Tin Thị trường: Nga tăng nhập khẩu xăng để ổn định nguồn cung trong nước
Các công ty khí đốt Mỹ vẫn lạc quan dù giá thấp; Nga tăng nhập khẩu xăng từ Belarus để đối phó với những thiếu hụt...
Đồng USD mạnh lên tác động đến giá dầu
Đồng USD mạnh hơn đã gây áp lực lên dầu, với chỉ số đồng USD tăng phiên thứ hai liên tiếp. Đồng tiền Mỹ tăng giá khiến dầu, vốn được định giá bằng USD trở nên đắt hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác, từ đó giảm nhu cầu mua vào.
Giới phân tích cho biết, dự trữ dầu thô và xăng của Mỹ bất ngờ tăng vọt cũng làm tăng thêm áp lực lên giá dầu. Theo dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 3,2 triệu thùng trong khi tồn kho xăng tăng 1,3 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 22/3 vừa qua. Các nhà phân tích tham gia cuộc khảo sát của hãng tin Reuters dự kiến tồn kho dầu thô của Mỹ sẽ giảm 1,3 triệu thùng và tồn kho xăng giảm 1,7 triệu thùng.
Dữ liệu của EIA cho thấy nhu cầu xăng của nước này giảm tuần thứ hai liên tiếp xuống 8,7 triệu thùng/ngày, từ 8,8 triệu thùng/ngày trong tuần trước.
Các nguồn tin thân cận chia sẻ với Reuters rằng, Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đồng minh (OPEC+), khó có thể thay đổi chính sách sản lượng dầu cho đến cuộc họp cấp bộ trưởng vào tháng 6 tới.
OPEC+ trong tháng này đã đồng ý gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng khoảng 2,2 triệu thùng/ngày đến cuối tháng 6/2024, mặc dù Nga và Iraq đã phải nỗ lực nhiều hơn nữa để giải quyết tình trạng dư thừa sản lượng.
Kết quả cuộc khảo sát của Reuters cho thấy, những khó khăn đó đã đặt ra câu hỏi về khả năng của nhóm trong việc tuân thủ các mức cắt giảm đã thỏa thuận, khi mà OPEC đã vượt mục tiêu sản lượng 190.000 thùng/ngày trong tháng 2.
Nga tăng nhập khẩu xăng từ Belarus
Nga đã tăng nhập khẩu xăng từ nước láng giềng Belarus trong tháng 3 để giải quyết nguy cơ thiếu hụt tại thị trường nội địa do việc sửa chữa đột xuất tại các nhà máy lọc dầu của Nga sau các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái, bốn nguồn tin công nghiệp và thương mại tiết lộ hôm 27/3.
Thông thường, Nga là nước xuất khẩu ròng nhiên liệu và là nhà cung cấp cho thị trường quốc tế, nhưng sự gián đoạn trong hoạt động lọc dầu của nước này đã buộc các công ty dầu mỏ phải nhập khẩu.
Nga đã cấm xuất khẩu xăng từ ngày 1/3 để cố gắng đảm bảo đủ nhiên liệu cho thị trường nội địa sau nhiều cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Ukraine vào các nhà máy lọc dầu của Nga kể từ đầu năm. Nga thường nhập khẩu rất ít nhiên liệu từ Belarus, mặc dù nước này đã chuyển sang nhập khẩu từ tháng 8 đến tháng 10 năm ngoái, trong bối cảnh phải đối mặt với tình trạng thiếu nhiên liệu dẫn đến giá xăng tăng nhanh và dẫn đến một lệnh cấm xuất khẩu sản phẩm dầu khác.
Năm nay, Nga lại tăng nhập khẩu xăng từ Belarus và trong nửa đầu tháng 3, lượng xăng này đạt gần 3.000 tấn, các nguồn tin của Reuters quen thuộc với số liệu thống kê cho biết. Trong tháng 2, Nga nhập khẩu 590 tấn, trong khi tháng 1 không có lô hàng nào từ Belarus. Hai nguồn tin giấu tên trong ngành tiết lộ rằng các cuộc thảo luận về việc nhập khẩu thêm đang diễn ra giữa chính phủ và các công ty dầu mỏ.
Các nguồn tin trong ngành cho biết các công ty dầu mỏ của Nga có thể tăng nguồn cung dầu cho các nhà máy lọc dầu của Belarus để đổi lấy thêm các sản phẩm dầu mỏ cung cấp cho Nga.
Các công ty khí đốt Mỹ vẫn lạc quan
Bất chấp giá khí đốt tự nhiên ở Mỹ thấp trong nhiều năm, các công ty trong nước vẫn lạc quan về triển vọng dài hạn của khí đốt, cả ở Mỹ và nước ngoài.
Tình trạng dư cung hiện tại trên thị trường khí đốt tự nhiên của Mỹ dự kiến sẽ giảm bớt trong những tháng tới do nhiều hãng khai thác đang cắt giảm sản lượng để đối phó với tình trạng giảm giá trong tháng 2, khiến giá xuống mức thấp nhất trong ba thập kỷ.
Trong tháng này, giá khí đốt tự nhiên giao ngay tại trung tâm Waha ở Tây Texas, Permian, đã âm, giảm xuống mức thấp -1,16 USD trên một triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) vào ngày 18 tháng 3, theo dữ liệu EIA. Giá âm, nghĩa là các công ty phải trả tiền để khí được chuyển ra khỏi khu vực khai thác, trong bối cảnh cung vượt cầu, thiếu cơ sở hạ tầng vận chuyển và hệ thống đường ống của Công ty Khí đốt Tự nhiên El Paso (EPNG) đang được bảo trì liên tục, đường ống vận chuyển khí tự nhiên đi về phía tây từ lưu vực Permian.
Trong khi đó, giá chuẩn của Mỹ tại Henry Hub, trong những ngày gần đây ở mức khoảng 1,6 USD/MMBtu, thấp hơn khoảng 75% so với giá trung bình vào năm 2022.
Các nhà sản xuất khí đốt tự nhiên và vận hành đường ống của Mỹ thừa nhận tình trạng dư cung trên thị trường, nhưng tin rằng nhu cầu khí đốt trong nước và quốc tế sẽ còn tăng trong nhiều thập kỷ tới. Do đó, các công ty Mỹ coi sự sụt giảm hiện tại của thị trường là một cú thoái lui không thể tránh khỏi trong một ngành có tính chu kỳ.
Chad Zamarin, Phó chủ tịch điều hành phát triển chiến lược doanh nghiệp tại các nhà điều hành đường ống Williams Companies, nói với Reuters bên lề Hội nghị CERAWeek ở Houston tuần trước: "Chắc chắn sẽ mất một thời gian để LNG rời khỏi Mỹ và nguồn cung chậm lại một chút để tái cân bằng".