết vấn đề tranh cãi và tổ chức các cuộc gặp thường xuyên, ít nhất là mỗi năm 1 lần. (Sputnik)

Đông Nam Á

* Anh khẳng định quan hệ đối tác với Philippines: Ngày 29/8, trong khuôn khổ chuyến công du Philippines, Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã gặp Tổng thống nước này Ferdinand Marcos Jr. và người đồng cấp chủ nhà Enrique Manalo để thảo luận về an ninh trên biển, thương mại và môi trường. Trong khuôn khổ chuyến thăm, ông đã thăm Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines. Ngoại trưởng Cleverly nhấn mạnh ông đến để “hiểu về công việc họ làm nhằm duy trì Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 và bảo vệ môi trường”.

Phát biểu khi gặp gỡ người đồng cấp chủ nhà, ông nhấn mạnh Anh muốn xây dựng “mối quan hệ đối tác lâu dài với Philippines và các quốc gia có cùng quan điểm trong khu vực này”. Về phần mình, Ngoại trưởng Manalo nêu rõ, chuyến thăm của ông Cleverly “báo hiệu sự tăng cường quan hệ song phương của chúng ta về thương mại, đầu tư, an ninh, hợp tác hàng hải và các lĩnh vực khác”. (AFP)

* Pheu Thai nêu đề cử Bộ trưởng Quốc phòng: Ngày 28/8, trang Thai PBS World cho biết đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) đã quyết định đề cử phó lãnh đạo của đảng này Sutin Klungsang, làm bộ trưởng quốc phòng của chính phủ mới.

Ông Sutin là một chính trị gia kỳ cựu của đảng Pheu Thai. Trước đó, chính trị gia này dự kiến được bổ nhiệm vào vị trí Bộ trưởng Giáo dục vì ông từng là một giáo viên trước khi bước vào chính trường. Tuy nhiên, do là một người ôn hòa về mặt chính trị nên ông Sutin được cho là sẽ được quân đội chấp nhận ở vị trí mới.

Ông Sutin không phải là người đầu tiên không thuộc lực lượng vũ trang đảm nhiệm chức Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan. Trước đó, các cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra, Samak Sundaravej và Chuan Leekpai cũng giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng dù không xuất thân từ lực lượng vũ trang.

Cùng lúc, Thủ tướng Srettha Thavisin cũng hạ thấp kỳ vọng rằng sẽ không có bất kỳ cuộc “cải cách triệt để” nào đối với quân đội dưới chính quyền của ông. Trả lời báo giới về kế hoạch cải tổ quân đội, ông Srettha cho biết: “Như tôi đã nói, tôi không thích từ ‘cải cách’. Ưu tiên của tôi là cùng nhau (quân đội) phát triển”.

Pheu Thai là một trong những đảng chính trị đưa cải cách quân đội thành chính sách nền tảng trong tổng tuyển cử vừa qua. Đảng này đề xuất cắt giảm quy mô quân đội và áp đặt các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hơn với việc mua lại vũ khí.

Tuy nhiên, các nguồn tin ở Pheu Thai cho biết ông Srettha đang chịu áp lực từ các thành viên phe “áo đỏ” vì loại Tướng Nattaphon Narkphanit, cựu Tổng thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia, khỏi danh sách ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng. Tướng Nattaphon, người được Thủ tướng sắp mãn nhiệm Prayut Chan-o-cha ủng hộ mạnh mẽ về lĩnh vực quốc phòng, đã bị chỉ trích vì bị cáo buộc có vai trò trong các hoạt động trấn áp người tuần hành ủng hộ cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra năm 2010, khi ông đang phục vụ trong quân đội. (Thai PBS World)

* Thủ tướng Thái Lan, Lào điện đàm: Ngày 29/8, Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp Lào Sonexay Siphandone.

Đài truyền hình Quốc gia Lào cho biết, lãnh đạo chính phủ hai nước đã đạt được sự đồng thuận về việc tiếp tục hợp tác kinh tế song phương và tạo môi trường thuận lợi cho hợp tác thương mại và đầu tư. Lào và Thái Lan cũng nhất trí phối hợp đẩy nhanh các dự án phát triển cơ sở hạ tầng hướng tới sự hội nhập và kết nối khu vực và tiểu vùng. Điều này bao gồm cả việc mở rộng mạng lưới đường bộ, tích hợp lưới điện và kết nối đường sắt. Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết tiếp tục hợp tác về năng lượng sạch và nỗ lực đảm bảo an ninh năng lượng nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của hoạt động phát triển công nghiệp.

Thủ tướng Lào Sonexay Siphandone đã nhấn mạnh mối quan hệ hữu nghị và hợp tác lâu dài giữa hai nước, đồng thời cho biết hai nước đã nâng tầm quan hệ lên thành quan hệ đối tác chiến lược về tăng trưởng và phát triển bền vững. Về phần mình, tân Thủ tướng Thái Lan Srettha Thavisin bày tỏ ủng hộ Lào làm chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) trong năm 2024. (Tân hoa xã)

* Thái Lan: Ông Thaksin sẽ vẫn ở lại Bệnh viện Cảnh sát: Ngày 29/8, Trả lời phóng viên tại trụ sở đảng Pheu Thai, bà Paetongtarn Shinawatra, con gái cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra cho biết, cựu Thủ tướng đang mệt mỏi và kiệt sức nhưng vẫn có thể nói chuyện với bà.

Bà cũng cho biết ông Thaksin từng bị Covid-19 và phải nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt (ICU) trong 9 ngày. Song điều khiến bà lo ngại là bệnh tim của ông. Theo bà Paetongtarn, ông Thaksin mệt mỏi và căng thẳng kể từ khi trở về Thái Lan và có vẻ việc thay đổi chỗ ở đã ảnh hưởng đến sức khỏe của ông. Song bà cho biết cha mình rất vui khi gặp con gái và tinh thần của ông vẫn rất mạnh mẽ.

Về khả năng xin Hoàng gia ân xá, bà Paetongtarn cho biết cha bà sẽ tự mình đưa ra quyết định đó và gia đình sẽ đồng ý với mọi ý nguyện của ông cho dù thế nào. Ở thời điểm hiện tại, ông vẫn sẽ tiếp tục ở lại Bệnh viện Cảnh sát. (Bangkok Post)

Nam Á

* Ngoại trưởng Ấn Độ bác bỏ các yêu sách lãnh thổ của Trung Quốc: Ngày 29/8, trả lời phỏng vấn độc quyền của kênh NDTV (Ấn Độ), Ngoại trưởng nước này S. Jaishankar đã bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc về lãnh thổ tranh chấp, cho rằng đó là yêu sách là “vô lý”, khẳng định những khu vực này thuộc về Ấn Độ. Ông nêu rõ: “Việc (Bắc Kinh) đưa ra tuyên bố vô lý về lãnh thổ của Ấn Độ không khiến lãnh thổ đó trở thành của Trung Quốc”. Theo nhà ngoại giao này, Trung Quốc có “thói quen” công bố các bản đồ như vậy và khẳng định rằng việc chỉ đưa lãnh thổ của các quốc gia khác vào bản đồ của mình chẳng có ý nghĩa gì.

Trước đó, chính quyền Trung Quốc đã công bố “bản đồ tiêu chuẩn chính thức”, bao gồm bang Arunachal Pradesh và cao nguyên Aksai Chin, khu vực do Trung Quốc quản lý nhưng Ấn Độ tuyên bố là lãnh thổ chính thức của mình. (TTXVN)

Đông Bắc Á

* Trung Quốc cam kết “bảo vệ” người nước ngoài sau vụ Fukushima: Ngày 29/8, phản hồi thông tin cho rằng người dân và doanh nghiệp Nhật Bản bị tấn công sau khi quá trình xả thải ở Fukushima bắt đầu, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân nêu rõ: “Bắc Kinh luôn đảm bảo an toàn và quyền hợp pháp của người nước ngoài ở Trung Quốc, phù hợp với luật pháp”. Ông cũng khẳng định Trung Quốc đã “hồi đáp mối quan ngại của Nhật Bản”.

Trước đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Hayashi Yoshimasa tuyên bố hành động quấy rối mà người Nhật phải đối mặt ở trong nước và tại Trung Quốc là điều “hết sức đáng tiếc”, đồng thời xác nhận vụ ném gạch vào Đại sứ quán nước này ở Bắc Kinh. (AFP)

Châu Âu

* Nga sẽ tiếp tục chương trình thám hiểm Mặt Trăng: Ngày 29/8, nhận định về thất bại của sứ mệnh đưa tàu vũ trụ Luna-25 lên Mặt Trăng hồi đầu tháng, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov cho biết: “Đây không phải là lý do để tuyệt vọng, cũng không phải khiến chúng tôi phải vò đầu bứt tóc. Đây là một lý do để phân tích nguyên nhân (của thất bại) và tránh lặp lại vào lần sau”.

Trước đó, tàu Luna-25, sứ mệnh Mặt Trăng đầu tiên của Nga kể từ năm 1976, đã rơi xuống Mặt Trăng ngày 19/8 sau khi điều khiển quỹ đạo thất bại. Vài ngày sau đó, một tàu vũ trụ của Ấn Độ đã hạ cánh thành công xuống Mặt Trăng. (Reuters)

* Đức bắt giữ nghi phạm bán linh kiện UAV cho Nga: Ngày 29/8, Các công tố viên liên bang Đức thông báo cơ quan chức năng nước này đã bắt giữ một người Nga gốc Đức liên quan đến việc bán các linh kiện điện tử được sử dụng trong thiết bị quân sự, bao gồm cả UAV hiện đang được Nga sử dụng ở Ukraine. Theo đó, từ tháng 1/2020 đến tháng 3/2023, thông qua công ty của mình ở phía Tây nước Đức, nghi phạm, được xác định là Waldemar W., đã 26 lần bán các linh kiện cho một công ty ở Nga chuyên sản xuất thiết bị quân sự.

Trong một tuyên bố, các công tố viên cho biết linh kiện nghi can cung cấp là “Orlan 10”, một bộ phận rất phổ biến của UAV, đồng thời cho rằng loại thiết bị đặc biệt này hiện đang được quân Nga ở Ukraine sử dụng. Theo họ, để lách lệnh cấm vận, nghi phạm này đầu tiên nhập hàng từ nước ngoài sang Đức, trước khi chuyển chúng cho 2 công ty dân sự giả có trụ sở tại Nga. Sau đó các công ty này của Nga đảm bảo sẽ chuyển những linh kiện đó đến nhà sản xuất thiết bị quân sự.

Đáng chú ý, trước khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, những linh kiện này cũng đã nằm trong danh sách các mặt hàng chịu lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt từ năm 2014 đối với Moscow liên quan đến việc sáp nhập Crimea.

Sau khi xung đột xảy ra, nghi phạm trên được cho là đã gửi hàng qua Dubai và Lithuania, với sự trợ giúp của những địa chỉ giả ở nước ngoài. Các công tố viên ước tính giá trị của giao dịch này là 715.000 Euro (khoảng 770.000 USD). (TTXVN)

Trung Đông-Châu Phi

* Foreign Policy: Bạo loạn ở Niger có thể dẫn đến đảo chính ở 2 nước khác: Ngày 29/8, Foreign Policy (Mỹ) dẫn lời các quan chức và chuyên gia giấu tên của nước này nhận định đảo chính ở Niger có thể dẫn đến sự thay đổi chế độ chính trị ở cả Ghana và Senegal. Tờ này nhấn mạnh: “Nếu cuộc đảo chính ở Niger không được đảo ngược hoặc các hoạt động ngoại giao không được tiến hành, điều đó có thể làm tăng nguy cơ khiến các quốc gia khác trong khu vực, như Senegal và Ghana, cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc đảo chính quân sự”.

Đồng thời, khủng hoảng ở Niger cũng chứng tỏ rằng Mỹ đã mất quyền kiểm soát tình hình ở khu vực Sahel ở châu Phi: “Cuộc đảo chính ở Niger có thể làm suy yếu triển vọng của Mỹ trong việc ngăn chặn làn sóng khủng bố Hồi giáo ở Sahel. Xu hướng này làm trầm trọng thêm khủng hoảng nhân đạo trong khu vực”. (Reuters)

Minh Vương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/tin-the-gioi-298-nga-noi-ve-mau-thuan-phuong-tay-ukraine-an-do-bac-bo-ban-do-tieu-chuan-cua-trung-quoc-240153.html