Tin tức đặc biệt trên báo in Hànôịmới ngày 7-2-2025
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tham gia Tết trồng cây tại Thường Tín; Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội phải về đích đúng hẹn; Hoàn thiện công cụ tổ chức không gian Thủ đô; Cơ chế vượt trội xử lý các xung đột pháp luật; 'Lá phổi xanh' vẫn là bãi đất trống; Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2025 tăng 0,98%; Học lịch sử từ du lịch về nguồn… là những thông tin đáng chú ý trên Báo Hànôịmới số ra ngày 7-2-2025.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài tham gia Tết trồng cây tại Thường Tín
Sáng 6-2, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Bùi Thị Minh Hoài đã tham gia chương trình “Tết trồng cây đời đời nhớ ơn Bác Hồ” Xuân Ất Tỵ 2025 tại vườn hoa Quý Nương (thị trấn Thường Tín, huyện Thường Tín). Năm 2025, huyện Thường Tín phấn đấu trồng và chăm sóc 21.570 cây, trong đó có 5.300 cây bóng mát, 16.270 cây ăn quả.
Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 trên địa bàn Hà Nội phải về đích đúng hẹn
Tại buổi thăm, chúc Tết và động viên cán bộ, công nhân tại công trường thi công Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội tại huyện Thường Tín, sáng 6-2, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16-6-2022 và Chính phủ hướng dẫn triển khai thực hiện tại Nghị quyết số 106/NQ-CP ngày 18-8-2022, với tiến độ cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027. Chủ đầu tư dự án, nhà thầu thi công, tư vấn giám sát cùng toàn thể công nhân, người lao động đang làm việc tại Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô trên địa bàn thành phố Hà Nội bám sát kế hoạch, nỗ lực hoàn thành xây dựng chất lượng, an toàn và đúng hẹn.
Hoàn thiện công cụ tổ chức không gian Thủ đô
Phó Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội Nguyễn Bá Nguyên cho biết, trước đây, thực hiện Luật Quy hoạch Đô thị, Sở đã hoàn thiện Quy chế Quản lý quy hoạch, kiến trúc chung thành phố Hà Nội và được UBND thành phố phê duyệt tại Quyết định số 70/2014/QĐ-UBND ngày 12-9-2014. Tuy nhiên, sau khi Luật Kiến trúc ra đời (năm 2019), quy chế cần nhấn mạnh quản lý kiến trúc nhiều hơn, đặc biệt phải căn cứ theo Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Quy chế Quản lý kiến trúc thành phố Hà Nội vừa được công bố là một trong những nội dung quan trọng, cụ thể hóa chỉ đạo, định hướng tại các nghị quyết của Trung ương và Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065.
Cơ chế vượt trội xử lý các xung đột pháp luật
Luật Thủ đô năm 2024 có rất nhiều cơ chế, chính sách vượt trội, tạo điều kiện để Thủ đô phát triển. Để luật đi vào đời sống, quy định về áp dụng Luật Thủ đô được xây dựng hoàn toàn mới, nhất là trong xử lý các xung đột pháp luật, không chịu nhiều ràng buộc bởi các luật khác.
Theo Hội đồng Phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật Hà Nội, cơ sở pháp lý xử lý các xung đột pháp luật trong trường hợp có sự khác nhau sẽ giúp Luật Thủ đô năm 2024 được rành mạch hơn, khắc phục những vướng mắc lớn trong thực tiễn áp dụng Luật Thủ đô năm 2012 và một số nghị quyết của Quốc hội thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho một số địa phương hiện đang được triển khai.
“Lá phổi xanh” vẫn là bãi đất trống
Từ năm 2010, UBND quận Cầu Giấy đã lựa chọn nhà đầu tư dự án xây dựng Công viên - hồ điều hòa thuộc khu đô thị Tây Nam Hà Nội. Dự án có diện tích trên 112.000m2, mức đầu tư 1.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đã 15 năm qua, dự án được kỳ vọng là “lá phổi xanh” của quận vẫn chỉ là bãi đất trống.
Theo kế hoạch, dự án mang lại cho người dân quận Cầu Giấy những tiện ích của một khu công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí, kết hợp hoạt động thể dục, thể thao. Tuy nhiên, sự mong chờ của người dân đã kéo dài 15 năm. Phần đất dự án vẫn quây tôn nhiều năm. Các lớp tôn han gỉ, có biểu hiện gãy đổ, phần máy móc của công trình sau nhiều năm không sử dụng nên đã ố màu do phơi nắng, mưa, bên trong cỏ dại mọc um tùm.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2025 tăng 0,98%
Tổng cục Thống kê ngày 6-2 cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1-2025 tăng 0,98% so với tháng trước. Nguyên nhân chính là do một số địa phương đã điều chỉnh giá dịch vụ y tế, dịch vụ giao thông cộng với giá thực phẩm tăng do nhu cầu trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ.
Học lịch sử từ du lịch về nguồn
Với mục đích xây dựng những sản phẩm du lịch bền vững gắn với lịch sử, văn hóa của dân tộc, nhiều đơn vị lữ hành đã thiết kế tour du lịch về nguồn hấp dẫn du khách. Những tour du lịch về nguồn này không chỉ nâng tầm điểm đến mà còn giúp du khách có thêm kiến thức về lịch sử dân tộc.