Tỉnh Bạc Liêu nói không với các chi phí không chính thức
Ngày 13/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu tổ chức họp mặt, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào Bạc Liêu.
Tại buổi họp mặt, đồng chí Phạm Văn Thiều, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu giới thiệu những tiềm năng, lợi thế và cam kết của lãnh đạo tỉnh đối với doanh nghiệp khi đầu tư vào Bạc Liêu. Ông Thiều cho biết, Bạc Liêu có diện tích tự nhiên 2.669km², chia thành 7 đơn vị hành chính cấp huyện, 64 đơn vị hành chính cấp xã. Dân số trung bình của tỉnh là 921.809 người, (trong đó lực lượng lao động 15 tuổi trở lên chiếm hơn 52%).
Với khí hậu ôn hòa, đất đai bằng phẳng, rất ít bị ảnh hưởng của thiên tai, bão lụt, lại có vị trí giáp biển với 3 vùng sinh thái mặn, ngọt, lợ, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển, nhất là trong trong lĩnh vực nông nghiệp, với sản phẩm chủ lực là con tôm và trọng tâm là Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu chuyên về tôm duy nhất cả nước.
Bờ biển dài 56km, có nắng và gió quanh năm với cường độ khá tốt, rất phù hợp để phát triển các dự án điện gió, điện mặt trời, hiện Bạc Liêu có 8 Nhà máy điện gió đã đi vào hoạt động chính thức, với tổng công suất là 469,2MW (đứng thứ 3 trên cả nước), 2 dự án Nhà máy điện gió đang triển khai thực hiện, với quy mô công suất 191MW. Đặc biệt, Bạc Liêu đã thu hút được Dự án Nhà máy Điện khí LNG Bạc Liêu với quy mô công suất 3.200MW, tổng vốn đầu tư 4 tỷ USD, đã được Thủ tướng Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch điện VII của Quốc gia, được xác định là dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành điện. Đây là tiền đề quan trọng để Bạc Liêu trở thành một trong những trung tâm năng lượng sạch của quốc gia.
Ngoài ra, Bạc Liêu còn nhiều tiềm năng phát triển du lịch với 12 điểm du lịch được công nhận là điểm du lịch tiêu biểu khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều nhất so với các tỉnh trong khu vực.
Các điểm du lịch nổi tiếng như nhà Công tử Bạc Liêu, Quán âm Phật đài, Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam bộ và Nhạc sĩ Cao Văn Lầu,… hay những cánh đồng điện gió trên biển không chỉ thu hút du khách mà còn khẳng định sức hút của Bạc Liêu như một điểm đến đầy hứa hẹn trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Hơn nữa, với vị trí nằm giữa các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Hậu Giang, Sóc Trăng - khu vực có dân số khá đông và đang phát triển với tốc độ cao, Bạc Liêu có nhiều tiềm năng và cơ hội để đầu tư các lĩnh vực thương mại-dịch vụ và nhất là y tế, giáo dục chất lượng cao.
Bên cạnh những tiềm năng, lợi thế nêu trên, con người Bạc Liêu với tính cách phóng khoáng, nghĩa tình đậm chất Nam Bộ, với khát khao vượt qua khó khăn, năng động vươn lên làm giàu, cộng với sự nỗ lực của các cấp, các ngành quyết tâm chung sức xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp hơn, Bạc Liêu chắc chắn sẽ là điểm đến đầu tư hấp dẫn và mang lại nhiều lợi ích bền vững cho các Nhà đầu tư, doanh nghiệp.
Hiện nay, tỉnh Bạc Liêu đang mời gọi đầu tư 224 dự án. Trong đó lĩnh vực công nghiệp có 27 dự án; lĩnh vực nông nghiệp có 41 dự án; lĩnh vực thương mại, dịch vụ, nhà ở có 96 dự án; lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch có 25 dự án; lĩnh vực kết cấu hạ tầng có 25 dự án; lĩnh vực y tế-giáo dục và môi trường có 10 dự án…
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu cam kết sẽ hợp tác tích cực, giải quyết kịp thời với tinh thần trách nhiệm cao nhất, đồng hành phát triển lâu dài với các Nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhất quán phương châm “nói không với các chi phí không chính thức”; “việc gì dễ dành cho doanh nghiệp, việc gì khó các cơ quan Nhà nước phải làm”.
Góp ý cho các chính sách thu hút đầu tư của tỉnh Bạc Liêu, Tiến sĩ Trần Du Lịch, Chủ tịch Hội đồng tư vấn thực hiện Nghị quyết 98 phát triển Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trước đây giao thông Bạc Liêu khó khăn như vậy nhưng các nhà đầu tư vẫn đến với Bạc Liêu. Vậy Bạc Liêu nên tập trung khơi gợi các lợi thế của mình. Ngành nông nghiệp Bạc Liêu vẫn là mũi nhọn (chiếm 42%) nên tại các cụm công nghiệp nên trở thành các cứ điểm công nông nghiệp. Mời gọi nhà đầu tư vào làm nông nghiệp chứ không phải làm công nghiệp. Phải có doanh nghiệp đầu đàn để tạo thương hiệu.
Ông Lịch đánh giá cao các cam kết của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, để phát triển, Bạc Liêu phải đẩy mạnh liên kết vùng, tận dụng vai trò của Cần Thơ để đào tạo và tiếp nhận nguồn nhân lực chất lượng cao. Liệu Bạc Liêu nên có chính sách giảm thuế thu nhập cá nhân hay các chính sách ưu đãi nổi bật khác để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch tập đoàn Viettravel nhận định Bạc Liêu, có rất nhiều tiềm năng phát triển du lịch. Ông cho rằng, Bạc Liêu nên xây dựng thương hiệu, trở thành thủ phủ của Đồng bằng sông Cửu Long, trở thành kinh đô của âm nhạc phương nam. “Cần nhìn ra được các di sản, đưa nó trở thành tài sản”, lãnh đạo Viettravel nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Hải Linh, Chủ tịch Elisa group nhấn mạnh, yếu tố con người đóng vai trò then chốt trong sự phát triển. Theo tôi, cơ chế, những cam kết mà lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đề ra và cam kết là nền tảng vững chắc các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, giúp Bạc Liêu phát triển trong thời gian tới.