Tin Thị trường: Giá dầu thế giới giảm trở lại
Giá dầu thế giới giảm trở lại sau thời điểm bật tăng; Giá khí đốt đảo chiều tăng mạnh...
Giá dầu thế giới giảm trở lại
Tính đến đầu giờ chiều nay 12/12 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giảm trở lại khi neo ở mức 67,31 USD/thùng, trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở ngưỡng 71,2 USD/thùng.
Theo Reuters, ngày 11/12, Liên minh Châu Âu (EU) đã nhất trí với gói trừng phạt thứ 15 đối với Nga vì chiến dịch quân sự đặc biệt mà nước này đang tiến hành tại Ukraine. Trừng phạt trên có thể sẽ được thông qua tại cuộc họp của các Bộ trưởng Ngoại giao EU vào thứ 2 tuần tới, nhắm vào gần 30 tổ chức, hơn 50 cá nhân và 45 tàu chở dầu.
Các nhà phân tích bày tỏ sự lo ngại việc trừng phạt Nga lúc này có thể gây ảnh hưởng đến giá dầu những ngày cuối năm.
Tuy nhiên, dữ liệu tồn kho dầu thô Mỹ tăng mạnh đã gây sức ép lên đà tăng của giá dầu. Theo Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho xăng của Mỹ tăng 5,1 triệu thùng, tồn kho sản phẩm chưng cất tăng 3,2 triệu thùng.
Bên cạnh đó, OPEC cũng vừa quyết định hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu cho năm 2024 và 2025 trong tháng thứ năm liên tiếp, với mức cắt giảm tương đối lớn. Cụ thể, OPEC đã cắt giảm mức tăng trưởng nhu cầu năm 2024 là 210.000 thùng/ngày xuống còn 1,6 triệu thùng/ngày, thấp hơn 27% so với ước tính đầu tiên được đưa ra vào tháng 7, Bloomberg đưa tin.
Giá khí đốt đảo chiều tăng mạnh
Theo ghi nhận vào đầu giờ chiều 12/12 (giờ Việt Nam), giá khí đốt tự nhiên thế giới đảo chiều tăng mạnh 6,47% lên mức 3,275 USD/mmBTU đối với hợp đồng khí gas tự nhiên giao tháng 12/2024.
Giá LNG giao ngay tại Châu Á trong tuần qua giảm do tồn kho cao làm giảm nhu cầu, nhưng giá vẫn gần mức cao nhất trong năm nay, trong khi giá khí đốt Châu Âu tăng do lo ngại về nguồn cung.
Chuyên gia phân tích LNG và khí đốt tự nhiên tại Kpler Go Katayama cho biết nhiệt độ ở Đông Bắc Á sẽ tiếp tục lạnh hơn. Giá tại Châu Á sẽ ổn định nhưng có một số rủi ro do nguồn cung phục hồi từ Pluto và Freeport, khí đốt qua đường ống từ Nga đến Trung Quốc tăng và nguồn cung ở Nhật Bản tăng.
Tại Châu Âu, giá khí đốt ổn định trong bối cảnh thời tiết lạnh hơn trong tuần này và việc rút kho dự trữ khí đốt nhanh hơn. Chuyên gia phân tích LNG Alex Froley cho biết, các cơ sở lưu trữ khí đốt của Châu Âu thấp hơn mức của hai năm trước, mặc dù vẫn cao hơn nhiều so với cùng thời điểm năm 2021 trước cuộc khủng hoảng năng lượng năm 2022.
Tiêu thụ điện tại Mỹ tiếp tục lập kỷ lục
Theo ước tính mới nhất của Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), tiêu thụ điện của nước này dự kiến sẽ đạt mức cao nhất mọi thời đại trong năm nay và sau đó là vào năm 2025.
Tổng mức tiêu thụ điện của Mỹ sẽ tăng lên 4.086 tỷ kilowatt giờ (kWh) trong năm nay và lên 4.165 tỷ kWh vào năm tới, EIA dự báo trong Triển vọng Năng lượng Ngắn hạn (STEO) mới nhất.
Mức tiêu thụ trong năm 2024 và 2025 tăng so với mức kỷ lục trước đó được ghi nhận vào năm 2022 là 4.067 tỷ kWh.
Trong giai đoạn mùa đông 2024/2025, EIA dự kiến tổng mức tiêu thụ điện sẽ tăng 2% so với mùa đông năm ngoái, do dự kiến nhiệt độ sẽ lạnh hơn và nhu cầu tiếp tục tăng từ các trung tâm dữ liệu.
Nhu cầu điện của Mỹ đã tăng vọt trong năm qua, do sự bùng nổ của AI và trung tâm dữ liệu, và nước này đang sử dụng khối lượng khí đốt tự nhiên ngày càng tăng để đáp ứng mức tiêu thụ tăng. Các công ty sản xuất điện đang công bố kế hoạch sản xuất khối lượng lớn nhất công suất điện chạy bằng khí đốt tự nhiên mới trong nhiều năm.