Tin tức kinh tế ngày 1/6: Livestream bán hàng sẽ phải nộp thuế

Livestream bán hàng sẽ phải nộp thuế; Tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng tích cực; Giá điều thô tăng mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 1/6.

Livestream bán hàng sẽ phải nộp thuế (Ảnh minh họa)

Livestream bán hàng sẽ phải nộp thuế (Ảnh minh họa)

Giá vàng đồng loạt giảm

Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 1/6, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2327,39 USD/ounce, giảm 18,59 USD so với cùng thời điểm ngày 31/5.

Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 1/6, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 83-87 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 3.300.000 đồng ở chiều mua và giảm 1.800.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 31/5.

Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 83,05-85,95 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 1.70.000 đồng ở chiều mua và giảm 1.550.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 31/5.

Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 83-85,9 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giảm 1.800.000 đồng ở chiều mua và giảm 1.600.000 đồng ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 31/5.

Livestream bán hàng sẽ phải nộp thuế

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết, người có doanh thu và thu nhập từ livestream bán hàng sẽ phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân.

Thông tin trên được Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1/6.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi, hoạt động livestream bán hàng trên mạng có thể phát sinh doanh thu, thu nhập. Do đó, đây là hoạt động kinh tế, phải chịu sự điều chỉnh của pháp luật về thuế, như với thương mại điện tử (TMĐT) nói chung.

Quốc tế đánh giá tích cực về kinh tế Việt Nam

Sáng 1/6, phát biểu kết luận Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tốt hơn tháng 4; tính chung 5 tháng năm 2024 đạt kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.

Thủ tướng cho biết nhiều tổ chức, chuyên gia quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam. Trong đó, Ngân hàng phát triển châu Á, Ngân hàng Standard Chartered, HSBC dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam khoảng 6%, thuộc nhóm 5 nước tăng trưởng nhanh nhất châu Á.

Quỹ tiền tệ quốc tế đánh giá Việt Nam là đại diện Đông Nam Á duy nhất lọt vào top 10 với dự báo tăng trưởng 6,4%, giai đoạn 2024 - 2029. Xếp hạng môi trường kinh doanh tăng 12 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu xếp hạng tăng 2 bậc; chỉ số phát triển con người (HDI) tăng 8 bậc; chỉ số hạnh phúc năm 2024 tăng 11 bậc…

Tăng trưởng kinh tế tiếp tục xu hướng tích cực

Tại họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra chiều 1/6, Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết: Kinh tế xã hội tháng 5/2024 và 5 tháng đầu năm nay tiếp tục xu hướng tích cực ở cả 3 khu vực.

Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định. Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, tháng 5/2024 tăng 3,9% so với tháng 4 và tăng 8,9% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 6,8%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 9,5%; 5 tháng đầu năm nay tăng 8,7%.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 4,03%. Tỷ giá, lãi suất có xu hướng ổn định. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm.

Giá điều thô tăng mạnh, doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó

Theo Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas), thời điểm cuối tháng 2 và tháng 3/2024, các doanh nghiệp Việt Nam ký hợp đồng mua điều thô, khi đó giá điều nguyên liệu ở mức 1.000 - 1.100 USD/tấn. Tuy nhiên, chỉ trong vòng hơn 1 tháng, giá điều thô đã được đẩy lên tới 1.500 - 1.600 USD/tấn, tăng gần 50% so với trước. Đây là diễn biến từ trước đến nay chưa từng xảy ra.

Thông thường, các doanh nghiệp chế biến cũng đã ký kết đơn hàng xuất khẩu điều nhân dựa trên giá mua điều thô. Với mức tăng giá như hiện nay, doanh nghiệp chế biến không thể cân đối giá bán và phải chịu thua lỗ lớn. Với việc đứt gãy nguồn cung ứng điều thô, khả năng nhiều doanh nghiệp Việt Nam không đủ nguồn hàng để thực hiện hợp đồng xuất khẩu.

Nhiều doanh nghiệp lo ngại, quý III, quý IV năm nay sẽ không có hàng xuất khẩu. Từ đó bùng nổ tranh chấp hợp đồng giữa doanh nghiệp Việt Nam với các nhà chiên rang hạt điều và siêu thị nước ngoài. Chúng ta có nguy cơ bị phạt hợp đồng, mất uy tín, mất thị trường xuất khẩu.

P.V (t/h)

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-16-livestream-ban-hang-se-phai-nop-thue-712189.html