Tin vào thuốc đông y 'nhà tôi 3 đời', nhiều bệnh nhân bị nhiễm độc
Thời gian qua, tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai, tiếp nhận nhiều bệnh nhân bị nhiễm độc nặng do uống phải những loại thuốc đông y 'rởm' được rao bán trên mạng xã hội. Có bệnh nhân vì cả tin quảng cáo thuốc chữa bách bệnh đã bỏ ra hàng chục triệu đồng đặt mua qua mạng rồi về uống, sau đó chuốc họa vào thân. Ghi nhận sau đây của phóng viên Truyền hình Quốc hội Việt Nam.
Vì tin lời quảng cáo trên mạng và nghe theo mách bảo của bạn bè, bệnh nhân này đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng để mua 2 loại thuốc bào chế theo dạng Y học cổ truyền: một loại bào chế dạng viên hoàn tán và một dạng cao đặc với mục đích sử dụng điều trị tận gốc bệnh Đái tháo đường. Tuy nhiên sau khi uống được vài tuần, bệnh nhân có biểu hiện buồn nôn, mệt mỏi và suy nhược cơ thể.
Bà NGUYỄN THỊ DUYÊN, Người nhà bệnh nhân:"Có một người bạn mách bảo là mẹ chú ý uống thuốc này nó giảm lượng đường. Nó là một loại hoàn tán màu trắng, một loại nó như cao đen tấm nhưng lại không biết tên thuốc. Trên mạng quảng cáo là uống không không khỏi tiền là hoàn %. Nghe thấy vậy ông ấy ghi số điện thoại xong là mua thì về nhà uống."
Tại Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai , theo kết quả xét nghiệm viên thuốc hoàn tán mà bệnh nhân sử dụng có thành phần Phenformin. Đây là chất đã bị cấm sử dụng trên toàn thế giới từ năm 1978.
TS. BS NGUYỄN TRUNG NGUYÊN, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: "Đây là thuốc rất độc mà thế giới ngừng sử dụng vài chục năm rồi và độc tính rất cao và có thể gây tử vong rất nhiều người. Thế nhưng vẫn được trộn vào trong thuốc YHCT rởm hiện nay để bán, quảng cáo rất mạnh mẽ trên mạng và đã gây ra rất nhiều trường hợp ngộ độc thậm chí là tử vong. Hiện tai bệnh nhân may mắn là đã hồi phục."
Chỉ trong gần một tháng, tại Trung tâm Chống độc đã tiếp hơn 10 bệnh nhân bị nhiễm độc thuốc đông y và thuốc nam “rởm”. Trong đó nhiều ca nhiễm độc kim loại nặng do thời gian uống kéo dài. Những trường hợp này phải nhanh chóng xử lý lọc máu để sớm thải những độc tố ra bên ngoài cơ thể.
TS. BS NGUYỄN TRUNG NGUYÊN, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai: "Kể cả thuốc chính thống cũng có nguy cơ bị mốc rồi vấn đề dùng thuốc không được kiểm soát, người bệnh không được khám, không được kê đơn đúng và thuốc cũng không đảm bảo về chất lượng và vấn đề tương tác thuốc nữa mà YHCT không giải quyết được. Rồi Thuốc YHCT rởm có chữa thành phần mạnh là COTYCOIT gây rối loạn nội tiết rất là nặng đa phần là mua qua tay, mua qua mạng hoặc là kể bệnh trên điện thoại mà không đi khám thì thực sự rất là nguy hiểm."
Lướt qua Facebook, YouTube, TikTok…, dễ dàng bắt gặp những mô tuýp quảng cáo như: “3 đời gia truyền nhà tôi chữa sỏi thận, sỏi mật, to mấy cũng tan"; “Nhà tôi 3 đời chữa bệnh xương khớp”; “Tôi chỉ cho bài thuốc này khỏe mạnh đến già”. Để tạo lòng tin với người bệnh, nhiều chủ cơ sở còn mạo danh là lương y đang công tác ở bệnh viện quân đội Trung ương”.
PGS. TS TRẦN THÁI HÀ, Phó trưởng Bộ môn Y học cổ truyền Trường Đại học Y Dược – ĐHQG Hà Nội: "Các thuốc mà được quảng cáo tràn lan mà không rõ nguồn gốc đặc biệt là chúng tôi nói rằng trong các quảng cáo chúng tôi có xem thì thấy nó sai sự thật hoặc là quá so với tác dụng. Chính vì vậy người dân không nên xem quảng cáo mà uống thuốc thì rất nguy hiểm mà chúng ta nên đến các cơ sở y tế có uy tín thì sau đó chúng ta sử dụng thuốc nó mới có hiệu quả."
Trong bối cảnh bát nháo tình trạng quảng cáo thuốc đông y trên mạng xã hội nhưng chưa được chấn chỉnh triệt để như hiện nay, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần hết sức cẩn trọng, tìm hiểu kỹ lưỡng thông tin để tránh tiền mất, tật mang.
Thực hiện : Tiến Dũng Minh Công