Tin tức kinh tế ngày 17/7: Dòng tiền kỷ lục vừa đổ vào thị trường chứng khoán
Dòng tiền kỷ lục vừa đổ vào thị trường chứng khoán; Kiều hối từ khu vực châu Phi bứt phá mạnh; Hồ tiêu bị 'tắc' đường xuất khẩu sang EU… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 17/7.

Giá vàng thế giới bật tăng nhẹ, trong nước đi ngang
Sáng nay, giá vàng trên thị trường thế giới quay đầu bật tăng trở lại với giá vàng giao ngay tăng 12,22 USD/ounce lên 3,342.67 USD/ounce. Giá vàng thế giới tăng tương ứng với 0.37%.
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC các thương hiệu hôm nay đi ngang so với sáng qua và neo mức mua vào 118,6 triệu đồng/lượng và bán ra mức 120,6 triệu đồng/lượng. Vàng Phú Quý SJC đang mua vào thấp hơn 700.000 đồng so với các thương hiệu khác ở mức 117,9 - 120,6 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn thương hiệu Bảo Tín Minh Châu niêm yết ở mức 115,6 triệu đồng/lượng mua vào và 118,6 triệu đồng/lượng bán ra, tăng 300.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều mua và bán so với sáng qua.
Trung Quốc vượt qua Mỹ trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam
Thống kê của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho thấy, nửa đầu năm 2025, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Mỹ đạt 905 triệu USD, tăng 17,5% so với cùng kỳ năm 2024.
Vasep cho biết, Mỹ từng là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu thủy sản Việt Nam trong nhiều năm, hiện chiếm 17% thị phần xuất khẩu của Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025. Tuy nhiên, Trung Quốc đã vươn lên trở thành thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam với giá trị 1,1 tỷ USD, tăng mạnh tới 45% so với cùng kỳ.
Những thay đổi liên tục trong chính sách thuế quan của chính quyền Tổng thống Donald Trump ảnh hưởng đến việc lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh, ký kết hợp đồng và giao hàng của các doanh nghiệp cả ở Mỹ lẫn các nước xuất khẩu.
Với ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn bởi mùa vụ và chi phí logistics như thủy sản, tình trạng bất ổn thương mại sẽ càng làm tăng rủi ro tài chính và kéo theo những hệ lụy dây chuyền từ vùng nuôi, chế biến đến vận tải và thanh toán.
Dòng tiền kỷ lục vừa đổ vào thị trường chứng khoán
Phiên giao dịch hôm nay (17/7), thị trường chứng khoán tiếp tục một phiên tăng kỷ lục.
Với mức tăng 14 điểm, và gần 36.000 tỉ đồng (1,38 tỉ USD) đổ vào thị trường chứng khoán, đang giúp VN Index chỉ cần cố thêm 10 điểm là đạt cột mốc 1.500 điểm.
Phiên giao dịch hôm nay, tâm lý lạc quan tiếp tục lan truyền đến nhà đầu tư. Một trong những nguyên nhân là các chuyên gia của FTSE hôm nay có cuộc gặp gỡ với nhiều lãnh đạo cơ quan chứng khoán nhà nước.
Kỳ vọng về việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên thị trường mới nổi vào tháng 9-2025 ngày càng rõ nét, thu hút thêm dòng vốn đầu tư. Điều này tạo ra một tâm lý lạc quan cho nhà đầu tư, thúc đẩy họ tham gia mạnh mẽ hơn vào thị trường.
Kiều hối từ khu vực châu Phi bứt phá mạnh
Theo số liệu mới nhất từ NHNN chi nhánh Khu vực 2 (TP HCM), tổng lượng kiều hối chuyển về địa bàn thành phố trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 5,23 tỉ USD, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước. Riêng quý II/2025, lượng kiều hối qua hệ thống tổ chức tín dụng và tổ chức kinh tế đạt gần 2,82 tỉ USD, tăng 16,9% so với quý I và cao hơn 22,1% so với quý II-2024.
Đánh giá về xu hướng tích cực này, bà Trần Thị Ngọc Liên, Phó Giám đốc NHNN Khu vực 2 cho rằng mức tăng trưởng của kiều hối quý II/2025 là điểm sáng so với cùng kỳ những năm gần đây, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất định.
Đáng chú ý, châu Phi là khu vực ghi nhận tốc độ tăng trưởng kiều hối cao nhất trong nửa đầu năm nay, đạt 130,8% so với cùng kỳ. Các thị trường truyền thống như châu Âu, châu Mỹ và châu Đại Dương cũng ghi nhận mức tăng trưởng lần lượt 16%, 11,9% và 8,9%.
Hồ tiêu bị “tắc” đường xuất khẩu sang EU
Mới đây, VPSA đã gửi kiến nghị tới Bộ Nông nghiệp và Môi trường liên quan đến những khó khăn mà các doanh nghiệp gặp phải trong việc cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho sản phẩm có nguồn gốc thực vật xuất khẩu, đặc biệt là đối với mặt hàng gia vị.
Theo đó, từ ngày 1/7, việc cấp Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã chuyển sang các cơ quan cấp tỉnh theo quy định của Thông tư số 12/2025/TT-BNNMT ngày 19/6/2025.
Tuy nhiên, quy định mới này không kế thừa đầy đủ các hướng dẫn từ Thông tư 44/2018/TT-BNNPTNT ngày 28/12/2018, dẫn đến sự lúng túng và chậm trễ trong quá trình cấp giấy chứng nhận.
“Điều này đặc biệt gây khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, khiến hàng hóa không thể thông quan kịp thời, ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng và gây thiệt hại về tài chính”, đại diện VPSA cho hay.
Trước tình hình trên, VPSA đã kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường xem xét và đưa ra giải pháp kịp thời, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các vướng mắc để doanh nghiệp có thể thông quan hàng hóa, đồng thời sửa đổi, bổ sung các quy định trong Thông tư 12/2025/TT-BNNMT để đảm bảo việc cấp Giấy chứng nhận đúng tiến độ và phù hợp với yêu cầu của các nước nhập khẩu.