Tin tức kinh tế ngày 12/8/2024: giá cước vận tải biển tăng cao
Giá vàng tăng nhẹ; xuất khẩu gạo năm 2024 dự báo vượt mức 5 tỷ USD; giá cước vận tải biển tăng cao … là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 12/8.
Giá vàng tăng nhẹ
Giá vàng thế giới trong ngày 12/8 giao ngay ở 2.432,4 USD/ounce, tăng 2,28 USD so với giá vàng ngày hôm qua.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 12/8, giá vàng SJC trong nước niêm yết ở mức 76,5 – 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng SJC tại Công ty TNHH Bảo Tín Mạnh Hải cũng được doanh nghiệp giao dịch ở mức 76,6 - 78,5 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 100.000 đồng chiều mua vào và ổn định chiều bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại Bảo tín Minh Châu niêm yết ở mức 76,38 - 77,58 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá cước vận tải biển tăng cao
Gần đây, cước tàu trên các tuyến trọng điểm tăng cao. Có thời điểm giá mỗi container đi châu Âu khoảng 4.000 - 5.000 USD, hơn gấp đôi cuối năm ngoái. Cước tàu đi Mỹ tăng tương tự, lên mức 6.000 - 7.000 USD/container. Giá cước đi khu vực gần như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đông Nam Á cũng tăng từ 1.000 - 2.000 USD/container.
Tình trạng này khiến các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước phải chấp nhận trả thêm tiền cho mỗi chuyến hàng khi rời biển, xót xa nhìn cảnh lợi nhuận hao hụt và đứng trước mối lo khó cạnh tranh với các đối thủ.
Thị trường ETC toàn cầu đạt kết quả ấn tượng
Theo báo cáo khoa học về triển khai thu phí ETC, thị trường ETC toàn cầu đã có sự tăng trưởng đáng kể, đạt 9,2 tỷ USD vào năm 2023 với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 9,4% kể từ năm 2020 và dự đoán sẽ tiếp tục giữ tốc độ CAGR 8,10%, đạt 14,7 tỷ USD vào năm 2029, chủ yếu nhờ việc áp dụng ETC tại các tuyến cao tốc (chiếm khoảng 90% thị trường). Hai công nghệ chủ yếu đang được triển khai là RFID và DSRC tồn tại song song dựa trên nhu cầu và khả năng cơ sở hạ tầng ở từng thị trường, trong đó RFID (công nghệ đang áp dụng tại Việt Nam) vượt trội hơn DSRC cả về thị phần và tốc độ tăng trưởng.
Báo cáo cũng dành phần lớn dung lượng để phác họa những nỗ lực đặc biệt của Việt Nam trong việc triển khai ETC trên đường cao tốc, đặc biệt là lần đầu tiên lượng hóa được những lợi ích hữu hình mang lại cho nền kinh tế giai đoạn 2019-2023 cũng như dự báo đến 2030.
Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam tăng mạnh 52%
Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, trong tháng 7/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt gần 77.000 tấn, tương đương 381 triệu USD, tăng 9,7% về lượng, tăng 18,2% kim ngạch so với tháng 6/2024 và giá tăng 7,8%, đạt 4.951 USD/tấn.
Tính chung 7 tháng đầu năm 2024, nước ta xuất khẩu 980.000 tấn, tương đương gần 3,6 tỷ USD, giảm 12,4% về lượng nhưng tăng 33,5% về kim ngạch. Sản lượng giảm nhưng kim ngạch tăng khiến giá xuất khẩu tăng tới 52% so với 7 tháng đầu năm 2023, trung bình đạt 3.683 USD/tấn.
Hàng không thực hiện nhiều giải pháp tăng tải cung ứng
Cục Hàng không Việt Nam cho biết hiện tổng số tàu bay của các hãng hàng không Việt Nam được cấp chứng chỉ nhà khai thác tàu bay là 195 chiếc, giảm 36 chiếc.
Trong đó, số tàu bay khai thác trung bình là 167 chiếc, giảm 51 chiếc so với cùng kỳ năm ngoái.
Vì vậy, Cục yêu cầu các hãng thực hiện nhiều giải pháp để duy trì và tăng tải cung ứng như điều chỉnh thời gian hoạt động khai thác tàu bay, giảm thời gian quay đầu tàu bay để chuyển tiếp chặng bay, tối ưu hóa thời gian khai thác tàu bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay vào khung giờ chiều và tối.
Thời gian khai thác trung bình đội tàu bay của các hãng hàng không nội địa tăng mạnh, một số hãng lên tới trên 20% so với cùng kỳ năm ngoái.