Tin thế giới 6/5: Quan hệ Trung Quốc-EU 'soi sáng thế giới', thủ đô Moscow của Nga bị tấn công, Mỹ đình chỉ tài trợ Đại học Havard
Báo Thế giới và Việt Nam điểm một số sự kiện quốc tế nổi bật trong 24h qua.

Phản ứng của lãnh đạo đảng Bảo thủ Đức Friedrich Merz sau khi không đạt đủ số phiếu tại Quốc hội để được bầu làm Thủ tướng ngày 6/5. (Nguồn: Reuters)
Châu Á-Thái Bình Dương
* Quan hệ Trung Quốc-EU "soi sáng thế giới": Trong bối cảnh kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Trung Quốc-EU, Chủ tịch Tập Cận Bình bày tỏ sẵn sàng hợp tác với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) trên tinh thần cởi mở và xử lý thích đáng bất đồng.
Ngày 6/5, hãng tin Tân hoa xã dẫn lời phát biểu của ông Tập trong bối cảnh Bắc Kinh đang tích cực thúc đẩy quan hệ kinh tế và chính trị với châu Âu nhằm hạn chế tác động từ các biện pháp thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump với hàng hóa xuất khẩu Trung Quốc.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: "Quan hệ Trung Quốc-EU ổn định và lành mạnh không chỉ thúc đẩy thành tựu chung mà còn soi sáng thế giới". Nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng kêu gọi EU cùng bảo vệ công bằng, chính nghĩa và phản đối hành vi bắt nạt đơn phương, đồng thời mô tả quan hệ song phương là một trong những mối quan hệ có ảnh hưởng nhất thế giới. (Tân Hoa xã)
* Myanmar lặng tiếng súng đến cuối tháng: Ngày 6/5, Văn phòng Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Myanmar thông báo gia hạn lệnh ngừng bắn tạm thời đến ngày 31/5. Việc gia hạn trên có hiệu lực kể từ ngày 6/5, nhằm hỗ trợ nỗ lực phục hồi và tái định cư ở những khu vực bị ảnh hưởng do động đất, phục vụ lợi ích của đất nước và người dân, đồng thời thúc đẩy hòa bình và ổn định lâu dài.
Lực lượng vũ trang Myanmar ban bố lệnh ngừng bắn tạm thời từ ngày 2-30/4 để đẩy nhanh các hoạt động cứu hộ và tái định cư sau trận động đất mạnh 7,9 độ xảy ra tại nước này vào ngày 28/3. Trong thời gian ngừng bắn tạm thời, các nhóm vũ trang được yêu cầu không làm gián đoạn hoặc tấn công các tuyến đường lưu thông của người dân, không gây hại hoặc phá hủy cuộc sống và tài sản của dân thường.
Bên cạnh đó, họ không được tấn công nhân viên an ninh và địa điểm làm việc, không thực hiện các mệnh lệnh quân sự, không tuyển mộ hoặc huy động lực lượng để làm suy yếu hòa bình, và không tham gia các hoạt động chuẩn bị mở rộng lãnh thổ. Lực lượng vũ trang Myanmar sẽ áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết để giữ an toàn cho người dân nếu để xảy ra các tình huống trên. (China.org)
* Pakistan làm nóng bầu không khí Nam Á: Hãng Reuters ngày 6/5 đưa tin, Pakistan tiến hành vụ thử tên lửa thứ hai chỉ trong ba ngày kể từ ngày 5/5. Trong khi đó, Ấn Độ đã ra lệnh cho một số tiểu bang tiến hành tập trận vì lo ngại sẽ xảy ra xung đột quân sự với Islamabad.
Căng thẳng giữa hai nước gia tăng kể từ khi xảy ra vụ việc 26 khách du lịch theo đạo Hindu thương vong vào ngày 22/4 ở khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Đây là vụ tấn công nhắm vào dân thường tồi tệ nhất ở Ấn Độ trong gần hai thập kỷ. Tổ chức đánh giá tín dụng Moody's cảnh báo, quan hệ xấu đi giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân có thể cản trở các cải cách kinh tế của Pakistan.
Khu vực Kashmir là tâm điểm xảy ra xung đột giữa Ấn Độ với đa số người theo đạo Hindu và Pakistan với đa số người theo đạo Hồi trong suốt nhiều thập kỷ. Cả hai đều tuyên bố chủ quyền toàn bộ khu vực này nhưng chỉ kiểm soát một phần. (Reuters)

Tranh chấp biên giới là vấn đề nóng trong quan hệ Ấn Độ và Pakistan. (Nguồn: Newweek)
Châu Âu
* Thủ tướng tương lai của Đức bất ngờ 'sẩy chân': Lãnh đạo đảng Bảo thủ Đức Friedrich Merz không giành được đa số phiếu cần thiết trong vòng bỏ phiếu đầu tiên tại Quốc hội để trở thành Thủ tướng, đánh dấu một trở ngại bất ngờ đối với liên minh mới giữa ông và đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả. Theo Chủ tịch Quốc hội Julia Kloeckner, ông Merz, 69 tuổi, chỉ nhận được 310 phiếu ủng hộ - thiếu 6 phiếu để đạt mức 316 phiếu cần thiết để được bầu làm Thủ tướng.
Sau khi công bố kết quả, bà Kloeckner thông báo tạm ngừng phiên họp để các nhóm nghị sĩ tham khảo ý kiến và thống nhất cách thức tiếp theo. Theo quy định, Quốc hội Liên bang Đức (Bundestag) có 14 ngày để bầu Thủ tướng.
Trước đó, liên minh bảo thủ CDU/CSU do ông Merz dẫn dắt đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2 với 28,5% số phiếu, nhưng không đủ để tự đứng ra thành lập chính phủ. Ngày 5/5, CDU/CSU đã ký thỏa thuận liên minh với đảng SPD, lực lượng chỉ giành được 16,4% phiếu - mức ủng hộ thấp kỷ lục trong lịch sử hiện đại của đảng này. (DW)
* Thủ đô Moscow của Nga bị tấn công: Rạng sáng ngày 6/5, hơn 100 máy bay không người lái (UAV) đã tấn công các khu vực khác nhau trên lãnh thổ Nga, bao gồm cả thủ đô Moscow và các vùng ngoại ô. Tổng cộng 105 UAV đã bị lực lượng phòng không Nga bắn hạ trong đợt tấn công lớn nhất trong thời gian gần đây. Các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất gồm Bryansk (32 UAV bị bắn rơi), Voronezh (22 UAV), vùng Moscow (19 UAV), Penza (10 UAV).
Ngoài ra là các vùng Kaluga, Belgorod cũng là hai trong nhiều mục tiêu khác trong cuộc tấn công lần này. Tại Moscow, thị trưởng Sergey Sobyanin xác nhận rằng hệ thống phòng không đã hoạt động suốt đêm để đánh chặn UAV. Một mảnh vỡ từ máy bay không người lái đã rơi trúng một tòa nhà dân cư trên đại lộ Kashirskoye, gây thiệt hại về cơ sở vật chất, nhưng chưa có thông tin về thương vong.
Trước tình hình đe dọa từ trên không, Nga đã kích hoạt kế hoạch khẩn cấp “Tấm thảm” (Kover) tại các sân bay trong khu vực Moscow. Biện pháp này đồng nghĩa với việc cấm toàn bộ hoạt động cất và hạ cánh, nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách và máy bay. (TASS)
* Romania có quyền Thủ tướng mới: Văn phòng Tổng thống Romania thông báo ngày 6/5, Bộ trưởng Nội vụ Catalin Predoiu đã được bổ nhiệm làm quyền Thủ tướng, 1 ngày sau khi Thủ tướng Romania Marcel Ciolacu tuyên bố từ chức.
Ông Predoiu, 56 tuổi, từng giữ chức quyền Thủ tướng năm 2012 và hiện là quyền Chủ tịch đảng Tự do (PNL). Trước đó, Thủ tướng Marcel Ciolacu tuyên bố từ chức sau khi ứng cử viên cực hữu George Simion giành chiến thắng trong vòng một cuộc bầu cử Tổng thống lại, và Tòa án Hiến pháp nước này hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử hồi tháng 11/2024 do lo ngại sự can thiệp từ nước ngoài.
Trong vòng bỏ phiếu này, ông Simion giành gần 41% số phiếu, gấp đôi số phiếu của Thị trưởng Nicusor Dan, một ứng cử viên độc lập. Theo kế hoạch, hai ứng cử viên sẽ bước vào cuộc bỏ phiếu vòng hai của cuộc bầu cử Tổng thống. (Euronews)

Ông Predoiu, 56 tuổi, từng giữ chức quyền Thủ tướng Romania năm 2012 và hiện là quyền Chủ tịch đảng Tự do (PNL). (Nguồn: Forbes.ro)
Trung Đông-Châu Phi
* Chiến sự Israel-Hezbollah tiếp tục đỏ lửa: Ngày 5/5, quân đội Israel cho biết đã tấn công "cơ sở vũ khí chiến lược" và các địa điểm ở miền Đông và miền Nam Lebanon được cho là có liên quan đến phong trào Hezbollah. Theo quân đội Israel, Hezbollah đã sử dụng cơ sở trên "để sản xuất và lưu trữ vũ khí chiến lược". Do đó, Tel Aviv cảnh báo sẽ tiếp tục thực hiện các bước đi nhằm ngăn chặn và loại bỏ nguy cơ an ninh đối với nhà nước Israel.
Cùng ngày, máy bay chiến đấu Israel đã thực hiện 6 cuộc không kích nhắm vào các khu vực trống ở miền Đông nước này. Máy bay không người lái và trực thăng của Israel cũng thực hiện 3 cuộc không kích, phá hủy 4 ngôi nhà ở Tayr Harfa.
Các cuộc tấn công ngày 5/5 là diễn biến mới nhất trong loạt cuộc không kích thường xuyên mà Israel đã thực hiện, bất chấp lệnh ngừng bắn đạt được vào tháng 11/2024, chấm dứt 14 tháng giao tranh xuyên biên giới giữa Israel và Hezbollah. (Reuters)
* Anh muốn trưng dụng tài sản nước ngoài của Libya: Ủy ban xác minh tài sản bị phong tỏa ở nước ngoài của Libya (CVLFAO) bác bỏ mọi nỗ lực của Anh nhằm tịch thu hoặc thao túng các khoản tiền bị đóng băng của quốc gia Bắc Phi. Ngày 5/5, CVLFAO khẳng định việc Anh cân nhắc sử dụng những khoản tiền bị phong tỏa của Tripoli để bồi thường cho các nạn nhân của Quân đội Cộng hòa Ireland (IRA) trong các cuộc tấn công những năm 1970-1980 là vi phạm luật pháp quốc tế và nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.
Libya đưa ra tuyên bố trên sau khi Hạ viện Anh thảo luận về khả năng sử dụng tài sản bị phong tỏa của Tripoli để bồi thường cho các nạn nhân trong những vụ đánh bom do IRA thực hiện.
Theo thống kê chính thức, tổng giá trị các tài sản bị phong tỏa của Libya lên tới khoảng 200 tỷ USD, trong đó, châu Âu nắm giữ 37%, Bắc Mỹ 33%, châu Phi 23%, Trung Đông 6% và Nam Mỹ 1%. Các tài sản này bao gồm trái phiếu và công cụ tài chính do các ngân hàng trên toàn thế giới nắm giữ, cùng với những khoản đầu tư của Cơ quan đầu tư Libya (LIA) vào nhiều lĩnh vực và công ty lớn ở châu Âu. (Libya Observer)
* Liên đoàn Arab kêu gọi ngừng bắn tại Sudan: Liên đoàn Arab (AL) ngày 5/5 ra tuyên bố lên án những cuộc tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) do Lực lượng hỗ trợ nhanh (RSF) bán quân sự tiến hành nhằm vào thành phố Port Sudan, đồng thời cảnh báo những hành động như vậy có nguy cơ làm suy yếu sự ổn định của quốc gia Đông Bắc Phi và đe dọa hòa bình khu vực.
Tổng thư ký AL Ahmed Aboul-Gheit lên án những vụ tấn công hôm 4/5 của RSF vào Port Sudan, tác động tiêu cực đến dân thường và dòng chảy viện trợ nhân đạo qua thành phố nằm trên bờ Biển Đỏ. Ông Aboul-Gheit nhấn mạnh hành vi phá hoại các thể chế và cơ sở hạ tầng của Sudan không chỉ ảnh hưởng đến tương lai, sự thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia Đông Bắc Phi, mà còn đe dọa nghiêm trọng đến hòa bình và ổn định trong khu vực. (African News)
Châu Mỹ-Mỹ Latinh

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đóng băng 2,2 tỷ USD tài trợ cho Đại Harvard vào tháng trước, đồng thời đe dọa tước bỏ quy chế miễn thuế dành cho cơ sở giáo dục nổi tiếng này. (Nguồn: Bloomberg)
* Mỹ đình chỉ tài trợ cho Đại học Havard: Bộ Giáo dục Mỹ ngày 6/5 thông báo sẽ tạm thời đình chỉ hàng tỷ USD tài trợ nghiên cứu và các khoản viện trợ liên bang khác cho Đại học Harvard cho đến khi ngôi trường này có thể đáp các yêu cầu do chính quyền Tổng thống Trump đưa ra.
Trong một lá thư gửi tới Harvard, Bộ trưởng Giáo dục Mỹ Linda McMahon nhấn mạnh rằng nhà trường phải giải quyết hàng loạt vấn đề, bao gồm các cáo buộc liên quan đến chủ nghĩa bài Do Thái trong khuôn viên trường, các chính sách tuyển sinh có xét đến yếu tố chủng tộc và những khiếu nại về việc Harvard thiếu cam kết với “chuẩn mực học thuật bậc cao” khi tuyển dụng quá ít giảng viên có quan điểm bảo thủ.
Đáp lại, Harvard khẳng định các điều kiện do Bộ trưởng McMahon nêu ra là “chưa từng có tiền lệ và không phù hợp”, đồng thời cảnh báo việc đình chỉ tài trợ có thể cản trở những nghiên cứu y tế và khoa học đang cứu sống con người. (CNN)
* Colombia quyết triệt phá băng đảng ma túy: Ngày 5/5, giới chức Colombia cho biết đã bắt giữ 217 thành viên của Gulf Clan - băng nhóm buôn bán ma túy lớn nhất nước này. Gulf Clan đã thực hiện các vụ tấn công nhằm vào lực lượng an ninh khiến 16 cảnh sát và 5 binh sĩ thiệt mạng. Trong chiến dịch truy quét, lực lượng an ninh đã bắt giữ 217 thành viên Gulf Clan kể từ ngày 15/4, đồng thời tiêu diệt 15 nghi phạm buôn bán ma túy, thu giữ 6,8 tấn ma túy, 123 khẩu súng và hơn 15.000 viên đạn.
Tổng thống Colombia Gustavo Petro cũng cáo buộc Gulf Clan đứng sau kế hoạch “giết người có hệ thống” nhằm vào các nhân viên an ninh của nước này. Theo Bộ trưởng Nội vụ Armando Benedetti, Gulf Clan đã trả cho các thành viên từ 2.300-3.500 USD để sát hại cảnh sát. Theo ước tính của chính phủ, nhóm này có khoảng 7.500 thành viên, chuyên khai thác vàng trái phép, tống tiền và buôn người di cư.
Hoạt động bắt giữ trên diễn ra trong bối cảnh Colombia đang hứng chịu làn sóng bạo lực tồi tệ nhất kể từ khi Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) ký thỏa thuận hòa bình với chính phủ năm 2016. Tháng trước, Bộ trưởng Benedetti cũng thừa nhận chiến lược theo đuổi "hòa bình toàn diện" của Tổng thống Petro thông qua đối thoại với nhiều nhóm vũ trang đã không đạt kết quả đáng kể. (AFP)