Tin Thị trường: Châu Á mua khối lượng kỷ lục dầu thô Mỹ

Châu Á mua khối lượng kỷ lục dầu thô của Mỹ; Các công ty nước ngoài hưởng lợi lớn từ Đạo luật giảm phát của Mỹ...

Châu Á mua khối lượng kỷ lục dầu thô Mỹ

Châu Á lên kế hoạch vận chuyển khối lượng dầu thô Mỹ gần mức kỷ lục vào tháng tới, theo các nguồn tin thương mại nói với Reuters.

Từ 1,5 triệu đến 1,9 triệu thùng dầu thô mỗi ngày của Mỹ - hầu hết trong số đó là WTI Midland - sẽ đến châu Á vào tháng 8, gần bằng mức kỷ lục 2,2 triệu thùng/ngày chuyển đến châu Á từ Mỹ vào tháng Tư.

WTI tiếp tục hấp dẫn các nhà máy lọc dầu châu Á, những người coi đây là một món hời so với chuẩn Dubai của Trung Đông. Chênh lệch giá giữa hai loại dầu ở mức 5,4 USD/thùng vào ngày 20/7 vừa qua. Mức này giảm từ 6,08 USD/thùng trong tháng 6, nhưng cao hơn mức 3,93 USD mà các nhà máy lọc dầu châu Á tiết kiệm được trong tháng 5.

Dòng dầu thô của Mỹ đến châu Á cũng tăng sau hai lần Ả Rập Xê-út nâng giá bán chính thức (OSP) cho dầu thô.

"Trung Quốc đã nhập khẩu hạn chế hơn từ Ả Rập Xê-út trong những tháng gần đây và đang thu mua dầu thô từ mọi nơi để lấp vào khoảng trống nguồn cung", một thương nhân tại Singapore nói với Reuters. Công ty Tư vấn Năng lượng Aspects kỳ vọng rằng dòng dầu thô của Mỹ vào châu Á cũng sẽ tăng trong quý thứ ba.

"Chúng tôi dự báo xuất khẩu của Mỹ sang châu Á sẽ tăng trong Quý III năm 2023, với việc Trung Quốc và thậm chí Nhật Bản mua các lô hàng Midland với quy mô lớn", Energy Aspects nói với Reuters.

Dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 700.000 thùng trong tuần trước, một phần do xuất khẩu dầu thô nhiều hơn.

UAE: Cắt giảm của OPEC+ là đủ để hỗ trợ thị trường

Bộ trưởng Năng lượng của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), Suhail al-Mazrouei, mới đây nói với Reuters rằng các động thái cắt giảm sản lượng dầu hiện tại của OPEC+ là đủ để hỗ trợ thị trường.

Theo quan chức ngành Năng lượng UAE, những hành động mà nhóm OPEC+ đã thực hiện cho đến nay là đủ.

Bộ trưởng al-Mazrouei nói: "Những gì chúng tôi đang làm là đủ. Chúng tôi nhóm họp liên tục và nếu cần có những hàng động khác, chúng tôi sẽ thực hiện".

Tại Hội thảo quốc tế OPEC ở Vienna vào đầu tháng này, Bộ trưởng Năng lượng Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman nói rằng liên minh OPEC+ sẽ làm bất cứ điều gì cần thiết để hỗ trợ thị trường dầu, sau khi Riyadh và Moscow lần lượt tuyên bố cắt giảm khai thác và xuất khẩu trong tháng tới.

Ả Rập Xê-út, nhà xuất khẩu dầu thô hàng đầu thế giới, cho biết sẽ gia hạn cắt giảm sản lượng dầu đơn phương 1 triệu thùng/ngày cho tới hết tháng 8. Vương quốc này sẽ khai thác khoảng 9 triệu thùng/ngày trong cả tháng 7 và tháng 8 sau khi gia hạn cắt giảm tự nguyện.

Các công ty nước ngoài hưởng lợi từ Đạo luật giảm phát của Mỹ

Một phân tích của tờ Wall Street Journal cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài là một trong số những người được lợi nhiều nhất trong Đạo luật Giảm phát ở Mỹ (IRA) vì các ưu đãi đã thúc đẩy rất nhiều khoản đầu tư vào công nghệ năng lượng sạch từ các công ty nước ngoài.

Đạo luật Giảm phát Mỹ (IRA) có gần 370 tỷ USD dành cho các điều khoản về khí hậu và năng lượng sạch, bao gồm tín dụng đầu tư và sản xuất cho năng lượng mặt trời, gió, sản xuất và lưu trữ pin, khoáng sản quan trọng, tài trợ cho nghiên cứu năng lượng, và tín dụng cho sản xuất công nghệ năng lượng sạch chẳng hạn như turbine gió và tấm pin mặt trời. Vì các khoản tín dụng thuế trong IRA thường không liên quan đến khối lượng đầu ra, nên những nhà đầu tư lớn nhất vào sản xuất theo quy mô, bao gồm các doanh nghiệp có trụ sở ở nước ngoài, là những người hưởng lợi nhiều nhất.

Trong gần một năm kể từ khi được thông qua, IRA đã khuyến khích công bố các dự án năng lượng sạch trị giá gần 110 tỷ USD ở Mỹ. Các công ty có trụ sở bên ngoài Mỹ tham gia vào hơn 60% các dự án này, theo phân tích của WSJ. Nhiều trong số các công ty nước ngoài tham gia vào các dự án năng lượng sạch của Mỹ có trụ sở tại Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc, theo ước tính của WSJ.

Kể từ khi IRA được thông qua, một số bang của Mỹ đã tìm cách thu hút các công ty công nghệ sạch và năng lượng sạch của châu Âu đầu tư vào hoạt động sản xuất và vận hành của Mỹ vì họ sẽ được hưởng lợi từ các quy định về năng lượng sạch trong Đạo luật Giảm phát.

Một số công ty có trụ sở tại châu Âu đã công bố kế hoạch mở rộng hoạt động tại Mỹ do bị thu hút bởi các điều khoản trong IRA.

Bình An

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-thi-truong-chau-a-mua-khoi-luong-ky-luc-dau-tho-my-690188.html