Tin tức kinh tế ngày 12/10: Giá gạo châu Á chạm mức thấp nhất trong hơn một năm
Giá gạo châu Á chạm mức thấp nhất trong hơn một năm; Kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia tăng 21,9%; Xuất khẩu cá ngừ đông lạnh tăng trưởng mạnh… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 12/10.
Giá vàng tiếp tục tăng mạnh
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 12/10, theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay đứng ở mức 2657,26 USD/ounce, tăng 13,61 USD so với cùng thời điểm ngày 11/10.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 12/10, giá vàng SJC trong nước được niêm yết tại TP HCM ở mức 82,5-84,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 11/10.
Tại DOJI, giá vàng niêm yết tại Hà Nội ở mức 82,5-84,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 11/10.
Trong khi tại Bảo Tín Minh Châu, giá vàng SJC được niêm yết ở mức 82,5-84,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), giữ nguyên ở cả chiều mua và ở chiều bán so với cùng thời điểm ngày 11/10.
Giá gạo châu Á chạm mức thấp nhất trong hơn một năm
Tuần này, giá gạo tại các trung tâm xuất khẩu chính ở châu Á đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn một năm qua, do nhu cầu chậm lại và nguồn cung tăng sau khi Ấn Độ nới lỏng các quy định hạn chế xuất khẩu đối với mặt hàng chủ lực này.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán với giá 538 USD/tấn trong phiên 10/10, so với mức 552 USD/tấn của một tuần trước đó. Đây là mức giá thấp nhất kể từ tháng 7/2023.
Giá gạo 5% tấm của Thái Lan cũng giảm nhẹ từ 510 - 515 USD/tấn của tuần trước xuống còn 510 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 6/2023.
Kim ngạch thương mại Việt Nam - Campuchia tăng 21,9%
Theo thống kê mới nhất của bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, tính hết quý III năm nay, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam - Campuchia tiếp tục đạt được những bước phát triển vượt bậc khi tăng 21,9% so với cùng kỳ năm 2023, lên 5,8 tỷ USD.
Việt Nam đang là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Campuchia sau Mỹ, với kim ngạch đạt hơn 2,7 tỷ USD, tăng 33,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Campuchia chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như: Hạt điều, cao su,… sang Việt Nam. Việt Nam chiếm 13,8% thị phần xuất khẩu của Campuchia, Mỹ chiếm 38,4% thị phần.
Xuất khẩu cá ngừ đông lạnh tăng trưởng mạnh
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, giá trị xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam đạt mức cao kể từ đầu năm đến nay, đạt hơn 51 triệu USD, tăng 19% so với cùng kỳ.
Theo VASEP, trong số các sản phẩm cá ngừ xuất khẩu, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm thịt/loin cá ngừ đông lạnh của Việt Nam mã HS0304 luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong tổng giá trị xuất khẩu. Các xuất khẩu của Việt Nam mã HS0304 thường là các sản phẩm như loin cá ngừ đông lạnh; thịt cá ngừ cắt miếng (steak) hoặc cắt saku…
Đầu tư ra nước ngoài giảm hơn 50%
Theo Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong 9 tháng năm 2024 có 105 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn là 177,5 triệu USD, giảm 27,5% so với cùng kỳ năm trước. Có 20 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn điều chỉnh 12 triệu USD, giảm 93%.
Tính chung 9 tháng năm 2024, tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (bao gồm cả vốn cấp mới và điều chỉnh) đạt 189,6 triệu USD, giảm 54,5% so với cùng kỳ năm trước.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư Việt Nam đã đầu tư ra nước ngoài ở 15 ngành; trong đó, vốn đầu tư tập trung nhiều nhất vào các ngành khai khoáng với 58,6 triệu USD, chiếm 30,9% tổng vốn đầu tư. Công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 34,7 triệu USD, chiếm 18,3%.