Tin tức đặc biệt trên báo in Hànôịmới ngày 10-9-2024
Thực hiện tốt hơn nữa phương châm '4 tại chỗ' để khắc phục hậu quả bão, lũ; Bảo vệ cây xanh đô thị tại Hà Nội - Nhìn lại sau siêu bão; Rước họa với đủ kiểu chữa bệnh độc, lạ; Cảnh giác ngộ độc thực phẩm 'tấn công' sau mưa bão; Cựu thanh niên xung phong giàu lòng nhân ái; Tiền đề để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững… là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànôịmới số ra ngày 10-9-2024.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài:
Thực hiện tốt hơn nữa phương châm “4 tại chỗ” để khắc phục hậu quả bão, lũ
Chiều 9-9, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội chủ trì họp Ban Thường vụ Thành ủy tiếp tục chỉ đạo về công tác phòng, chống lụt bão trên địa bàn thành phố.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đặc biệt yêu cầu cấp ủy Đảng, chính quyền các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn phải thực hiện nghiêm tinh thần chủ động một cách thực chất theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ). Người đứng đầu cấp ủy phải quán xuyến công việc, huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nhân dân để giải quyết kịp thời những nhiệm vụ đặt ra trên địa bàn, nhất là việc bảo vệ an toàn cho dân, bảo vệ tài sản, giải tỏa cây xanh, vệ sinh môi trường... Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tích cực tham gia công tác khắc phục hậu quả của bão số 3. Ban Thường vụ Thành ủy sẽ có công văn chỉ đạo cụ thể về vấn đề này.
Bảo vệ cây xanh đô thị tại Hà Nội - Nhìn lại sau siêu bão
Hàng chục ngàn cây xanh, trong đó có nhiều cây cổ thụ hàng trăm tuổi đã bật gốc, gãy đổ sau siêu bão Yagi (bão số 3). Vẫn biết khả năng chống chịu của cây trước sức gió giật mạnh nhất trong vòng 30 năm qua là hữu hạn. Song đây cũng là lúc cần rút ra nhiều bài học trong việc bảo vệ cây xanh - tài sản quý giá của Thủ đô.
Rút ra bài học từ bão số 3, Công ty Công ty TNHH Một thành viên Công viên cây xanh Hà Nội kiến nghị, các chủ đầu tư dự án thực hiện thi công hạ ngầm, cải tạo hè, chỉnh trang hạ tầng kỹ thuật trên các tuyến đường, phố phải có biện pháp bảo đảm tuyệt đối không làm ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh, phương án thiết kế không để nổi rễ, nổi bầu, chặt rễ cây; có biện pháp gia cố, bảo vệ cây xanh, trong quá trình thi công không làm cây bị nổi bầu, bật gốc, nghiêng, đổ. Ngoài ra, người dân cũng cần nâng cao ý thức chăm sóc, bảo vệ cây xanh, phối hợp với đơn vị quản lý cây xanh trong việc phát hiện các trường hợp cây nguy hiểm, xử lý sự cố cây xanh trên địa bàn Thủ đô kịp thời, chính xác.
Rước họa với đủ kiểu chữa bệnh độc, lạ
Dù đã có nhiều cảnh báo nhưng không ít người vẫn áp dụng các “mẹo” chữa bệnh độc, lạ được truyền miệng, như: Cho ong đốt, nhịn ăn, uống hoa đu đủ, đắp lá trầu không, đắp thuốc lào… để rồi rước họa vào thân, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng. Các chuyên gia y tế lưu ý, khi thấy đau, thấy bệnh, người dân không nên tin theo những phương pháp chưa được kiểm chứng, thiếu cơ sở khoa học mà bỏ lỡ “thời gian vàng” điều trị bệnh.
Để tránh những hậu quả đáng tiếc, bác sĩ Vũ Thị Hương Giang khuyến cáo, khi gặp bất cứ vấn đề gì về sức khỏe, người bệnh nên lựa chọn những địa điểm uy tín, chất lượng, có chuyên môn để thăm khám và điều trị bệnh. Người dân nên tránh sử dụng những bài thuốc không rõ nguồn gốc, chỉ sử dụng các thuốc được chứng nhận từ các cơ sở y tế uy tín. Khi sử dụng các bài thuốc y học cổ truyền cần phải tham khảo ý kiến của người có chuyên môn để chỉ định liều lượng phù hợp.
Cảnh giác ngộ độc thực phẩm “tấn công” sau mưa bão
Bão số 3 đã khiến nhiều nơi trên địa bàn Hà Nội và một số tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc rơi vào cảnh ngập úng, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống sinh hoạt của người dân. Đây cũng là thời điểm môi trường sống ô nhiễm sau mưa bão, tạo nên nguy cơ ngộ độc thực phẩm.
Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội Đặng Thanh Phong khuyến cáo, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm và người tiêu dùng tuyệt đối không sử dụng thực phẩm bị ngâm trong nước, bị ôi thiu, mốc hỏng; tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thủy sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm. Các gia đình cũng cần chú ý thực hiện “Ăn chín, uống sôi”. Tất cả đồ ăn, thức uống cần đun sôi trước khi ăn uống; rửa tay sạch trước khi ăn uống và sau khi đi vệ sinh. Bảo quản tốt thực phẩm đã chế biến, phòng, chống côn trùng, động vật gây bệnh và ruồi, nhặng xâm nhập. Dùng nước sạch, an toàn để chế biến thức ăn, đồ uống và rửa dụng cụ chế biến thức ăn. Khi có một trong các biểu hiện ngộ độc thực phẩm cần đến ngay các cơ sở y tế gần nhất để được khám, tư vấn và điều trị kịp thời.
Cựu thanh niên xung phong giàu lòng nhân ái
Bà Nguyễn Thị Kim Chung, Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong phường Trúc Bạch (quận Ba Đình) từng đảm nhiệm nhiều vai trò ở phường và tổ dân phố. Nhiều người quý mến bà bởi sự tận tâm, trách nhiệm trong thực hiện công việc, đặc biệt là thường xuyên tham gia những hoạt động tình nguyện, giúp đỡ cộng đồng.
Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch Nguyễn Dân Huy đánh giá: “Bác Nguyễn Thị Kim Chung làm tốt nhiệm vụ Chủ tịch Hội Cựu thanh niên xung phong, giúp đỡ, chăm lo các hội viên. Đồng thời, bác nhiệt tình tham gia các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn phường, tích cực tham gia các hoạt động thiện nguyện”.
Tiền đề để Hà Nội phát triển nhanh, bền vững
Theo yêu cầu của Quốc hội, việc sửa đổi Luật Thủ đô năm 2012 phải bám sát chủ trương, chính sách, yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong các nghị quyết của Trung ương và trên cơ sở kết quả sơ kết, tổng kết thực tiễn để định ra các cơ chế, chính sách, giải pháp phát triển Thủ đô theo Nghị quyết số 15-NQ/TƯ của Bộ Chính trị. Đây chính là cơ hội, tiền đề để Hà Nội vươn lên tầm cao mới, phát triển nhanh và bền vững, đáp ứng yêu cầu và sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, sự mong đợi của nhân dân cả nước đối với Thủ đô.
Tiếp thu ý kiến cử tri, đại biểu Quốc hội, HĐND thành phố, các sở, ngành và đơn vị trên địa bàn Hà Nội, vấn đề làm thế nào để hoàn thiện tổ chức, bộ máy chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả cũng được Ban soạn thảo đặc biệt quan tâm. Cùng với đó là tăng cường phân quyền, phân cấp cho Hà Nội nhằm tạo sự chủ động, sáng tạo, tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại của Thủ đô gắn với cơ chế kiểm soát quyền lực; các chương trình, dự án kết nối liên vùng, liên tỉnh…
Theo Bộ Tư pháp, đây chính là tiền đề để quy phạm hóa thành các cơ chế, chính sách cụ thể, mang tính đặc thù vượt trội phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển Thủ đô của cả nước, tạo cơ chế vượt trội, đột phá để Hà Nội giải quyết các bất cập.