Tin vui cho hàng triệu lao động nữ khi đề xuất mới có liên quan đến quyền và lợi ích tại nơi làm việc

Thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc là góp phần hiệu quả trong đảm bảo quyền của lao động nữ. Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) nữ giới được đảm bảo quyền lợi gì?

Nâng cao vai trò của công đoàn trong phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Trên Báo Phụ nữ Việt Nam, bà Phạm Thị Thu Lan (Phó viện trưởng Viện Công nhân - Công đoàn) cho biết, Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đề cập quyền đến quyền và lợi ích của lao động nữ khi bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Theo Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đề cập quyền và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc: Đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tuyên truyền, vận động, giáo dục người lao động…

Trong đó, thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc là góp phần hiệu quả trong đảm bảo quyền của lao động nữ. Trước tiên, công đoàn cần ưu tiên, đảm bảo bình đẳng cho lao động nữ về cơ hội việc làm, tiền lương, điều kiện làm việc và các phúc lợi khác…

Đặc biệt, tình trạng quấy rối tình dục tại nơi làm việc là một vấn đề đáng lo ngại. Nạn nhân thường tập trung vào lao động nữ. Pháp luật hiện hành đã có quy định và chế tài với hành vi này, được quy định ở Bộ luật Lao động và Bộ luật Dân sự. Còn tại Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), vai trò của công đoàn là trách nhiệm đại diện, bảo vệ lao động nữ khi bị xâm phạm và có các hành động, biện pháp để phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Luật Công đoàn 2012 không trực tiếp nhắc đến trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong việc phòng, chống quấy rối tình dục. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua, công đoàn có tham gia trong quá trình đại diện bảo vệ người lao động khi họ bị xâm phạm và thực hiện các biện pháp phòng, chống.

Đa số nạn nhân bị quấy rối tình dục không dám lên tiếng và cần sự bảo mật thông tin, danh dự, nhân phẩm. Vì vậy, công đoàn phải thực sự tạo được sự tin tưởng đối với người lao động để họ dám lên tiếng, chia sẻ.

Cũng theo bà Phạm Thị Thu Lan, tổ chức công đoàn cần xây dựng bộ tài liệu về tuyên truyền phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc, phổ biến rộng rãi đến người lao động, đặc biệt là lao động nữ.

Cùng chung quan điểm, bà Ngô Thị Liên (Phó Chủ tịch Công đoàn các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội), đề xuất công đoàn tập trung tham mưu giải quyết những vấn đề bức xúc trong nữ công nhân lao động;

Cần chú trọng tuyên truyền, giám sát việc thực hiện Chương X của Bộ luật Lao động 2019, trong đó tập trung vào nội dung bảo đảm bình đẳng giới và những quy định riêng với lao động nữ, phòng, chống quấy rối tại nơi làm việc; quan tâm chăm lo con của người lao động, đặc biệt là vấn đề nhà trẻ, mẫu giáo.

Hàng năm, các cấp công đoàn bố trí nguồn kinh phí chi cho các hoạt động về giới, bình đẳng giới theo quy định nhằm chăm lo cho lao động nữ…

Theo Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc là góp phần hiệu quả trong đảm bảo quyền của lao động nữ. Ảnh minh họa: TL

Theo Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), thúc đẩy bình đẳng giới tại nơi làm việc là góp phần hiệu quả trong đảm bảo quyền của lao động nữ. Ảnh minh họa: TL

Làm cách nào để xác định đâu là hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc?

Căn cứ tại Điều 84 Nghị định 145/2020/NĐ-CP, hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc được xác định cụ thể như sau:

Quấy rối tình dục quy định tại Khoản 9 Điều 3 Bộ luật Lao động 2019 có thể xảy ra dưới dạng:

- Trao đổi như đề nghị, yêu cầu, gợi ý, đe dọa, ép buộc đổi quan hệ tình dục lấy bất kỳ lợi ích nào liên quan đến công việc;

- Những hành vi có tính chất tình dục không nhằm mục đích trao đổi, nhưng khiến môi trường làm việc trở nên khó chịu và bất an, gây tổn hại về thể chất, tinh thần, hiệu quả công việc và cuộc sống của người bị quấy rối.

Trong đó, quấy rối tình dục tại nơi làm việc bao gồm:

- Hành vi mang tính thể chất gồm hành động, cử chỉ, tiếp xúc, tác động vào cơ thể mang tính tình dục hoặc gợi ý tình dục;

- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm lời nói trực tiếp, qua điện thoại hoặc qua phương tiện điện tử có nội dung tình dục hoặc có ngụ ý tình dục;

- Quấy rối tình dục phi lời nói gồm ngôn ngữ cơ thể; trưng bày, miêu tả tài liệu trực quan về tình dục hoặc liên quan đến hoạt động tình dục trực tiếp hoặc qua phương tiện điện tử.

Lưu ý: Nơi làm việc quy định tại Khoản 9 Điều 3 của Bộ luật Lao động 2019 là bất cứ địa điểm nào mà người lao động thực tế làm việc theo thỏa thuận hoặc phân công của người sử dụng lao động, bao gồm cả những địa điểm hay không gian có liên quan đến công việc như các hoạt động xã hội, hội thảo, tập huấn, chuyến đi công tác chính thức, bữa ăn, hội thoại trên điện thoại, các hoạt động giao tiếp qua phương tiện điện tử, phương tiện đi lại do người sử dụng lao động bố trí từ nơi ở đến nơi làm việc và ngược lại, nơi ở do người sử dụng lao động cung cấp và địa điểm khác do người sử dụng lao động quy định.

Tại dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), vai trò của công đoàn là trách nhiệm đại diện, bảo vệ lao động nữ khi bị xâm phạm và có các hành động, biện pháp để phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ảnh minh họa: TL

Tại dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi), vai trò của công đoàn là trách nhiệm đại diện, bảo vệ lao động nữ khi bị xâm phạm và có các hành động, biện pháp để phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc. Ảnh minh họa: TL

Quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc

Điều 86 Nghị định 145/2020/NĐ-CP có quy định về trách nhiệm, nghĩa vụ phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc như sau:

Người sử dụng lao động có nghĩa vụ:

- Thực hiện và giám sát việc thực hiện các quy định của pháp luật về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc cho người lao động;

- Khi xuất hiện khiếu nại, tố cáo về hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc, người sử dụng lao động phải kịp thời ngăn chặn, xử lý và có biện pháp bảo vệ bí mật, danh dự, uy tín, nhân phẩm, an toàn cho nạn nhân bị quấy rối tình dục, người khiếu nại, tố cáo và người bị khiếu nại, bị tố cáo.

Người lao động có nghĩa vụ:

- Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Tham gia xây dựng môi trường làm việc không có quấy rối tình dục;

- Ngăn cản, tố cáo hành vi quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở có trách nhiệm:

- Tham gia xây dựng, thực hiện, giám sát việc thực hiện các quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

- Cung cấp thông tin, tư vấn và đại diện cho người lao động bị quấy rối tình dục, người lao động đang bị khiếu nại, bị tố cáo có hành vi quấy rối tình dục;

- Tuyên truyền, phổ biến, tập huấn quy định về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc.

Khuyến khích người sử dụng lao động và tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở lựa chọn nội dung về phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc để tiến hành thương lượng tập thể.

L.Vũ (th)

Nguồn GĐ&XH: https://giadinh.suckhoedoisong.vn/tin-vui-cho-hang-trieu-lao-dong-nu-khi-de-xuat-moi-co-lien-quan-den-quyen-va-loi-ich-tai-noi-lam-viec-17224062015580584.htm