Tin tức kinh tế ngày 20/9: xuất khẩu gạo vượt 4 tỷ USD
Giá vàng nhẫn lập đỉnh mới; xuất khẩu gạo vượt 4 tỷ USD; vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản… là những tin tức kinh tế đáng chú ý ngày 20/9.
Xuất khẩu gạo vượt 4 tỷ USD
Thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy tính đến giữa tháng 9, Việt Nam đã xuất khẩu gần 6,5 triệu tấn gạo các loại, thu về 4,06 tỷ USD. So với cùng kỳ năm ngoái, xuất khẩu gạo tăng nhẹ 6% về lượng nhưng giá trị tăng mạnh 21%. Nguyên nhân chủ yếu do giá xuất khẩu gạo năm nay tăng mạnh so với cùng kỳ.
Các thị trường nhập khẩu gạo của Việt Nam vẫn là các thị trường truyền thống như Philippines, Indonesia, Malaysia và Trung Quốc.
Giá vàng nhẫn lập đỉnh mới
Giá vàng thế giới trong ngày 20/9 giao ngay ở ngưỡng 2.586,67 USD/ounce, tăng 26,8 USD so với giá vàng ngày hôm qua.
Tại thị trường trong nước, ghi nhận vào chiều ngày 20/9, giá vàng SJC tại DOJI trong nước niêm yết ở mức 80 – 82 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng SJC tại PNJ đang được mua vào ở mức 80 – 82 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), ổn định ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Giá vàng nhẫn tại DOJI niêm yết ở mức 78,6 – 79,7 triệu đồng/lượng (mua vào/bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả chiều mua vào và bán ra so với phiên cùng giờ ngày hôm qua.
Tương tự, Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) cũng nâng giá vàng nhẫn loại 1-5 chỉ lên mức 78,4 - 79,7 triệu đồng/lượng (mua vào/ bán ra), tăng 500.000 đồng/lượng ở cả 2 chiều so với kết phiên giao dịch hôm qua.
Vốn ngoại chảy mạnh vào bất động sản
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, tính đến 31/8, vốn đăng ký cấp mới vào lĩnh vực bất động sản đạt 2,4 tỷ USD, tăng gấp 5 lần cùng kỳ và chiếm gần 20% tổng nguồn vốn mới (12 tỷ USD). Nếu tính cả vốn đăng ký mới và điều chỉnh, FDI đăng ký vào bất động sản đạt 2,55 tỷ USD, gấp 3,7 lần cùng kỳ năm ngoái.
Với hình thức góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài vào hoạt động kinh doanh bất động sản đạt gần 812 triệu USD, chiếm 29% tổng vốn góp. Dòng vốn ngoại đổ vào bất động sản trải rộng ở mọi phân khúc nhà ở, khu công nghiệp, thương mại và dịch vụ. Trong đó mảng nhà ở và khu công nghiệp đang là điểm sáng.
Ngân hàng liên tục tăng lãi suất tiết kiệm
Tính từ đầu tháng 9 đến nay đã có hơn 10 ngân hàng tăng lãi suất huy động gồm: Dong A Bank, OceanBank, VietBank, GPBank, Agribank, Bac A Bank…
Đánh giá về xu hướng tăng lãi suất này, WiGroup (đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu tài chính, kinh tế, vĩ mô, báo cáo, nghiên cứu thị trường và giải pháp công nghệ tài chính tại Việt Nam) cho rằng, điểm tích cực trong động thái mới này là mặt bằng chung của lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn ở tất cả các nhóm ngân hàng thương mại tiếp tục duy trì ở mức thấp. Điều này cho thấy, thanh khoản ngân hàng thương mại vẫn ở mức dồi dào.
Nhập khẩu sầu riêng tươi của Trung Quốc dự kiến vượt 10 tỷ USD
Trung Quốc là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn trên thế giới. Việc mở cửa thị trường này nhằm tận dụng được lợi thế của thị trường Việt Nam tại Trung Quốc. Tuy nhiên, ngành sầu riêng cấp đông Việt Nam hiện nay vẫn còn nhiều thách thức, cần nhận diện đầy đủ để đối phó, đặc biệt là vấn đề về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc…
Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), Nguyễn Quang Hiếu cho biết, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu sầu riêng tươi trị giá 7 tỷ USD, dự kiến vài năm tới, con số này sẽ vượt mức 10 tỷ USD. Năm ngoái, Trung Quốc nhập 1 tỷ USD sầu riêng đông lạnh. Con số này dự kiến cũng sẽ tăng.
Về thế mạnh của sầu riêng đông lạnh, ông Nguyễn Quang Hiếu cho biết, sầu riêng tươi chỉ có 30% là cơm, 70% là hạt, vỏ phải loại bỏ, gây ô nhiễm môi trường. Người tiêu dùng ở Trung Quốc sẽ sớm chuyển sang sản phẩm đông lạnh, vì nó phù hợp hơn. Sầu riêng đông lạnh có thời gian bảo quản dài, có thể sử dụng luôn hoặc dùng làm nguyên liệu cho sản phẩm khác.
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tin-tuc-kinh-te-ngay-20-9xuat-khau-gao-vuot-4-ty-usd.html