Tin vào cơ đồ đất nước

Bài học đầu tiên từ chiến thắng Ngọc Hồi mùa xuân năm 1789 của Hoàng đế Quang Trung, theo Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, đó là 'tin ở chính mình, tin vào cơ đồ đất nước'. Ông kêu gọi toàn dân, đặc biệt là giai cấp công, nông luôn có niềm tin, để 'ruộng đồng tốt tươi, tiếng cười rộn rã...'

Thực túc, binh cường

Trong giá rét, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thực hiện nghi lễ cày ruộng tịch điền, khai xuân động thổ, đánh thức đất đai, khởi đầu mùa vụ, gieo trồng ngũ cốc, mong xã tắc phồn vinh, nhà nhà no đủ, cầu cho năm mới mưa gió thuận hòa, mùa vàng bội thu. Đây là lễ hội đã được Nhà nước công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia" - một lễ hội giàu tính nhân văn, ý nghĩa khuyến nông sâu sắc, thể hiện lòng biết ơn các bậc tiền nhân trong việc khai hoang, mở mang ruộng đồng, đề cao quan niệm: Lấy nông nghiệp làm căn bản, coi nông nghiệp là nền tảng ổn định đất nước, ổn định xã hội.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm công nhân Công ty thép Hòa Phát Dung Quất (Quảng Ngãi), ngày 16/2/2022.

Người đứng đầu Nhà nước nhìn lại năm 2021, trong bổi cảnh thiên tai dịch bệnh, nhất là đại dịch Covid-19, nông nghiệp, nông thôn của Việt Nam một lần nữa không chỉ đảm bảo an ninh lương thực, tạo nền tảng ổn định cuộc sống, đóng góp vào hội nhập quốc tế, xuất khẩu lớn hàng đầu khu vực, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước luôn khuyến khích và đề cao sự phát triển của nông nghiệp trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam.

Dẫn lại lời trong “Thư gửi nông dân thi đua canh tác” vào tháng 2/1951, Bác Hồ viết “thực túc thì binh cường”; Chủ tịch nước cho rằng sự đóng góp của nông nghiệp, nông dân và nông thôn đối với sự phát triển của đất nước là vô cùng lớn, không chỉ bao trùm mà còn rất bền bỉ, không ồn ào mà thầm lặng, góp phần to lớn cho quốc phú dân cường.

Gửi lời chúc đến “các bác nông dân dồi dào sức khỏe” - Chủ tịch nước cũng bày tỏ chính họ đã mang đến niềm lạc quan cho cả nền kinh tế, bởi có họ, là có ruộng đồng luôn tốt tươi, luôn rộn rã tiếng cười và hừng hực khí thế lao động, sản xuất.

Công nhân tại Khu Công nghiệp Tây Bắc Đồng Hới (Quảng Bình) trở lại làm việc sau kỳ nghỉ Tết.

Cũng với tinh thần “thực túc, binh cường”, trong chuyến công tác tại Bình Định vào tuần trước, người đứng đầu Nhà nước trực tiếp đến dự buổi lễ công nhận huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định đạt chuẩn huyện nông thôn mới. Tỉnh Bình Định đến nay đã có 84/113 xã đạt xã nông thôn mới; có 4 đơn vị thành phố, huyện, thị xã đạt nông thôn mới, đạt tỉ lệ 36,4%, cao hơn mức bình quân cả nước về số huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh xây dựng thành công nông thôn mới.

“Thực túc, bình cường”, ngay cả củ cà rốt của người nông dân cũng làm nên lễ hội. Hồi trung tuần tháng 2, lần đầu tiên tại cánh đồng xã Đức Chính, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương diễn ra lễ hội thu hoạch cà rốt với sự tham dự của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam Lê Minh Hoan cùng các lãnh đạo tỉnh này. Lễ hội còn có sự tham dự của các cầu thủ bóng đá nổi tiếng người Hải Dương như Hoàng Đức, Trọng Đại, Đức Chiến...

12 từ “đặc tả”

Trong những ngày làm việc đầu tiên của năm mới, thông tin công nhân đình công râm ran tại nhiều tỉnh thành. Theo Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam, một số tỉnh như Thái Bình, Ninh Bình, Bắc Ninh, Nghệ An… xảy ra tình trạng công nhân lao động tạm ngừng việc tập thể để yêu cầu doanh nghiệp tăng lương, tăng phụ cấp, giảm giờ làm. Tính hết ngày 12/2, tại 12 tỉnh thành xảy ra 28 cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Xoay vần vận mệnh

“Dù ở bất kỳ hoàn cảnh nào, tất cả chúng ta sẽ luôn giữ vững tinh thần Việt Nam: luôn lạc quan, không nao núng trước khó khăn, thách thức; luôn linh hoạt, sáng tạo trước thời cơ và luôn đoàn kết như lời Bác Hồ dạy "lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh" và tôi tin rằng vận mệnh mới tốt đẹp hơn nhất định sẽ đến với chúng ta trong năm Nhâm Dần 2022, đó cũng là nốt thăng vút cao của bản nhạc mùa Xuân tràn đầy hào khí mạnh mẽ của khát vọng hùng cường và cùng hướng tới mục tiêu một nước Việt Nam phát triển, thu nhập cao vào năm 2045”. - Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc

Chủ tịch nước đã tới thăm công nhân đang làm việc tại cả khu vực nhà nước và khu vực tư nhân là công nhân của Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn và Công ty Thép Hòa Phát Dung Quất. Người đứng đầu Nhà nước khẳng định giai cấp công nhân quyết định sự tồn tại và phát triển của xã hội hiện đại và nêu lên con số mặc dù chỉ chiếm 14% dân số và 27% lực lượng lao động xã hội, nhưng đóng góp hàng năm của giai cấp công nhân cho đất nước chiếm hơn 65% tổng sản phẩm quốc dân và hơn 70% ngân sách nhà nước.

Thời kỳ còn đảm nhiệm cương vị Thủ tướng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có nhiều cuộc đối thoại với công nhân, nhiều lần đến các nhà máy, xí nghiệp ở Bắc, Trung, Nam để thăm hỏi, tìm hiểu đời sống công nhân lao động và có những lần ngay trong ngày giáp tết trực tiếp chỉ đạo Tổng Liên đoàn giải quyết quyền lợi cho người lao động vui xuân đón tết bình thường khi họ gặp phải tình trạng chủ doanh nghiệp bỏ trốn... “Đặc tả” về giai cấp công nhân, Chủ tịch nước gói gọn trong 12 chữ: “tinh thần vượt khó, nỗ lực phấn đấu, lao động quên mình” và gửi lời cảm ơn sâu sắc tới anh chị em công nhân và người lao động cả nước. Ông nhìn nhận, có sự nỗ lực không ngừng của giai cấp công nhân - những người có tri thức, kỹ năng cao, tự tôn dân tộc, lao động sáng tạo, tác phong công nghiệp, là một trong những yếu tố quyết định cho sự thành công của công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Cho đến nay, tình hình đình công của công nhân tại các tỉnh, thành đều đã lắng xuống. Cả nước trong khí thế lao động sản xuất. Ở hai đầu tầu lớn nhất cả nước là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, gần như 100% công nhân đi làm trở lại sau kỳ nghỉ tết. Còn tại Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn nơi Chủ tịch nước đến thăm, những người công nhân ở đây làm việc xuyên tết để đảm bảo cho Nhà máy lọc dầu Dung Quất không những vận hành an toàn, liên tục và ổn định mà còn tăng công suất lên 103% vào ngày 26/1 và ngày làm việc đầu tiên sau Tết, nhà máy đã tăng công suất lên 105% nhằm đảm bảo cung ứng xăng dầu cho thị trường tăng cao trong dịp Tết. Từ đầu năm đến nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất sản xuất đưa ra thị trường hơn 680.000 tấn sản phẩm xăng dầu các loại, đạt 115% kế hoạch.

Sớm lấy lại ngôi vị quán quân

Sau một năm nền kinh tế Việt Nam, như theo khái quát của đại biểu Quốc hội là “rơi thẳng đứng”, “chạm đáy khủng hoảng” và theo khái quát của chuyên gia quốc tế là “như vì sao rơi”, thì vào lúc này, đã ngày càng nhiều nhận định lạc quan hơn. Dự báo của các tổ chức quốc tế uy tín đều đánh giá Việt Nam có khả năng phục hồi trở lại cao ở mức 6% đến 6,5% vào năm 2022 trong bối cảnh mà dịch bệnh được kiểm soát, tỷ lệ tiêm chủng được phủ rộng và biến chủng mới Omicron không gây ra nhiều thiệt hại đối với nền kinh tế.

Các chuyên gia kinh tế của Ngân hàng Standard Chartered nhận định kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi mạnh mẽ, bắt đầu từ cuối quý I/2022. Các chuyên gia của Văn phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô ASEAN + 3 (AMRO) gồm 10 nước ASEAN và 3 đối tác Trung Quốc (bao gồm Hong Kong), Nhật Bản và Hàn Quốc cho rằng Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất khu vực với mức 7,5% trong năm 2022. Với mức tăng trưởng này, Việt Nam vượt qua Malaysia (6,7%) và Campuchia (6,6%) để đứng đầu khu vực nhờ động lực chính đến từ tốc độ bao phủ vắc-xin nhanh, chính sách linh hoạt hơn giữa hai mục tiêu bảo vệ sức khỏe người dân và hồi phục nền kinh tế cùng hoạt động xuất khẩu ổn định.

Ngân hàng HSBC cũng nhận định mặc dù sự lây lan của biến chủng Omicron đặt ra nhiều rủi ro cho cả Việt Nam, nhưng Việt Nam sẽ lấy lại đà tăng trưởng vững vàng ở mức 6,5% trong năm 2022...

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tin-vao-co-do-dat-nuoc-100645.html