Tin Thị trường: Trung Quốc tăng cường nhập khẩu khí đốt tự nhiên và than đá
Trung Quốc tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên và than đá khi giá giảm một nửa; xuất khẩu dầu của Nga ghi nhận mức giảm mạnh;...
Giá dầu thế giới tăng do nhu cầu tăng
Tính đến đầu giờ chiều nay 16/5 (theo giờ Việt Nam), giá dầu thô Mỹ WTI giao dịch ở ngưỡng 79,09 USD/thùng - tăng 0,59%; trong khi giá chuẩn Brent dừng lại ở mức 83,21 USD/thùng - tăng 0,56%.
Giá tiêu dùng của Mỹ tăng ít hơn dự kiến trong tháng 4 do kỳ vọng của thị trường tài chính về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ cắt giảm lãi suất vào tháng 9, điều này có thể làm dịu sức mạnh của đồng USD và khiến dầu trở nên hợp lý hơn đối với những người nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Dữ liệu từ Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy tồn kho dầu thô, xăng và sản phẩm chưng cất của Mỹ giảm, phản ánh sự gia tăng trong cả hoạt động lọc dầu và nhu cầu nhiên liệu.
EIA cho biết, tồn kho dầu thô giảm 2,5 triệu thùng xuống 457 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 10/5, so với dự báo 543.000 thùng của nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.
Trong khi đó, ANZ Research nhận định rằng các dấu hiệu lạm phát chậm lại và nhu cầu mạnh hơn đang hỗ trợ giá, cũng như rủi ro địa chính trị mà họ cho rằng vẫn còn cao.
Mức tăng bị hạn chế sau khi Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cắt giảm dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu năm 2024, làm gia tăng khoảng cách giữa quan điểm của cơ quan này và quan điểm của nhóm OPEC.
IEA nhận thấy nhu cầu dầu toàn cầu năm nay sẽ tăng 1,1 triệu thùng/ngày, giảm 140.000 thùng/ngày so với dự báo trước đó, phần lớn do nhu cầu yếu ở các quốc gia phát triển thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế.
Xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh
Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), xuất khẩu dầu thô và các sản phẩm dầu tinh chế của Nga đã giảm trong tháng 4 xuống mức thấp nhất trong 5 tháng.
Báo cáo hàng tháng của IEA cho thấy Nga đã xuất khẩu tổng cộng 7,3 triệu thùng dầu thô và các sản phẩm dầu mỗi ngày trong tháng 4. Xuất khẩu tháng 4 thấp hơn 6,4% so với tháng trước đó.
Xuất khẩu cả dầu thô và sản phẩm dầu của Nga thấp hơn là do việc giảm công suất lọc dầu ở Nga do các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái từ Ukraine và kế hoạch cắt giảm sản lượng như một phần của thỏa thuận OPEC+.
Tuy nhiên, dữ liệu của Bộ tài chính Nga hồi đầu tháng này cho thấy doanh thu từ dầu khí của Nga đạt 13,5 tỷ USD (1,23 nghìn tỷ Ruble) trong tháng 4. Theo ước tính của Bloomberg, Điện Kremlin đã nhận được gần gấp đôi thu nhập từ dầu mỏ cho ngân sách Nga trong cùng tháng năm 2023.
Theo Bloomberg, đồng Ruble yếu hơn và giá dầu thô Urals hàng đầu của Nga cao hơn trong bối cảnh giá dầu quốc tế cao hơn đã góp phần mang lại doanh thu cao hơn từ các loại thuế liên quan đến dầu mỏ và từ tổng doanh thu bán dầu khí.
Doanh thu từ dầu mỏ của Nga tăng gấp đôi cho thấy rõ những khó khăn của các nước phương Tây trong việc giảm thu nhập từ dầu mỏ của Moscow, bất chấp việc áp mức trần giá dầu Nga và việc tăng cường thực thi lệnh trừng phạt trong những tháng gần đây.
Sau lệnh cấm, dầu thô của Nga đã tìm được các khách hàng ở Trung Quốc và Ấn Độ, trong khi LNG của Nga - không bị trừng phạt - vẫn đang đến các cảng châu Âu. Điều này đã làm tăng khối lượng LNG nhập khẩu trong hai năm qua.
Tháng trước, tính toán của Reuters cũng cho thấy giá dầu tăng cao dự kiến sẽ khiến doanh thu từ dầu khí của Nga trong tháng 4 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái.
Nga dự kiến sẽ bỏ túi 14 tỷ USD (1,292 nghìn tỷ Ruble) từ dầu khí trong tháng 4. Con số này cao gấp đôi so với 7 tỷ USD (648 tỷ Ruble) mà Nga nhận được từ dầu khí so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc tăng nhập khẩu khí đốt tự nhiên và than
Kể từ đầu năm 2024, Trung Quốc đã tăng cường nhập khẩu than và khí đốt tự nhiên do nước này muốn dự trữ thêm nhiên liệu cho các nhà máy điện trước mùa hè trong bối cảnh giá quốc tế trong 4 tháng đầu năm nay chỉ bằng một nửa mức của năm ngoái.
Theo dữ liệu được Bloomberg, nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Trung Quốc đã tăng 21% trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 4 so với một năm trước đó, trong khi nhập khẩu than tăng 13%.
Giá LNG chuẩn của châu Á trung bình hơn 9 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh (MMBtu) trong quý đầu tiên của năm 2024, so với giá LNG trung bình khi giao vào Bắc Á là 18 USD/MMBtu trong quý đầu tiên của năm ngoái, theo Bloomberg.
Giá than cũng giảm xuống mức trung bình 127 USD/tấn đối với hợp đồng tương lai than Newcastle ở Australia, nhà xuất khẩu than chủ chốt, trong quý đầu tiên của năm 2024. Con số này gần bằng một nửa so với mức giá trung bình 236 USD/tấn giai đoạn tháng 1 - tháng 3 năm 2023.
Lượng than nhập khẩu ngày càng tăng của Trung Quốc trong năm nay đang thách thức những kỳ vọng trước đó rằng Bắc Kinh sẽ không ngừng mua than vào năm 2024.
Hồi tháng 3 vừa qua, một giám đốc điều hành của Tập đoàn Năng lượng Quảng Đông thuộc sở hữu nhà nước của Trung Quốc cho biết nhập khẩu than của nước này trong năm nay dự kiến sẽ ở mức kỷ lục vào năm 2023.
Tuy nhiên, dữ liệu tháng trước cho thấy nhập khẩu than bằng đường biển của Trung Quốc đã tăng 17% trong quý đầu tiên.
Sản lượng than ở Trung Quốc đã biến động trong năm nay sau khi chính quyền tỉnh Sơn Tây, khu vực sản xuất than hàng đầu, hồi tháng 2 ra lệnh cho các công ty khai thác giảm sản lượng và tiến hành kiểm tra an toàn từ tháng 3 đến tháng 5, sau một số sự cố nghiêm trọng tại các mỏ than ở Trung Quốc.
Theo một kế hoạch được nhà chức trách Trung Quốc công bố, giá than và nhu cầu yếu hơn cùng với việc đóng cửa các mỏ do đợt kiểm tra an toàn sẽ khiến sản lượng than ở tỉnh Sơn Tây giảm 4% trong năm nay, lần đầu tiên sau 7 năm.